Mô hình nuôi bò đang phát triển mạnh ở xã An Điền, TX.Bến Cát. Ngoài việc mang lại hiệu quả kinh tế cao, mô hình này còn giúp nhiều nông dân có việc làm ổn định, tăng thêm thu nhập.
Từ một hộ nghèo, năm 2013, gia đình ông Phạm Văn Na, ở ấp Kiến An, xã An Điền đãđược Hội Nông dân xã xét cho vay 30 triệu đồng từ vốn Quỹ hỗ trợ nông dân, cộng thêm số tiền dành dụm ông mua 1 con bò cái sinh sản về nuôi. Ông Na cho biết, hiện tại, với việc duy trì nuôi 3 bò cái, kinh tế gia đình đã vượt qua khó khăn, từng bước ổn định cuộc sống. Ông Na tính toán, mỗi bò cái sinh sản nếu chọn giống và chăm sóc tốt mỗi năm sẽ cho ra một bê con; mỗi bê con sau khi đẻ, chăm sóc đến 1 năm tuổi sẽ được bán với giá trung bình 25 triệu đồng. Như vậy, nuôi 3 bò cái sinh sản thì mỗi năm, sau khi trừ chi phí gia đình ông thu lãi từ 20 - 30 triệu trồng.
Nuôi bò vàng sinh sản là một trong những mô hình giúp nông dân xã An Điền thoát nghèo. Trong ảnh: Ông Phạm Văn Na bên đàn bò của gia đình. Ảnh: QUỲNH NHIÊN
Còn đối với gia đình ông Nguyễn Xuân Kỳ, Tổ trưởng Tổ liên kết nuôi bò vàng ở ấp Kiến An, hiện đàn bò của ông đã phát triển lên đến 22 con. Ông Kỳ cho biết, nuôi bò sinh sản cũng đơn giản, ít bị rủi ro. Đặc biệt, nuôi bò là lấy công làm lời, không tốn kém nhiều vốn, người nuôi chỉ cần đầu tư một lần; hơn nữa bò là gia súc lớn lên sức đề kháng cao ít khi bị bệnh tật. Tuy vậy, đểtránh rủi ro thất thoát, người nuôi cần cókiến thức, kỹthuật chăn nuôi, nguồn thức ăn bảo đảm.
Để tạo điều kiện cho người dân địa phương phát triển chăn nuôi, từ năm 2015, đã có 3 dự án chăn nuôi bò thịt trên địa bàn xãđược hỗ trợ 990 triệu đồng từ Chương trình phát triển đàn bò thịt của Hội Nông dân tỉnh. Ngoài ra, các hộ chăn nuôi bò trên địa bàn còn được hỗ trợ 1 tỷ đồng từ nguồn vốn ủy thác ngân sách của UBND TX.Bến Cát cho 20 hộ nuôi với hơn 60 con bò.
Ông Huỳnh Văn Tuấn, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Điền cho hay, hàng năm, các cấp hội luôn phối hợp với nhau để hỗ trợ vốn cho những gia đình khó khăn nhằm tạo điều kiện cho nông dân chăn nuôi. Hiệu quả kinh tế của các hộ chăn nuôi bò thịt tại địa phương đã được khẳng định, từ những hộ nghèo nay đã từng bước vươn lên khá, giàu. Trong năm 2015, nhờ phát triển chăn nuôi hiệu quả, đã có 15 hội viên nông dân vươn lên thoát nghèo bền vững. Tính đến nay, toàn xã An Điền chỉ còn 8 hộ nghèo theo tiêu chícủa tỉnh, chiếm tỷ lệ 0,34%.
Từ những kết quả ban đầu của các mô hình sử dụng vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân cho thấy, tuy nguồn vốn chưa nhiều (từ 15 - 30 triệu đồng/hộ) nhưng đã tạo điều kiện cho hội viên Hội Nông dân xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế, góp phần chuyển dịch kinh tế nông thôn. Nông dân trong xãđã hình thành được các câu lạc bộ, tổ liên kết…, qua đógóp phần tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm, giảm bớt chi phí sản xuất...
Ông Tuấn cho biết thêm, trong thời gian tới, xã An Điền sẽ tiếp tục vận động nhân dân mở rộng quy mô chăn nuôi, đồng thời phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật để người dân áp dụng vào chăn nuôi. Xãcũng tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư chăn nuôi bò nhằm ổn định cuộc sống.
Từ một vài hộ chăn nuôi bò thịt ban đầu, đến nay xã An Điền đã thành lập được 3 tổ liên kết chăn nuôi bò với gần 40 hộ hội viên nông dân tham gia, tổng số đàn bò hơn 100 con.
QUỲNH NHIÊN