Luật Doanh nghiệp (DN) năm 2014 đã có những quy định mới nhằm tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi hơn nữa cho DN. Luật này có hiệu lực từ ngày 1-7-2015.
Nhiều điểm mới
Ông Mai Bá Trước, Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Luật DN 2014 đã bãi bỏ các yêu cầu về điều kiện kinh doanh tại thời điểm đăng ký thành lập DN, chuyển hoàn toàn từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”. Tại thời điểm đăng ký thành lập DN, DN không phải đáp ứng các yêu cầu về điều kiện kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký DN, DN được phép kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện kể từ khi đáp ứng được các yêu cầu về điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
Điểm mới quan trọng thứ hai đó là Luật DN 2014 đã tách bạch thủ tục đăng ký thành lập DN với các thủ tục về đăng ký đầu tư. Theo đó, sau khi thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài được phép thành lập DN tại cơ quan đăng ký kinh doanh như nhà đầu tư trong nước. Quy định này đã phân biệt rõ địa vị pháp lý của pháp nhân và của hoạt động đầu tư cụ thể, đồng thời giảm phiền hà cho nhà đầu tư khi thực hiện điều chỉnh các thông tin liên quan đến pháp nhân trong quá trình hoạt động.
Luật Doanh nghiệp 2014 có hiệu lực tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty Đại Tây Dương (Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore 1, TX.Thuận An). Ảnh: P.AN
Ngoài ra, Luật DN 2014 đã giảm thời gian xử lý hồ sơ đăng ký DN xuống còn 3 ngày làm việc. Để hiện thực hóa quy định nêu trên, hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng Thông tư liên tịch hướng dẫn về việc trao đổi thông tin đăng ký DN, thông tin về tình hình hoạt động của DN và thông tin về báo cáo tài chính của DN. Theo đó, Hệ thống đăng ký thuế sẽ tự động tạo mã số thuế mà không cần sự kiểm tra, xem xét của cán bộ đăng ký thuế.
Doanh nghiệp quyết định hình thức, số lượng và nội dung con dấu
Ông Trước cho biết thêm, điểm đặc biệt quan trọng trong Luật DN 2014 là đã trao việc quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu cho DN. Theo quy định tại Luật DN 2005 và Nghị định số 58/2001/NĐ-CP thì cơ quan quản lý nhà nước sẽ quyết định hình thức, số lượng và nội dung con dấu của DN. DN muốn hoạt động phải xin phép khắc dấu và phải được cơ quan quản lý nhà nước đồng ý cho khắc dấu và cấp giấy đăng ký mẫu dấu.
Luật DN mới đã chuyển quyền quyết định nêu trên về cho DN. Cụ thể, Điều 44 Luật DN 2014 quy định, DN có quyền quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu của DN. Trước khi sử dụng, DN có nghĩa vụ thông báo mẫu dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký DN. Với quy định này, con dấu của DN chỉ mang tính chất là dấu hiệu nhận biết DN, do DN tự thiết kế. Quy định này sẽ công nhận quyền tự do kinh doanh của DN, trong đó có việc công nhận quyền tự sáng tạo mẫu dấu của DN; Nhà nước cũng không hướng tới việc quản lý chặt chẽ đối với con dấu như quy định tại Luật DN 2005.
Ngoài ra, Luật DN 2014 cũng quy định về lưu giữ và quản lý con dấu. Theo đó, thay vì quy định cứng như trong Luật DN 2005 là phải lưu giữ và bảo quản tại trụ sở chính của DN, Luật DN 2014 cho phép Điều lệ công ty quy định việc quản lý, sử dụng và lưu giữ con dấu.
Trong quá trình hoạt động kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh chỉ còn 4 nội dung so với 10 nội dung trước đây (bỏ mục ngành nghề kinh doanh, danh sách cổ đông sáng lập, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh...). Trong đó, điểm nhận được sự quan tâm đặc biệt là bỏ ghi ngành nghề kinh doanh trong giấy chứng nhận đăng ký DN; bỏ việc xác định vốn pháp định, chứng chỉ hành nghề... Điều này đã hiện thực hóa quyền tự do kinh doanh tất cả ngành nghề mà pháp luật không cấm theo quy định tại Hiến pháp, làm cho DN trở thành công cụ kinh doanh thực sự an toàn, đa năng.
Theo các nhà chuyên môn, Bình Dương là một tỉnh có nhiều khu công nghiệp thu hút DN trong và ngoài nước đến đầu tư, Luật DN 2014 khi đi vào thực tiễn được kỳ vọng sẽ tạo thuận lợi cho DN và thu hút đầu tư góp phần cho kinh tế của tỉnh phát triển mạnh.
Để luật đi vào thực tiễn
Theo Sở Kế hoạch - Đầu tư, để bảo đảm thực hiện Luật DN 2014 trong thời gian nghị định và thông tư hướng dẫn về đăng ký DN chưa có hiệu lực thi hành, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Văn bản số 4211-BKHĐT-ĐKKD ngày 26-6-2015 hướng dẫn áp dụng quy định về đăng ký DN.
Hiện nay, biểu mẫu về đăng ký DN được công khai tại nơi tiếp nhận hồ sơ, tầng 1 Trung tâm Hành chính tập trung của tỉnh để người thành lập DN biết thực hiện. Đồng thời, tổ chức/cá nhân có nhu cầu có thể truy cập vào trang thông tin điện tử của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại địa chỉ: http:// sokhdt.binhduong.gov.vn hoặc Cổng thông tin quốc gia về đăng ký DN tại địa chỉ: http:// dangkykinhdoanh.gov.vn để tải mẫu biểu về đăng ký DN.
PHƯƠNG AN