Mô hình “Chính quyền, công sở thân thiện”: “Đột phá” trong công tác cải cách hành chính

Cập nhật: 22-09-2020 | 08:41:21

Trong giai đoạn 2015- 2020, từ chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, mô hình “Chính quyền, công sở thân thiện” được tỉnh triển khai và đã tạo những bước đột phá mạnh mẽ trong công tác cải cách hành chính (CCHC), cải cách thủ tục hành chính (TTHC), làm thay đổi nhận thức cán bộ theo hướng vì dân phục vụ.

Cán bộ “một cửa” tại TX.Bến Cát tận tình giải quyết thủ tục hành chính cho người dân

Xuất hiện nhiều mô hình hay

Từ cuối năm 2015, trên cơ sở chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, mô hình “Chính quyền, công sở thân thiện” giai đoạn 2016-2020 đã được triển khai đến các cơ quan, địa phương trong tỉnh. Trong quá trình triển khai mô hình, các sở, ban ngành và chính quyền các cấp đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo, bổ sung một số nội dung vào phương châm “5 biết”, “3 thể hiện” trong xây dựng mô hình phù hợp với đặc thù riêng của cơ quan, địa phương. Nếu như ở Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) đã sáng tạo, xây dựng thêm phương châm “Tiếp xúc vui vẻ, tư vấn nhiệt huyết và hướng dẫn tận tình, hỗ trợ tích cực” thì ở TX.Bến Cát đã thực hiện mô hình “Nụ cười tiếp dân”, mô hình “Dân đến, dân hỏi, dân cần” (khi dân đến đón tiếp niềm nở, khi dân hỏi giải thích tận tình, khi dân cần nhiệt tình phục vụ).

Từ mô hình này, các sở, ban, ngành và chính quyền các cấp đã sáng tạo các mô hình nhỏ gắn với triển khai để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết nhanh chóng các TTHC, nhất là công khai, minh bạch về thành phần hồ sơ, quy trình giải quyết, phí, lệ phí và thời gian giải quyết TTHC. Ông Phạm Phú Nam, Chủ tịch UBND phường Lái Thiêu, TP.Thuận An, cho biết thông qua việc triển khai mô hình, phường Lái Thiêu đã tổ chức khảo sát, lấy ý kiến nhân dân về sự hài lòng trong giải quyết TTHC, tổ chức công khai số điện thoại tiếp nhận phản ánh, kiến nghị, số điện thoại của cán bộ lãnh đạo; đồng thời xây dựng được những chuẩn mực trong văn hóa ứng xử cho cán bộ “một cửa”. Mới đây nhất, UBND phường đã triển khai việc giảm lệ phí cho hộ nghèo, triển khai đăng ký hồ sơ khai tử tận nhà cho người dân… Từ khi triển khai các mô hình nhỏ gắn với mô hình “Chính quyền, công sở thân thiện”, đã làm thay đổi nhận thức của cán bộ, công chức (CBCC) về phong cách phục vụ nhân dân trong giải quyết TTHC.

Ở UBND TX.Bến Cát đã triển khai thực hiện thí điểm mô hình “Đăng ký khai sinh, đăng ký kết hôn lưu động” cho người dân, nhất là người lao động đang có nhu cầu đăng ký khai sinh và kết hôn nhưng lại không có thời gian đến UBND cấp xã để đăng ký. UBND phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một đã xây dựng thành công mô hình “Hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả tại nhà”; mô hình “Thứ sáu - Ngày không hẹn” áp dụng đối với 4 TTHC thuộc lĩnh vực hộ tịch và đất đai; mô hình “Hướng dẫn viên CCHC” hướng dẫn TTHC cho người dân đến bộ phận “một cửa” của phường làm TTHC. Các cách làm hay này đã giúp địa phương biết nghe dân nói để giải quyết hồ sơ, thủ tục, tạo niềm tin trong nhân dân.

Hướng về dân phục vụ

Ông Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch UBND TP.Thuận An, cho biết TP.Thuận An là địa bàn có nhiều doanh nghiệp tập trung và hơn 30.000 hộ kinh doanh cá thể. Dân số của TP.Thuận An cũng đạt trên 600.000 dân. Để tạo điều kiện tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp, trong nhiều năm qua, các cấp ủy Đảng ở TP.Thuận An đã tập trung quyết liệt về công tác CCHC, xem công tác CCHC là động lực của phát triển, nhất là từ khi triển khai mô hình “Chính quyền, công sở thân thiện”, các cấp ủy Đảng đã chỉ đạo quyết liệt, hướng đến xây dựng nền hành chính phục vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi đến giao dịch với cơ quan hành chính Nhà nước. Từ đó, từng bước làm thay đổi cơ bản mối quan hệ giữa chính quyền và người dân, cộng đồng doanh nghiệp theo hướng gần gũi.

Ông Lý Văn Đẹp, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, nhìn nhận từ khi triển khai mô hình, các cấp chính quyền, nhất là tại 91 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã có nhiều thay đổi về nhận thức, chuyển quan điểm từ chính quyền quản lý sang chính quyền phục vụ. Từ đó đã tận tình phục vụ người dân, doanh nghiệp đến làm TTHC. Các cơ quan, địa phương đã tăng cường công tác đối thoại với người dân, công nhân lao động, tiểu thương, doanh nghiệp, tạo hình ảnh chính quyền thân thiện, gần gũi hơn, vì nhân dân phục vụ. Đặc biệt, từ mô hình này, lãnh đạo các địa phương đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trong công tác chỉ đạo, điều hành và sự quyết tâm trong việc thực hiện cải cách TTHC. Qua đó đã mang lại nhiều kết quả tốt, góp phần chung với tỉnh trong công tác CCHC.

Nhiều bài học kinh nghiệm hay

Bà Nguyễn Thị Hồng Yến, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Mỹ, TP.Thủ Dầu Một, chia sẻ: “Điểm thành công của mô hình này là tinh thần, thái độ phục vụ của CBCC, đối với những hồ sơ dân cần gấp như khai tử, xác nhận tình trạng bất động sản đều được giải quyết ngay. Đảng ủy, UBND phường Phú Mỹ chú trọng đơn giản TTHC, giảm bớt giấy tờ không cần thiết, rút ngắn thời gian giải quyết TTHC. Các thủ tục liên thông giữa các cơ quan Nhà nước được thực hiện đồng bộ. Bài học kinh nghiệm khác đó là hiệu quả của việc nhận trả kết quả giải quyết TTHC qua bưu chính công ích; mô hình “Hẹn giờ hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả tại nhà”. Công tác bố trí CBCC đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”.

Ông Lý Văn Đẹp chia sẻ mô hình đã mang lại những hiệu quả tích cực, sự chuyển biến rõ nét trong hoạt động quản lý hành chính Nhà nước, thể hiện sự thân thiện, gần gũi trong quan hệ, giao tiếp, ứng xử với nhân dân. Ông Lý Văn Đẹp cho rằng bài học kinh nghiệm rút ra từ việc triển khai mô hình là sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng và vai trò của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Nhiều địa phương đã không ngừng nâng cao nhận thức và chất lượng đội ngũ CBCC. Sự tham gia, tương tác của người dân đối với chính quyền các cấp, để chính quyền thấy được những mong muốn của người dân, qua đó phục vụ người dân ngày càng tốt hơn. Bên cạnh đó là sự tham gia giám sát, phản biện của MTTQ các cấp… Công tác tuyên truyền CCHC nói chung luôn được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo và Sở Nội vụ phối hợp với các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện. Hàng năm, Sở Nội vụ đã phối hợp với các cơ quan thông tin báo chí tổ chức nhiều buổi hội thảo, tọa đàm, phát thanh, truyền hình, sân khấu hóa các nội dung trọng tâm của công tác CCHC, trong đó mô hình chính quyền thân thiện, công sở thân thiện luôn được đặt lên hàng đầu.

Có thể nói, những thành quả trong xây dựng chính quyền thân thiện, công sở thân thiện mà Bình Dương đạt được hôm nay là một quá trình của sự tìm tòi, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm; là sự phấn đấu nỗ lực, chung sức, đồng lòng của chính quyền các cấp, người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Từ đó, đã góp phần đưa Bình Dương trở thành một điểm đến hấp dẫn cho tất cả các nhà đầu tư. Trong đó, yếu tố con người được đặt lên hàng đầu trong xây dựng chính quyền thân thiện, tiến tới xây dựng chính quyền điện tử Bình Dương trong tương lai.q

Thực tiễn cho thấy, mô hình “Chính quyền, công sở thân thiện” đã đi vào thực chất và đã góp phần quan trọng, tích cực trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của chính quyền, cơ quan Nhà nước. Đ ội ngũ CBCC đã thay đổi nhận thức trong phục vụ nhân dân giải quyết TTHC, góp phần cải thiện và nâng cao Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI). Việc xây dựng mô hình này thực chất là sự gắn kết hệ thống và làm nền tảng cơ sở nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả của hoạt động chính quyền, cơ quan Nhà nước, trong đó tập trung thực hiện công tác cải cách TTHC, quy chế dân chủ, văn hóa công sở, quy tắc ứng xử... Từ đó, xây dựng đội ngũ CB CC Nhà nước thực sự là công bộc của dân.

HỒ VĂN

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=626
Quay lên trên