Lực đẩy để doanh nghiệp nhỏ và vừa liên kết chuỗi giá trị

Cập nhật: 17-12-2021 | 08:17:50

Tiếp sức cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chuyển đổi công nghệ sản xuất, tiếp cận thị trường, mở rộng quy mô cung ứng sản phẩm, sẽ tạo một “cú hích” để khơi thông nội lực, giúp DN phát triển bền vững trong giai đoạn mới.

 

Sản xuất tại Công ty Nghệ Năng (TP.Thuận An)

 “Cú hích” quan trọng

UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch hỗ trợ DNNVV trên địa bàn tỉnh năm 2022 nhằm triển khai đồng bộ và có hiệu quả các chính sách hỗ trợ theo quy định tại Luật Hỗ trợ DNNVV và các văn bản liên quan, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN. 8 nội dung hỗ trợ cụ thể bao gồm: Hỗ trợ công nghệ, thông tin, tư vấn, phát triển nguồn nhân lực, chuyển đổi các hộ sản xuất, kinh doanh thành DNNVV, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, hỗ trợ DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị. Đặc biệt, UBND tỉnh đưa ra nội dung hỗ trợ lãi suất cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo và tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị.

Theo ông Lưu Trí, Giám đốc Công ty Nghệ Năng, trong điều kiện Bình Dương trở thành điểm đến của các nhà đầu tư quốc tế, việc hỗ trợ được đánh giá là một “cú hích” quan trọng để các tổ chức, DN trong nước tự tin và chủ động hơn trong tiếp cận với DN lớn để tạo mối quan hệ hợp tác, từng bước tạo chỗ đứng trong chuỗi cung ứng sản phẩm. Qua đó gây dựng uy tín, lòng tin với các tập đoàn xuyên quốc gia tham gia hoạt động đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam. Trên thực tế, các DNNVV của Việt Nam có nền tài chính mỏng, công nghệ còn yếu, nguồn nhân lực về cơ bản còn bất cập. Việc tiếp cận vốn, tài trợ thương mại còn hạn chế do chưa có đủ nguồn lực tài chính để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu; thiếu lao động có kỹ năng để tham gia vào những khâu có giá trị gia tăng cao như chế biến, phân phối và marketing.

Ông Trí cho biết hiện nay Công ty Nghệ Năng đang tích cực chuyển đổi số để đón những cơ hội sau đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, công ty đẩy mạnh liên kết, phát huy lợi thế và nâng cao khả năng cung ứng, triển khai các hợp đồng có giá trị lớn, từng bước chiếm lĩnh được thị trường. DN cũng phải chủ động liên kết với ngân hàng, các quỹ đầu tư và cơ sở đào tạo để huy động vốn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và công nghệ.

Nhận định từ thực tế, lãnh đạo các DN, nhất là DN ngành công nghệp hỗ trợ (CNHT) cho rằng thời điểm hiện tại là cơ hội “vàng” để DN trong nước bứt phá, tăng tốc đầu tư và gia nhập sâu, rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Bà Trịnh Thị Hồng Châu, Giám đốc Công ty cơ khí Kim Chung (TX.Tân Uyên), cho rằng hiện các DN đầu tư nước ngoài sản xuất sản phẩm đầu cuối có nhu cầu cung ứng các linh kiện, chi tiết máy của các DN công nghiệp về dụng cụ cầm tay, hệ thống điều khiển rất lớn, nhưng khả năng đáp ứng của các DN trong nước còn khiêm tốn.

Bà Châu cho rằng trên thực tế, việc tiếp sức cho các DN ngành CNHT nhanh chóng chuyển đổi công nghệ sản xuất, mở rộng quy mô cung ứng sản phẩm sẽ khơi thông nội lực phát triển cho DN ngành CNHT. Chính việc hỗ trợ của các ngành sẽ giúp tạo ra chuỗi liên hoàn trong hoạt động sản xuất sản phẩm CNHT, cơ khí chế tạo và tự động hóa, từng bước nâng cao năng lực sản xuất cho DN trong nước, đón đầu cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu trong bối cảnh DN có vốn nước ngoài (FDI) đang đẩy mạnh đầu tư vào Bình Dương.

Đón cơ hội “vàng”

Dịch bệnh Covid-19 đã làm đứt gãy nhiều chuỗi cung ứng trên toàn cầu, các DN FDI buộc phải đa dạng hóa nguồn cung. Trong đó, việc ưu tiên tối đa gia tăng nguồn cung tại chỗ là giải pháp an toàn, chiến lược và đang gấp rút triển khai. Theo ông Soichi Hanano, Tổng Giám đốc Công ty Ắc quy GS Việt Nam, để thích ứng với tình hình mới, công ty tập trung ưu tiên đón đầu những công nghệ mới, tự động hóa và dùng công nghệ 4.0 để nâng cao năng suất, tăng độ chính xác trong thao tác, tạo môi trường làm việc có hiệu suất cao. Đối với thị trường trong nước, công ty chọn cũng những vật liệu tốt, phù hợp nhất cho thị trường tiêu dùng ắc quy ở Việt Nam, phát triển nhà cung cấp nội địa để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Bà Mary Tarnowka, Giám đốc Điều hành Hiệp hội DN Hoa Kỳ (AmCham) tại Việt Nam, khẳng định Việt Nam tiếp tục là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của DN Hoa Kỳ trong thời gian tới. Hiện gần 80% DN Hoa Kỳ đánh giá tích cực về triển vọng trung và dài hạn của họ về Việt Nam, đang lên kế hoạch tiếp tục mở rộng đầu tư. Trong số 500 DN Hoa Kỳ được khảo sát ý kiến, có đến 40% chọn và tính toán chọn DN CNHT Việt Nam để bổ sung vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

 Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương: Thời gian qua Bình Dương thực hiện chuyển dịch cơ cấu sản xuất, xuất khẩu theo hướng đẩy mạnh các mặt hàng có hàm lượng kỹ thuật công nghệ cao, mặt hàng giá trị gia tăng, mặt hàng mới. Ngành công thương chú trọng hỗ trợ, khuyến khích DN đổi mới công nghệ, thiết bị, cải tiến mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Ngành tiếp tục phối hợp với các ngành đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại góp phần mở rộng thị trường, đơn giản hóa thủ tục xuất khẩu, giúp DN giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm.

 TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên