Mô hình tổ hợp tác cần thêm “nguồn lực” để phát triển

Cập nhật: 08-09-2022 | 08:20:10

Bên cạnh các hợp tác xã (HTX), mô hình tổ hợp tác (THT) cũng đóng góp không nhỏ trong việc phát triển kinh tế tập thể. Mặc dù có rất nhiều THT thành công, song hoạt động của mô hình này còn gặp nhiều khó khăn, rất cần chính sách hỗ trợ các THT sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn.

 Các THT phát triển sẽ thúc đẩy người dân sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị hàng hóa. Trong ảnh: THT trồng hồ tiêu xã An Bình, huyện Phú Giáo đang nỗ lực phát triển sản phẩm đặc trưng của địa phương

“Tiền đề” của HTX

Hiện nay, toàn tỉnh có 141 THT với hơn 1.263 thành viên, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp. Các mô hình THT hoạt động phù hợp với nhu cầu liên kết của nông dân sản xuất nhỏ trong số đó không ít THT hoạt động hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn. Hoạt động của nhiều THT đã thúc đẩy sản xuất trên địa bàn, tận dụng được các nguồn lực về đất đai, nguyên liệu, vốn, lao động tại địa phương. Đồng thời năng lực kinh tế hộ gia đình, từng bước cải thiện đời sống người nông dân, góp phần quan trọng trong việc xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Ông Trần Văn Chỉnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Bình, huyện Phú Giáo, cho biết: “Xã An Bình có thế mạnh về hồ tiêu và cao su. Để duy trì, gìn giữ và phát huy thế mạnh địa phương cũng như hỗ trợ bà con nông dân vượt qua khó khăn, năm 2019 Hội Nông dân xã đã tuyên truyền vận động bà con thay vì sản xuất nhỏ lẻ, manh mún tập hợp thành THT trồng hồ tiêu. UBND xã, Hội Nông dân hỗ trợ nguồn vốn vay, mở các lớp tập huấn về khoa học kỹ thuật, hỗ trợ mua phân bón trả chậm... Đến năm 2020, mô hình THT trồng hồ tiêu đạt tiêu chuẩn Global GAP. Để các mô hình THT phát triển bền vững và hoạt động hiệu quả hơn nữa cần có người “thuyền trưởng”, có năng lực, tâm huyết để chèo lái”.

Đối với các THT quy mô lớn, hình thức tổ chức hoạt động đa dạng, hiệu quả là tiền đề quan trọng để phát triển thành các HTX. Điển hình như HTX Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long, ấp Cà Na, xã An Bình (huyện Phú Giáo) xuất phát điểm là THT chuyên về dưa lưới với 8 thành viên. Nhờ hoạt động hiệu quả, đem lại lợi nhuận kinh tế cao, địa phương đã vận động để phát triển lên thành mô hình HTX. Đến nay, HTX là một điển hình tiên tiến về mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao lớn nhất huyện Phú Giáo với 45 thành viên và gần 30 lao động. Doanh thu trung bình của HTX đạt 7,5 - 9 tỷ đồng/năm, thu nhập bình quân của xã viên hơn 20 triệu đồng/tháng/ người, thu nhập bình quân của người lao động là 6 triệu đồng/ tháng/người.

Cũng phát triển lên từ THT trồng bưởi với 12 thành viên, HTX bưởi Bạch Đằng (xã Bạch Đằng, TX.Tân Uyên) ngay từ khi còn hoạt động với mô hình THT đã đem lại hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho các thành viên. Nối tiếp những thành quả đã có, bắt đầu từ năm 2018 hoạt động chính thức theo mô hình HTX, HTX bưởi Bạch Đằng ngày càng khẳng định uy tín chất lượng để đưa sản phẩm vươn xa trên thị trường.

Thực tế cho thấy, THT hoạt động hiệu quả chính là nền tảng vững chắc tiến lên mô hình HTX phát triển bền vững. Theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh, các THT đã có những đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, là nhân tố dự nguồn để phát triển thành HTX. Hiện nay, số THT phát triển nâng lên HTX, các HTX cũ về cơ bản đã chuyển đổi xong, nhiều HTX mới được thành lập, sản xuất, kinh doanh có hiệu quả xuất hiện nhiều hơn.

Xây dựng chính sách phù hợp

Thời gian qua, số lượng THT tăng nhanh ở nhiều địa phương, đa số được thành lập từ các tổ chức chính trị - xã hội của xã, phường, thị trấn. Mặc dù có những lợi thế nhất định, nhưng trong thực tế sản xuất của các THT vẫn còn không ít khó khăn.

Tổ chức THT còn hạn chế cả về năng lực và sức cạnh tranh so với mô hình kinh tế khác. Bên cạnh đó, đa số cán bộ quản lý của các THT trình độ và năng lực điều hành còn hạn chế, hoạt động theo kinh nghiệm tự có. Đặc biệt, các THT chưa có tư cách pháp nhân nên khó tiếp cận với các chính sách khuyến khích, hỗ trợ, phát triển, đặc biệt là các nguồn vốn vay ưu đãi. Muốn ký kết hợp đồng với đối tác, các tổ phải thông qua UBND cấp xã, làm hạn chế khả năng hoạt động, hợp tác, phát triển sản xuất, kinh doanh. Chính vì vậy, việc xây dựng chính sách phù hợp với nhu cầu phát triển sẽ giúp mô hình kinh tế này có kế hoạch sản xuất, kinh doanh rõ ràng.

Tại hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật HTX 2012 đã chỉ ra sự cần thiết phải sửa đổi Luật HTX 2012 thành “Luật các tổ chức kinh tế hợp tác”. Đối tượng áp dụng bổ sung là THT, Liên đoàn HTX, tập đoàn kinh tế hợp tác và các thành viên của các tổ chức kinh tế hợp tác. Việc bổ sung các đối tượng trong đó có THT sẽ bảo đảm quy định đầy đủ và thống nhất đối với các tổ chức kinh tế hợp tác trong một văn bản luật. Cùng với việc sửa đổi luật phù hợp, các THT muốn phát triển cũng rất cần sự chung tay hỗ trợ từ chính quyền, các đơn liên quan để ngày càng nâng cao giá trị mọi mặt của mô hình kinh tế này.

 Có thể thấy, THT đang góp phần không nhỏ trong phát triển kinh tế tập thể, cũng như thúc đẩy kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Vì vậy, rất cần sự quan tâm của Nhà nước đến mô hình THT, nhất là việc sửa đổi Luật HTX năm 2012 và xây dựng các chính sách hỗ trợ phù hợp giống như các HTX, Liên hiệp HTX. Điều này sẽ góp phần tích cực thúc đẩy các THT phát triển bền vững và thực sự là nguồn quan trọng để phát triển lên thành HTX kiểu mới bảo đảm cho mục tiêu chiến lược đến năm 2025 tỉnh Bình Dương có 300 HTX, 210 THT.

 TIẾN HẠNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên