Mô hình kinh tế hộ phát huy hiệu quả

Cập nhật: 24-05-2021 | 05:41:44

Cần cù, biết tận dụng và phát huy thế mạnh địa phương để phát triển sản xuất, kinh doanh (SXKD), nhiều hộ gia đình ở các địa phương trong tỉnh đã trở thành những tấm gương sản xuất hiệu quả, làm giàu trên chính mảnh vườn, thửa ruộng của mình.

 Kinh tế trang trại là hình thức tổ chức sản xuất tiên tiến của kinh tế hộ gia đình, mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Trong ảnh: Cán bộ ấp Vườn Uơm (bên trái), xã Tân Định, huyện Bắc Tân Uyên tham quan trang trại của ông Đoàn Minh Chiến

 Điển hình

Nhờ lợi thế về thổ nhưỡng, địa lý, huyện Bắc Tân Uyên có điều kiện để phát triển cây ăn trái có múi. Trong đó, 6 xã dọc sông Đồng Nai gồm Đất Cuốc, Tân Mỹ, Thường Tân, Lạc An, Tân Định và Hiếu Liêm được quy hoạch phát triển vườn cây ăn trái có múi. Ở các địa phương trên, không ít mô hình kinh tế hộ cho thu nhập vài trăm triệu đến vài tỷ đồng mỗi năm. Những cái tên như hộ ông Lâm Thành Thương, Trần Thành Có (xã Hiếu Liêm); Lê Minh Sang (xã Tân Mỹ); Nguyễn Hữu Hạng (xã Lạc An)... được biết đến là tỷ phú nông dân.

Một hình thức được xem như tổ chức sản xuất tiên tiến của kinh tế hộ gia đình là kinh tế trang trại, dựa vào lực lượng hộ gia đình là chính, đem lại hiệu quả kinh tế khá cao. Điển hình như trang trại Hai Ấu, ấp Chánh Hưng, xã Hiếu Liêm do ông Lương Văn Ấu làm chủ với diện tích gần 120 ha trồng cam sành, quýt, bưởi da xanh cho lợi nhuận hàng chục tỷ đồng/năm. Cũng là một trong những mô hình kinh tế hộ sản xuất cây ăn trái có múi được đánh giá cao, trang trại ông Đoàn Minh Chiến tại ấp Vườn Ươm, xã Tân Định chuyên trồng bưởi da xanh theo hướng VietGAP, doanh thu hàng năm từ trang trại của ông đạt trên 2 tỷ đồng/ha, lợi nhuận đạt 700 - 800 triệu đồng/ha. Trang trại của ông Đoàn Minh Chiến được đánh giá cao về quy mô, chất lượng cũng như sự đầu tư về khoa học công nghệ tiên tiến trong sản xuất.

Nếu như Bắc Tân Uyên được biết đến là vùng chuyên canh cây ăn trái có múi với thương hiệu “Cam Bắc Tân Uyên”, “Bưởi Bắc Tân Uyên” thì TP.Thuận An là địa phương nổi tiếng với cây ăn trái đặc sản, chủ lực là măng cụt với thương hiệu măng cụt Lái Thiêu. Hàng năm, măng cụt Lái Thiêu mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người nông dân trên địa bàn. Hiện xã An Sơn là nơi sở hữu nhiều vườn măng cụt lớn, hiệu quả cao.

Ông Trần Văn Viễn, ngụ ấp Phú Hưng, xã An Sơn là một trong những gương điển hình thành công nhờ vườn cây ăn trái đặc sản. Với 40.000m2 vườn cây, chủ yếu trồng măng cụt Lái Thiêu theo hướng VietGAP, đầu tư chăm sóc tốt, năng động trong việc tìm đầu ra, vườn cây của ông luôn mang lại hiệu quả, nâng cao thu nhập cho gia đình. Ông Viễn cho biết mục đích ông trồng thêm bưởi da xanh để có thu nhập quanh năm bởi vì măng cụt một năm chỉ cho ra quả một lần.

Nâng cao hiệu quả

Để nâng cao hiệu quả mô hình kinh tế hộ, một trong những giải pháp hiệu quả đó chính là phát động phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi. Ông Huỳnh Tấn Lợi, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bắc Tân Uyên, cho biết: “Được sự quan tâm hỗ trợ của tỉnh, huyện cùng với việc triển khai có hiệu quả phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi, nông dân trên địa bàn huyện đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Từ đây xuất hiện nhiều mô hình làm kinh tế hiệu quả, đạt danh hiệu nông dân SXKD giỏi các cấp. Đây chính là tiền đề để các hộ phát huy, tích cực hơn nữa trong SXKD làm giàu cho gia đình, đóng góp cho địa phương”.

Ngoài ra, với việc tích cực tham gia, đóng góp vào sự thành lập hợp tác xã (HTX) cũng là một trong những biện pháp nâng cao hơn nữa kinh tế hộ gia đình. Điển hình như ông Trần Văn Viễn, không chỉ phát triển mô hình kinh tế gia đình mà còn là một trong những thành viên tâm huyết, tích cực đóng góp vào HTX Dịch vụ Nông nghiệp An Sơn, chuyên về măng cụt Lái Thiêu tại xã An Sơn và hiện đang là Giám đốc HTX này. Ông Lê Minh Sang, Giám đốc HTX Cây ăn trái Tân Mỹ, chuyên về cây ăn trái có múi tại xã Tân Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên, cho biết: “Tham gia HTX giúp các hộ gia đình chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc cây ăn trái. Các hộ một mặt vẫn có thể phát huy kinh tế hộ gia đình, mặt khác tìm được chỗ đứng vững chắc cho sản phẩm trên thị trường, có đầu ra ổn định”.

Ông Trương Công Thạch, Phó trưởng phòng Kinh tế TP.Thuận An, chia sẻ các mô hình kinh tế hộ làm ăn bền bỉ, hiệu quả. Để phát triển, giữ vững và khôi phục phát triển cây ăn trái đặc sản, UBND tỉnh đã ra các quyết định hỗ trợ đến từng hộ gia đình phân bón, nạo vét kênh mương, vận động nhân dân trồng thay thế dần cây già cỗi, kém năng suất... Bên cạnh đó, thành phố hỗ trợ phát triển và nâng cao năng suất vườn cây bằng các giải pháp đầu tư đồng bộ về kỹ thuật, giống; khuyến khích người dân áp dụng các mô hình, tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao.

 Có thể nói, bên cạnh những hộ làm ăn hiệu quả trên các lĩnh vực kinh tế khác nhau, việc nỗ lực phát triển SXKD từ cây ăn trái đặc sản, cây có múi đã phát huy thế mạnh địa phương, đưa sản phẩm vươn xa trên thị trường. Phát triển kinh tế từ sản phẩm thế mạnh địa phương, các hộ gia đình có điều kiện đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, phát triển du lịch sinh thái, thu hút khách tham quan, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn trên cùng một diện tích đất sản xuất.

 TIẾN HẠNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=468
Quay lên trên