Các nhà khoa học phát hiện một miếng hổ phách có chứa phần cánh phải được cho là của một con chim thuộc loài có răng lớn bất thường (enantiornithines) ở kỷ Phấn trắng đã tuyệt chủng.
Mảnh hổ phách chứa một phần cánh của chim cổ đại cách đây 99 triệu năm. (Nguồn: chinadaily.com.cn)
Một nhóm nhà nghiên cứu quốc tế vừa phát hiện một mảnh hổ phách bên trong có phần cánh của một con chim cổ đại "lớn bất thường" có niên đại khoảng 99 triệu năm.
Theo kết quả nghiên cứu đăng trên tạp chí Nghiên cứu kỷ Phấn trắng (Cretaceous Research), mảnh hổ phách trên được tìm thấy tại thung lũng Hukawng ở miền Bắc Myanmar, nơi từng khai quật được nhiều hổ phách hóa thạch.
Dài 5,3cm và nặng 79,4gram, miếng hổ phách này có chứa phần cánh phải có chiều dài chưa đến 1cm. Các bộ phận này được cho là của một con chim thuộc loài có răng (enantiornithines) ở kỷ Phấn trắng đã tuyệt chủng.
Các nhà khoa học cho biết bên trong mảnh hổ phách này còn chứa một số lông vũ, trong đó sợi dài nhất đo được là 37mm.
Các sợi lông này có thể là của một chim có răng lớn hoặc một loài chim có răng mới, dài khoảng 10 cm.
Nhà cổ sinh vật học Xing Lida tại Đại học Địa chất Trung Quốc cho rằng phát hiện mới này sẽ giúp các nhà nghiên cứu hiểu thêm về kích thước của các loài chim cổ đại.
Theo VIETNAM+