Bộ Công an (CA) vừa tổ chức Hội thảo khoa học “Luận cứ khoa học và thực tiễn của việc xây dựng dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự (ANTT) ở cơ sở” bằng hình thức trực tuyến. Tại hội thảo, nhiều đại biểu, chuyên gia đã phát biểu tham luận, góp ý kiến, phân tích cơ sở lý luận và kinh nghiệm thực tiễn để làm rõ sự cần thiết phải xây dựng, ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở.
Lực lượng bảo vệ dân phố thị trấn Phước Vĩnh, huyện Phú Giáo phối hợp phát tờ rơi tuyên truyền pháp luật cho người dân trên địa bàn
“Cánh tay nối dài” của lực lượng công an
Phát biểu tham luận tại hội thảo, Đại tá Đỗ Khắc Hưởng, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp, Bộ CA, cho biết trong những năm qua, lực lượng tham gia bảo đảm ANTT ở cơ sở đã phát huy được vai trò quan trọng trong tham mưu trực tiếp cho cấp ủy, chính quyền cơ sở; là chỗ dựa vững chắc cho người dân trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.
Trong điều kiện hiện nay, nhiệm vụ bảo đảm ANTT ngày càng nặng nề hơn, yêu cầu đặt ra phải tăng cường và nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các lực lượng chuyên trách và tiếp tục duy trì, xây dựng, củng cố các lực lượng, mô hình quần chúng bảo vệ ANTT ở cơ sở, góp phần xây dựng nền an ninh nhân dân vững chắc… Trên cơ sở đó, Đại tá Đỗ Khắc Hưởng nhấn mạnh việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở sẽ không làm tăng số lượng người tham gia hoạt động mà tiếp tục sử dụng lực lượng hiện có. Không làm tăng chi ngân sách; tinh gọn đầu mối; bảo đảm linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT, phòng cháy chữa cháy ở địa bàn cơ sở, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động; khắc phục sự trùng chéo về nhiệm vụ, quyền hạn; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của pháp luật.
Từ thực tế tại địa phương, đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành đã chia sẻ những đóng góp, vai trò của lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở đối với nhiệm vụ bảo vệ an ninh Tổ quốc. Bà Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên, cho biết lực lượng CA chính quy về công tác ở xã đã đóng góp nhiều cho sự đổi thay ở cơ sở, các đồng chí giỏi nghiệp vụ, được đào tạo bài bản, lập biên bản vụ va chạm giao thông rất tốt... Tuy nhiên, khi giải quyết các vụ việc ở cơ sở, nhất là trong đồng bào dân tộc thiểu số, một số cán bộ CA chính quy không thể sử dụng tiếng đồng bào, gặp khó khăn trong việc nắm bắt tình hình, trong khi lực lượng bảo đảm ANTT ở cơ sở nhuần nhuyễn hơn.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến của lãnh đạo các địa phương đều cho rằng các lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở đã phát huy rất tốt vai trò của hỗ trợ lực lượng chuyên trách trong bảo đảm trật tự an toàn cho người dân, hóa giải các mâu thuẫn, phòng ngừa tội phạm. Chính vì vậy, việc chuẩn hóa lại bằng luật, nhận diện rõ lại các lực lượng không chuyên trách hỗ trợ lực lượng chuyên trách đúng bằng tên gọi, chức năng, nhiệm vụ và có chính sách hỗ trợ, đồng thời tích hợp với các dự án luật khác thành một thể thống nhất, xuyên suốt là cần thiết…
Cần thiết trong tình hình hiện nay
Theo các đại biểu, việc xây dựng Luật Lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở là cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Về điều này, Thiếu tướng Nguyễn Văn Tài, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng, lý giải công tác bảo vệ ANTT ở cơ sở chính là chủ động giải quyết, xử lý những vấn đề xảy ra ngay từ lúc mới phát sinh, khi còn là mầm mống để góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.
Để bảo vệ ANTT ở cơ sở, ngoài lực lượng CA chính quy làm nòng cốt, cần phải có sự tham gia rộng rãi của lực lượng toàn dân. Việc hình thành, phát triển lực lượng này ở cơ sở là tất yếu ở mọi giai đoạn của cách mạng Việt Nam. Trong giai đoạn hiện nay, trước yêu cầu ngày càng cao của công tác bảo đảm ANTT, cần phải tiếp tục xây dựng, củng cố, hoàn thiện tổ chức và hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới. “Đây cũng chính là một trong các yếu tố quan trọng xây dựng thế trận an ninh nhân dân, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc”, Thiếu tướng Nguyễn Văn Tài nhấn mạnh.
Phát biểu bế mạc hội thảo, Trung tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ CA khẳng định việc ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở là hết sức cần thiết. Đây là lực lượng có lịch sử hình thành và hoạt động lâu dài. Từ thực tiễn công tác bảo đảm ANTT trong thời gian qua cho thấy khi lực lượng CA chính quy được bố trí đảm nhiệm các chức danh CA xã thì lực lượng bán chuyên trách được hướng dẫn hoạt động ngày càng bài bản, tổ chức hoạt động ngày càng hiệu quả hơn. Trong khi lực lượng này đang được điều chỉnh bởi nhiều hệ thống pháp luật, việc thực hiện chế độ chính sách còn hạn chế và thiếu thống nhất. Nếu chậm luật hóa việc tổ chức và hoạt động của lực lượng này sẽ ảnh hưởng tới ANTT.
Thứ trưởng Lê Quốc Hùng đề nghị các bộ, ban, ngành, địa phương và nhân dân đều có trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất ban hành, hoàn thiện chính sách pháp luật. Đồng thời, khẳng định Bộ CA, Ban Soạn thảo dự án luật sẽ nghiêm túc tiếp thu những ý kiến quý báu, tâm huyết tại hội thảo để tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện cho phù hợp trước khi trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp sắp tới của Quốc hội khóa XV.
Theo dự thảo Luật Lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở đã điều chỉnh quy định về nhiệm vụ của lực lượng này bảo đảm phù hợp với trình độ, năng lực và thể hiện rõ tính chất là lực lượng tham gia hỗ trợ lực lượng CA cấp xã trong công tác bảo đảm ANTT ở cơ sở, không trùng lặp với nhiệm vụ của CA cấp xã và chính quyền cơ sở với 6 nhóm nhiệm vụ được giao. Hiện có 3 lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, gồm: Bảo vệ dân phố, dân phòng và CA xã bán chuyên trách. Theo số liệu của Bộ CA, cả nước hiện có hơn 72.000 bảo vệ dân phố; trên 543.000 đội viên dân phòng cùng 89.045 CA xã bán chuyên trách. Riêng tại Bình Dương, 91 xã, phường, thị trấn đều có lực lượng dân phòng; lực lượng bảo vệ dân phố chủ yếu được thành lập, hoạt động tại các phường, thị trấn. Từ khi đưa CA chính quy về cơ sở, các địa phương trong tỉnh vẫn tiếp tục sử dụng, phát huy vai trò của lực lượng CA bán chuyên trách trong công tác phòng, chống tội phạm, nắm tình hình ANTT ở địa bàn cơ sở. Trong những năm qua, các lực lượng trên luôn tích cực trong công tác bảo đảm ANTT, phòng, chống tội phạm, được các cấp, các ngành đánh giá cao, đặc biệt nhận được sự tin tưởng của người dân và được các cấp khen thưởng. |
NGUYỄN HẬU