Nhằm tạo động lực phát triển mới, đột phá trong thu hút đầu tư trong giai đoạn mới, Bình Dương đã đầu tư mở rộng các khu công nghiệp (KCN), đặc biệt là các KCN kiểu mới, chú trọng xây dựng hạ tầng giao thông mang tính kết nối cao.
VSIP là một trong những KCN kiểu mẫu, mang lại hiệu quả cao trong thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp của Bình Dương. Trong ảnh: Hạ tầng KCN VSIP 2 đồng bộ, hiện đại, thu hút mạnh các nhà đầu tư
Sắp khởi công KCN VSIP 3
Để tham gia hiện thực hóa chiến lược phát triển của tỉnh, thúc đẩy sự hợp tác giữa Chính phủ hai nước Việt Nam và Singapore, Tổng Công ty Becamex IDC và liên minh các nhà đầu tư Singapore do Sembcorp làm đại diện đã hợp tác xây dựng và hình thành VSIP Group. Sau chặng đường 26 năm phát triển, kiên định mục tiêu đã tạo nên sự thành công của mô hình VSIP. Từ KCN VSIP đầu tiên với diện tích 500ha tại TP.Thuận An, đến nay VSIP Group đã phát triển 11 dự án tại các tỉnh Bắc Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ngãi, Nghệ An, Bình Định, Quảng Trị. VSIP Group đang cung cấp hạ tầng sản xuất cho 880 khách hàng đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đầu tư 15 tỷ đô la Mỹ, tạo việc làm cho hơn 280.000 lao động trong và ngoài nước.
Trong giai đoạn mới, một trong các mục tiêu phát triển của Bình Dương là hướng đến công nghiệp hóa ở các phân khúc có giá trị gia tăng cao, tiết kiệm tài nguyên đất hiện có, từng bước chuyển đổi hình thành các KCN xanh, sinh thái. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có chất lượng, môi trường và công nghệ vượt trội nhằm thúc đẩy, lan tỏa quản trị đổi mới sáng tạo, thay đổi công nghệ.
Tiếp tục phát huy những thành quả đạt được trong phát triển công nghiệp cũng như sau những thành công của các KCN VSIP, tạo động lực phát triển trong giai đoạn mới, Bình Dương sẽ tổ chức khởi công KCN VSIP 3 với quy mô 1.000 ha tại phường Hội Nghĩa, TX.Tân Uyên và xã Tân Lập, huyện Bắc Tân Uyên. KCN VSIP 3 đặt mục tiêu trở thành KCN xanh - thông minh đầu tiên của cả nước, với năng lượng xanh tái tạo, thay thế điện lưới bằng điện năng lượng mặt trời, nước thải xử lý đủ tiêu chuẩn xanh tái sử dụng, tạo không gian cây xanh. Hệ điều hành áp dụng công nghệ 4.0 giám sát hoạt động trên toàn khu ngay trong tòa nhà điều hành trung tâm của KCN thông qua hệ thống camera hiện đại, hệ thống quan trắc và số liệu trực tiếp báo cáo hàng ngày, hệ thống an ninh và quản lý chất lượng 24/7...
VSIP 3 tại Bình Dương được khởi công xây dựng là một bước ngoặt, là điểm khởi đầu một trang mới cho ngành công nghiệp và thu hút FDI của tỉnh nhà. VSIP 3 ra đời tiếp tục là minh chứng cho sự phát triển bền vững và thành công của hai đối tác Việt Nam - Singapore hơn 26 năm qua cũng như thời gian tới.
Động lực thu hút đầu tư
Sau 25 năm xây dựng và phát triển, Bình Dương đã đạt được những bước tiến quan trọng. Bằng nhiều nỗ lực, Bình Dương đang ngày càng đóng góp nhiều hơn trong tăng trưởng chung của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và cả nước nói chung. Quy mô kinh tế của tỉnh tăng 104,3 lần, trong đó nông nghiệp tăng 14,2 lần, thương mại - dịch vụ tăng 112,2 lần và đặc biệt công nghiệp tăng tới 140,6 lần. Tỉnh luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn 10,86%/năm. Tính đến thời điểm hiện nay, tỉnh đã thành lập 29 KCN, với tổng diện tích quy hoạch 12.662 ha. Những kết quả đáng tự hào này đã đưa Bình Dương từ vùng đất nông nghiệp trở thành vùng đất phát triển công nghiệp mạnh mẽ của cả nước, là điểm lựa chọn đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước…
Tiếp tục tạo đòn bẩy cho công nghiệp phát triển, thu hút đầu tư, cùng với việc xây dựng, mở rộng các KCN, Bình Dương chú trọng đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông, đặc biệt là hạ tầng mang tính kết nối vùng. Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: “Nhằm phát triển hạ tầng mang tính liên kết vùng, tạo động lực, đột phá trong thu hút đầu tư cho tỉnh nhà trong giai đoạn mới, UBND tỉnh đang chỉ đạo khẩn trương hoàn thành các dự án trọng điểm, có tác động tạo sự lan tỏa như tuyến Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng, ĐT743, Thủ Biên - Đất Cuốc… Cùng với đó nghiên cứu phương án đầu tư các tuyến giao thông vành đai 3, vành đai 4, cao tốc Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, cảng An Tây…”.
Theo đánh giá của GS-TS Nguyễn Trọng Hoài, trường Đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương luôn tiên phong trong quản trị địa phương so với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Cụ thể, hạ tầng giao thông phải đi trước một bước để mở đường cho các ngành kinh tế phát triển đã được Bình Dương xem trọng. Bình Dương đang xây dựng KCN khoa học công nghệ để đáp ứng yêu cầu phát triển giai đoạn mới. Huy động các nguồn lực tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân lao động. Đồng thời, tỉnh đã ký kết thỏa thuận hợp tác hữu nghị với nhiều quốc gia phát triển; xây dựng thành phố thông minh, trở thành thành viên của nhiều tổ chức uy tín trên thế giới. Đặc biệt, liên tiếp 4 lần được Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (ICF) vinh danh là 1 trong 21 địa phương có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu trên thế giới. Điều này khẳng định sự đúng đắn trong việc lựa chọn và xây dựng mô hình phát triển của Bình Dương những năm qua. Đây cũng chính là những điểm sáng, là động lực để Bình Dương tạo bước đột phá trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế trong giai đoạn mới.
Ông Nguyễn Thanh Hải, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng miền Nam: “Bình Dương cần phát triển tập trung đa cực, cấu trúc đa trung tâm là nguyên tắc chủ đạo, trong đó các cực phát triển kết nối vùng đô thị trung tâm nhờ hệ thống giao thông gắn kết với TP.Hồ Chí Minh. Tái cấu trúc các KCN, hướng tới phát triển công nghệ cao gắn với việc tái đầu tư phát triển các khu đô thị chất lượng cao, định hướng thông minh. Tập hợp và tăng mật độ các khu định cư phi chính thức, không cho phép phát triển mở rộng dàn trải. GS-TS Nguyễn Trọng Hoài, trường Đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh: “Hướng đến mô hình KCN sinh thái, Bình Dương cần chú ý đến chuyển đổi và thu hút mới. Cụ thể, phối hợp tận dụng chất thải, năng lượng tái tạo, tạo ra lợi ích môi trường (giảm tiêu thụ nguyên liệu thô và nhiên liệu, giảm xả thải), tạo lợi ích xã hội (tạo cơ hội việc làm trong lĩnh vực quản lý, tái sử dụng nguyên liệu vật liệu và nhiên liệu), tạo lợi ích kinh tế (giảm chi phí quản lý chất thải, giảm chi phí vận tải…). Đồng thời, Bình Dương cần có chính sách cốt lõi phát triển KCN hỗ trợ công nghệ cao, sinh thái. Theo đó, quy hoạch và thiết kế khuôn viên KCN phải phù hợp với cộng đồng xã hội, có khả năng kết nối cơ sở hạ tầng xã hội bên trong và bên ngoài đô thị; có chính sách khuyến khích giảm thiểu ô nhiễm môi trường bằng cách thay thế các vật liệu độc hại, hấp thụ khí thải và xử lý các chất thải; có chính sách khuyến khích tái chế và tái sử dụng bên trong KCN và kết nối bên ngoài KCN… Bà Tu-HSiu-Chen, Chủ tịch Tập đoàn Giant (Đài Loan): “Bình Dương rất tiềm năng và phát triển. Hạ tầng công nghiệp và hạ tầng giao thông được đầu tư bài bản, đồng bộ, rất phù hợp với chiến lược phát triển của tập đoàn. Với quy hoạch phát triển lâu dài, tập đoàn sẽ xây dựng nhà máy phù hợp với chủ trương của tỉnh Bình Dương. Nhà máy hoạt động sản xuất với 80% máy móc tự động hóa, tôi tin tưởng nhà máy sẽ hoạt động hiệu quả và phát triển mạnh tại Bình Dương. |
PHƯƠNG LÊ