Mẹ cần kiên định với những nguyên tắc, giữ thái độ nghiêm nghị nhưng không cao giọng để con hiểu giới hạn của mình và biết cách cư xử.
Nói "không" với trẻ thường là việc có tính mưu mẹo khi bạn cần cho con hiểu tầm quan trọng của từ này. Dưới đây là những hướng dẫn giúp bạn nói "không" với con mà không phải nổi nóng:
- Trẻ liên tục kiểm tra bạn để tìm giới hạn của riêng chúng và sẽ cố xô đẩy những giới hạn này. Bạn phải kiên định áp dụng những nguyên tắc và luật lệ nhưng đừng quên thể hiện tình yêu thương với con. Bạn cũng cần xác định những hậu quả của hành vi nổi loạn ở trẻ. Khi bạn kiên định trong cách tiếp cận của mình, trẻ sẽ hiểu phải cư xử ra sao và việc gì chấp nhận được, việc gì không.
- Một điều quan trọng bạn cần cho con hiểu ngay từ lúc nhỏ đó là chấp nhận khái nệm "không". Đó là một phần trong kỷ luật tích cực bạn cần ghi nhớ để con hiểu các giới hạn của mình.
- Khi dạy con, bạn phải luôn ở vị trí người làm cha mẹ và đừng quên mục đích của bạn là đảm bảo sự an toàn, thoải mái cùng quyền lợi tốt nhất cho con. Trẻ thích nghịch các thiết bị điện tử và có thể điều này lúc đầu bạn thấy thú vị nhưng sau đó, bạn sẽ nhận ra những thiết bị ấy gây hại cho chúng. Bạn cần tiếp cận tình huống này một cách nghiêm túc. Trẻ chưa đủ lớn để hiểu hết ý nghĩa trong từng lời nói nhưng chúng sẽ nhận ra sự nghiêm khắc, thái độ nghiêm nghị trong cách diễn đạt của bố mẹ và dừng chơi các món đồ công nghệ đó lại.
Mẹ chỉ cần dùng tông giọng trầm, chắc chắn và nghiêm nghị khi nói "không" là đủ hiệu quả với trẻ. Ảnh: The Asian Parent
- Nói "không" với con không có nghĩa bạn phải dùng tông giọng lên cao hoặc hét lên với chúng. Nếu có hành động đó, bạn sẽ chỉ khiến bé thêm hành vi nổi loạn. Mẹ chỉ cần dùng giọng trầm, chắc chắn và nghiêm là đã đủ hiệu quả với bé. Bạn cũng có thể đưa ra một vài lý do cho từ "không" của mình. Hãy cho con hiểu tại sao bạn không muốn bé làm việc gì đó. Nếu trẻ muốn nghịch giấy vệ sinh, mẹ thử dùng những từ như "bẩn", "mất vệ sinh" hoặc làm nhiều biểu hiện kỳ quái trên gương mặt để giải thích cho mệnh lệnh "không". Với cách này của mẹ, lần sau bé sẽ không muốn chơi cùng giấy vệ sinh nữa.
- Đôi lúc, bản năng làm cha mẹ khiến bạn tỏ ra hơi hà khắc với con. Bạn sẽ có cảm giác tồi tệ khi phủ nhận điều gì đó ở con nhưng bạn cần nhớ rằng bạn chỉ làm như vậy vì sự an toàn của trẻ, hòa khí gia đình hay sự bình yên.
- Mẹ có thể khuyến khích con cư xử ngoan ngoãn bằng những từ mang tính khích lệ, khen ngợi; những cái ôm hay nụ hôn. Trẻ thích được khen và nếu cảm thấy hành động của mình nhận được nhiều lời khen, con sẽ muốn tiếp tục cách làm đó. Nói "không" với con và làm chúng nhận ra tại sao bạn nói vậy là điều không dễ thực hiện với các cha mẹ. Tuy nhiên, đó là việc cần làm nếu bạn muốn bé trở thành người lịch sự, văn minh và có lối sống tích cực.
Theo Ngoisao