Lực lượng An ninh Khu VI đã “mở đường” đánh chiếm Sài Gòn như thế nào?

Cập nhật: 21-08-2015 | 15:49:15

Trong không khí khẩn trương, thần tốc của chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc, từ giữa tháng 3-1975 lực lượng An ninh Khu VI được giao nhiệm vụ xâm nhập vào hệ thống phòng thủ tiền phương của địch, nhằm "lót ổ" chuẩn bị cho đại quân đánh thẳng vào Sài Gòn. Những hoạt động mưu trí, dũng cảm và táo bạo của các chiến sĩ Ban An ninh Khu VI đã góp phần không nhỏ vào chiến thắng chung của cả dân tộc.

Trong không khí kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Lực lượng CAND, Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh, nguyên Ủy viên Ban An ninh Khu VI, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND chia sẻ với PV về những ngày lịch sử đầy hào hùng đó.

1. Năm nay đã 84 tuổi, song Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh (bí danh Tư Quyết) còn rất minh mẫn. Mấy giờ đồng hồ liền, ông sang sảng kể cho chúng tôi về ký ức hào hùng của ông và đồng đội, bất chấp việc sức khỏe đã yếu đi nhiều, và ông còn bị bệnh phổi mãn tính hành hạ.

Sau chiến thắng Buôn Ma Thuột (10-3-1975) và Tây Nguyên, toàn thể lực lượng An ninh Khu VI (cực Nam Trung Bộ - Nam Tây Nguyên gồm các tỉnh Lâm Đồng, Tuyên Đức, TP Đà Lạt, Ninh Thuận, Bình Thuận, Quảng Đức) được huy động ra tiền phương, chuẩn bị mọi mặt để đón đại quân tiến về giải phóng Sài Gòn.

An ninh Khu VI dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Thường vụ Khu ủy, được sự hướng dẫn chỉ đạo hằng ngày của Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đã tổ chức lực lượng chủ động tấn công địch diệt ác phá kìm, mở rộng vùng tranh chấp giải phóng. An ninh các cấp đã cùng với quân đội chiếm lĩnh các mục tiêu được phân công bảo vệ các mục tiêu quan trọng như Viện Nguyên tử, Nha Địa dư, đăng ký quản lý bọn tàn quân tấn công vào sào huyệt bọn Fulro Chăm, bảo vệ an toàn các cánh quân phía đông, duyên hải tiến hành thắng lợi chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Theo kế hoạch, các chiến sĩ an ninh Khu VI được phân công có mặt tại tất cả các đơn vị bộ đội để chỉ cho bộ đội chủ lực tiến đánh giải phóng các tỉnh thuộc cực Nam Trung Bộ. Đồng thời lực lượng An ninh cũng sẽ thành lập chính quyền lâm thời, bảo vệ thành quả đã đạt được, bẻ gãy mọi sự kháng cự của địch. Ngoài ra, lực lượng An ninh Khu VI còn bảo vệ các tuyến đường, tạo điều kiện để đại quân có thể hành quân một cách thần tốc nhất tiến đánh vào hang ổ cuối cùng của ngụy quân ngụy quyền.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh.

Có mặt tại chiến trường Khu VI từ năm 1965, ông Minh được phân công phụ trách Tiểu ban Điệp báo An ninh Khu VI. Sau nhiều năm chiến đấu gian khổ, dũng cảm, tháng 2-1972 tướng Minh được cấp trên giao làm Ủy viên Ban An ninh Khu VI, rồi cử vào Đoàn đại biểu Quân sự Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam. Năm 1974, ông được Bộ Nội vụ điều động vượt Trường Sơn trở lại chiến trường, tiếp tục làm công tác điệp báo.

Trong quãng thời gian 10 năm công tác tại Ban An ninh Khu VI, không ít lần ông Minh phải đối mặt với tình thế gian nan, cái chết chực chờ. Đó là thời điểm ông nằm ở xã Bình Thạnh (Tuy Phong, Bình Thuận) bắt liên lạc với một đầu mối là Trưởng ty Công an ngụỵ. Ông về hôm trước thì hôm sau địch huy động 150 xe tăng càn quét vào xã Bình Thạnh liên tục 7 ngày liền. Nằm cùng anh em đội vũ trang công tác, ông bị địch càn sập nắp hầm bí mật, phải chờ đến nửa đêm bới cát bò ra nằm ở một hòn đảo ngoài biển Bình Thạnh. Tất cả balô tư trang quần áo giấu trong hang đá bị sóng biển đánh tan tác. Trên người ông khi đó chỉ còn độc chiếc quần đùi cùng khẩu K54. Khi địch rút đi, ông kiên trì ở lại bám trụ, móc ráp được với đầu mối. Từ đây, ông lấy được nhiều bản đồ, sơ đồ, kế hoạch tác chiến của địch để gửi về cho cấp trên vạch chiến lược giải phóng Nam Trung Bộ.

Quần nhau với địch gian nan là vậy, điều kiện ăn uống thiếu thốn đủ bề, ông Minh có lần tưởng đã tàn phế. "Khu VI thường được anh em đùa vui gọi chệch đi là "khu sắn", vì quanh năm suốt tháng chỉ ăn có độc món sắn. Hết luộc, nướng lại đến xào, nấu canh…, ăn sắn nhiều đến mức hai mắt tôi bị bệnh quáng gà. Cứ chập tối là không nhìn thấy gì. Nhiều lúc đang ngồi đứng lên choáng váng, mắt nổ đom đóm. Nếu cứ ăn sắn kéo dài thì đôi mắt sẽ khó mà giữ được" - tướng Minh kể. Nhưng may sao, một bữa đồng đội ông bắt được một con trăn rất to. Anh em liền xẻ thịt nấu một nồi cháo to tướng, hơn 30 người ngồi quây quanh. Ông Minh ngoài được chia một bát cháo còn được thêm một miếng da trăn giòn tan. Chỉ với "phương thuốc" ấy, hôm sau ngủ dậy, tướng Minh đã lại thấy mắt sáng bừng.

Sang đến thời điểm năm 1975 thì điều kiện ăn uống sinh hoạt ở chiến trường đã đỡ hơn hẳn. Hậu cần đã tốt hơn, lực lượng an ninh còn vận động được bà con bí mật bán lúa, bán cá cung cấp lương thực thực phẩm cho cách mạng. Thỉnh thoảng anh em còn bắn được con hươu, con nai làm "đồ ăn tươi". Song vẫn có thời điểm tình hình khẩn trương đến nỗi, cơm nấu xong mà các chiến sĩ không kịp ăn, cùng quân dân chiếm chính quyền, xây dựng bộ máy lâm thời. Rồi sau đó mới ăn bù.

2. Cùng vào thời điểm đầu năm 1975, Tư Quyết (tức Nguyễn Đức Minh) về hoạt động tại khu vực tỉnh Bình Thuận, địa bàn ven thị xã Phan Thiết. Đặc biệt, sau khi quân ta giải phóng Huế, Đà Nẵng và Tây Nguyên, Ban An ninh Khu VI được cấp trên chỉ đạo chuẩn bị sẵn sàng phối hợp cùng bộ đội chủ lực. Hơn 200 đội công tác vũ trang nòng cốt là các chiến sĩ Ban An ninh Khu VI được thành lập, chuẩn bị mọi mặt để giải phóng các tỉnh Nam Trung Bộ, Nam Tây Nguyên.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh kể lại những ngày hào hùng tháng 4-1975.

Tháng 4-1975, Tư Quyết dẫn 20 tay súng nằm ở vùng ven Phan Thiết, bàn bạc với An ninh tỉnh Bình Thuận phân công chiếm lĩnh các mục tiêu khi đại quân tấn công Phan Thiết. Sáng 19-4-1975, sau khi cùng anh em chiếm lĩnh Ty Cảnh sát quốc gia, Ty Chiêu hồi, Trung tâm Chiêu hồi, bình định nông thôn… phát hiện còn sót F cảnh sát đặc biệt, Tư Quyết dẫn theo một chiến sĩ an ninh vũ trang đột nhập.

"Khi ấy địch tuy đã rút chạy, song chúng vẫn còn ẩn nấp đâu đó để chờ cơ hội phản kích. Tôi giắt một khẩu K54, còn cậu chiến sĩ an ninh ôm khẩu AK bất ngờ tấn công vào F cảnh sát. Đám ngụy quân hò nhau chạy bán sống bán chết…".

Tư Quyết đã kịp thời thu được toàn bộ hồ sơ hệ thống tổ chức của F cảnh sát đặc biệt Bình Thuận, toàn bộ hồ sơ đầu mối nội gián địch đánh vào nội bộ tỉnh Bình Thuận do cố vấn Mỹ chỉ đạo, toàn bộ mạng lưới cơ sở bí mật của địch đang hoạt động, đã được chúng phân loại, cấp bí số X, Y, Z…

Trước đó, ngày 28-3-1975, quân chủ lực đánh chiếm thị xã Bảo Lộc và tiểu khu Lâm Đồng. Đồng chí Nguyễn Văn Thào (bí danh Trường Sơn) Trưởng ban An ninh tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo lực lượng An ninh chiếm lĩnh các trụ sở Cảnh sát, Chiêu hồi, Phòng 2 tiểu khu… thu hồi bảo quản hồ sơ tài liệu phương tiện kỹ thuật, vũ khí của địch. Đồng thời lực lượng An ninh dẫn đường quân chủ lực tấn công làm chủ Chi khu Di Linh. Chiều ngày 29-3-1975, địch phản kích, đến sáng ngày 30/3 thì chiếm lại Di Linh. Ngày hôm sau, ta đánh tan cuộc phản kích, Lâm Đồng hoàn toàn giải phóng.

Một bộ phận An ninh Lâm Đồng đi bảo vệ quân chủ lực hành quân truy kích địch. Khi địch phá cầu Đại Ninh (Quốc lộ 20) cơ sở an ninh mật đã vận động quần chúng lấy thuyền đưa các Chiến sỹ ta vượt sông chiếm lĩnh Chi khu quận lị Đức Trọng đêm ngày 2-4-1975.

Trong tình thế thất bại đã hiển hiện, ngày 1-4-1975 địch ở Đà Lạt không đánh mà hoảng loạn rút chạy. Ngay ngày hôm sau, Ủy ban tự quản (trong đó chủ chốt là lực lượng an ninh) đã treo cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng trên nóc rạp hát Hòa Bình, kêu gọi nhân dân giữ gìn trật tự trị an. Ngày 3-4, lực lượng ta vào Đà Lạt tuyên bố thành lập chính quyền quân quản.

Đồng chí Vũ Linh Trưởng Ban An ninh Đà Lạt đã chỉ đạo toàn bộ lực lượng An ninh bám ở ven thành phố Đà Lạt để chiếm lĩnh Ty Cảnh sát Đà Lạt, Trung tâm Thẩm vấn, bình định nông thôn, Phòng 2 tiểu khu, Lò phản ứng hạt nhân, Nha Địa dư, trụ sở Biệt đội Sưu tầm… thu được nhiều tài liệu hồ sơ mật và phương tiện kỹ thuật. Cùng ngày ta giải phóng quận Đơn Dương. Toàn bộ tỉnh Tuyên Đức được giải phóng.

Trước nguy cơ Sài Gòn bị uy hiếp, tướng Mỹ Weyand phác thảo kế hoạch thành lập tuyến phòng thủ bảo vệ Sài Gòn từ xa, lấy Phan Rang làm vị trí tiền tiêu.

Địch nhập hai tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận của Quân khu II về Quân khu III, thành lập Bộ Tư lệnh tiền phương do Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi là Tư Lệnh, chốt tại căn cứ không quân Thành Sơn, Phan Rang. Ngày 7/4/1975 cơ sở nội tuyến của an ninh phục vụ cho Đơn vị 311 Ninh Thuận tấn công trại lính Nguyễn Hoàng, quận lị Bửu Sơn, ngã ba Tháp Chàm, bắt sống hàng trăm tên địch, thu nhiều tài liệu quan trọng. Ngày 8-4-1975, địch phản kích chiếm lại thị xã Phan Rang, củng cố sân bay Thành Sơn, cảng Ninh Chữ, mở thông tuyến đường 1 nối Phan Rang vào Bình Thuận.

Ngày 14/4/1975, cánh quân duyên hải do đồng chí Lê Trọng Tấn làm Tư lệnh được du kích Bắc Ái cùng đội vũ trang công tác dẫn đường đã tấn công Phan Rang - Thành Sơn. Ngày 16-4, ta chiếm giữ tiểu khu, dinh Tỉnh trưởng Ninh Thuận, sân bay Thành Sơn. Địch tháo chạy, tỉnh Ninh Thuận hoàn toàn được giải phóng. 16 giờ cùng ngày, lực lượng An ninh do đồng chí Nguyễn Hữu Điển (Tư Thanh) Trưởng ban An ninh tỉnh chỉ đạo đã vào chiếm lĩnh Bộ chỉ huy Cảnh sát Quốc gia tỉnh Ninh Thuận, Cảnh sát dã chiến, Ty Phát triển sắc tộc, Ty Chiêu hồi và phối hợp tiếp quản Ty An ninh quân đội, Phòng 2 tiểu khu. An ninh các huyện, thị tiến hành các biện pháp quản lý an ninh trật tự vùng mới giải phóng, ngụỵ quân ngụỵ quyền đảng phái phản động ra trình diện theo thông báo của chính quyền cách mạng.

Từ vùng mới được giải phóng, Khu VI trở thành hậu phương huy động tối đa lực lượng phục vụ chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. An ninh Đà Lạt đến Nha Địa dư gặp ông Bửu Đồng yêu cầu mở kho lấy bản đồ Sài Gòn và các tỉnh Nam Bộ (chở đầy 2 xe UAZ) gửi về Bộ Tư lệnh Miền ngày 16-4, phục vụ kế hoạch giải phóng miền Nam. Lực lượng An ninh các tỉnh đã tổ chức đăng ký trình diện và quản lý gần 60 ngàn ngụỵ quân ngụỵ quyền, đảng phái phản động, thu nhận hàng vạn khẩu súng, hàng tấn hồ sơ, tài liệu và nhiều phương tiện kỹ thuật khác.

Ngày 20-4-1975, địch phá sập cầu 37, 38 trên Quốc lộ 1 rồi rút xuống Tỉnh lộ 28. Ngày 22-4, ta chiếm thị xã La Gi. Địch rút chạy hỗn loạn xuống cửa biển Tân Lý. Thừa thắng, ngày 23-4 ta giải phóng huyện Hàm Tân, chiếm lĩnh đảo Hòn Bà cách bờ biển 3km. Bình Tuy là tỉnh cuối cùng của Khu VI giải phóng.

Đáng chú ý sau ngày Ninh Thuận được giải phóng, tên Huỳnh Ngọc Sắng và Vạn Thanh Bình cầm đầu Fulro Chăm tự xưng là "lực lượng thứ ba" đòi được tiếp quản vùng người Chăm sinh sống. Không được ta chấp thuận, chúng kích động đồng bào Chăm hạ cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng, treo cờ Fulro, phát động chiến dịch "Chế Bồng Nga" nhằm tập hợp lực lượng chống phá cách mạng. Lực lượng An ninh cùng với bộ đội địa phương tấn công vào sào huyện của bọn phản cách mạng, diệt bọn đầu sỏ, bảo đảm an toàn hành lang tiến quân của các binh đoàn chủ lực trên Quốc lộ 1, 20 tiến về giải phóng Sài Gòn ngày 30-4.

Theo ANTG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1144
Quay lên trên