Thời điểm này, nông dân khắp các tỉnh, thành từ Bắc chí Nam đều đau đáu chuyện cam rớt giá. Trong đó, nông dân Bình Dương cũng không phải là ngoại lệ. Cam đang mùa rộ lại một lần nữa rớt giá là câu chuyện không mới mẻ mỗi mùa vụ đến.
Ngược lại thời gian cách đây chừng 5 - 7 năm, khi cam sành rất được giá, nguồn cung luôn không đáp ứng đủ nhu cầu. Giá cam sành thành phẩm có lúc lên tới 30.000 thậm chí 40.000 đồng/ kg mà vẫn không đủ bán. Trước việc cam được giá, nhiều nông dân nghĩ sẽ làm giàu được nhờ loại cây trồng này nên lao vào đầu tư. Chưa kể cam là loại cây trồng nhanh thu hoạch, chỉ cần 1,5 đến 2 năm, diện tích cây cam sành nói riêng, cây cam nói chung được mở rộng không ngừng. Để rồi lại đắng lòng khi cam sành rớt giá thê thảm.
Hiện nay, có thông tin người nông dân đang rục rịch chặt phá cam, bưởi để trồng sầu riêng. Không phải họ không biết những rủi ro khi trồng giống mới nhưng với giá sầu riêng quá cao như hiện nay khiến nhiều nhà vườn “đánh liều” trồng mới. Thoạt nghe, chúng ta lại nghĩ tới cái vòng luẩn quẩn chặt - trồng, trồng - chặt không biết còn đến bao giờ.
Câu chuyện quản lý vùng trồng một cách chi tiết về diện tích, loại cây, giống cây, thời điểm thu hoạch, sản lượng dự kiến… để dự báo được những lúc sản lượng gia tăng bất thường nhằm chủ động tìm đầu ra đã nói rồi, nói mãi, song vẫn có quá nhiều cái khó riêng mà chỉ những người trong cuộc mới hiểu. Nông dân họ có quyền quyết định tài sản, phương thức canh tác, giống cây trồng. Mọi hướng dẫn, cảnh báo cũng chỉ là kênh tham khảo. Cái quan trọng nhất phải thay đổi từ chính nhận thức của người trong cuộc.
KHẢI ANH