Giá USD tăng mạnh sau khi Ngân hàng Nhà nước nới biên độ tỷ giá đã đẩy nguy cơ tăng giá bán ô tô, đặc biệt là ô tô nguyên chiếc nhập khẩu, trở nên cận kề…
USD tăng, xe nhập sẽ khốn đốn
Ngày 12-8 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước buộc phải điều chỉnh nới biên độ tỷ giá USD lên mức +/- 2% để đối phó với ảnh hưởng của bão phá giá đồng Nhân dân tệ (Trung Quốc). Động thái này ngay lập tức đẩy giá trần USD lên trên 22.000 đồng/USD. Cụ thể, giá USD bán ra của ngân hàng Vietcombank từ đầu tháng 8 đổ về trước khá ổn định, bán ra ở mức 21.840 đồng/USD. Tuy nhiên sau khi NHNN nới biên độ, giá USD lập tức leo lên 22.105 đồng/USD trong những ngày gần đây.
Đại diện một nhà nhập khẩu cho biết đa số các nhà nhập khẩu ô tô về Việt Nam đều thanh toán bằng USD khi mua xe nên trường hợp tỷ giá tiếp tục giữ ở mức cao như hiện nay, giá ô tô nhập chắc chắn sẽ tăng trong thời gian tới. Tính toán về mức tăng cụ thể, vị này cho biết, hiện giá USD tăng khoảng 265 đồng/USD, nên về lý thuyết, giá bán lẻ xe hoàn toàn có thể tăng hơn 1%, một chiếc xe nhập giá khoảng 30.000 USD thì mức giá tính ra VNĐ tăng gần 8 triệu đồng, xe nhập giá 50.000 USD thì tăng trên 13 triệu đồng.
Mặt bằng giá xe nhập khẩu có thể tăng 1-2% trong thời gian tới |
Giá xe đã qua sử dụng cũng có thể tăng theo
Đồng quan điểm này, một cán bộ chuyên trách thuộc một liên doanh ô tô hàng đầu tại Việt Nam cho rằng chắc chắn với chính sách phá giá đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc, giá USD sẽ không thể giảm mà sẽ chỉ ổn định ở mức cao như hiện nay hoặc tiếp tục tăng để tạo mặt bằng mới nhưng không quá biên độ +2% nêu trên, tương đương khoảng hơn 22.200 đồng/USD. Vì thế, sức ép tăng giá xe nhập khẩu sẽ có thể biểu hiện ra ngay trong tháng 9 và tháng 10 tới nhưng mức tăng cụ thể tùy từng doanh nghiệp, khu vực nhập khẩu…
“Có những doanh nghiệp chưa điều chỉnh giá sau biến động hồi tháng 6 thì có thể họ còn cộng dồn tác động của 2 lần điều chỉnh tỷ giá, giá xe có thể tăng thêm 2% hoặc hơn. Tuy nhiên nếu thời gian tới tỷ giá hạ nhiệt thì vẫn có nhiều doanh nghiệp “cắn răng” chịu thiệt để đảm bảo sự ổn định kinh doanh” – vị cán bộ này nói.
Như vậy, cùng với cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt với xe nhập khẩu được áp dụng vào đầu năm 2016 chắc chắn sẽ gây sức ép lên giá xe, hy vọng về giá xe nhập khẩu nói chung sẽ giảm gần như tan biến, ngay cả khi chắc chắn thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ ASEAN giảm 10% xuống 40% từ 2006 theo lộ trình đã công bố.
Xe lắp ráp, xe cũ cũng hứng 'bão'
Không chỉ tác động ngay lập tức đến giá xe nhập khẩu mà việc điều chỉnh tỷ giá USD còn gây sức ép tới giá xe trong nước. Hiện tại đa số các xe ô tô được lắp ráp tại Việt Nam đều nhập linh kiện, tỷ lệ nội địa hóa thấp và ngay cả các doanh nghiệp sản xuất phụ tùng trong nước cũng phải nhập nguyên liệu, phụ kiện. Vì thế chắc chắn hoạt động sản xuất và phân phối xe lắp ráp trong nước thời gian tới cũng chịu ảnh hưởng.
“Rất khó để định lượng biến động giá USD sẽ tác động thế nào đến giá xe trong nước thời gian tới vì quyết định giá xe dựa trên rất nhiều thành tố, từ quy mô, sản lượng đến mục tiêu lợi nhuận, mục tiêu doanh số…Tuy nhiên về tổng thể giá xe hoàn toàn có thể leo lên một mặt bằng mới” – đại diện một liên doanh ô tô tại Việt Nam chia sẻ.
“Nước lên thì thuyền lên” – Giám đốc một đơn vị kinh doanh xe đã qua sử dụng có uy tín tại Hà Nội – chia sẻ khi được hỏi về tác động của tỷ giá lên mặt bằng xe đã qua sử dụng trong thời gian tới. Theo vị này, khi giá xe mới tăng, người dùng có thể quan tâm nhiều hơn với xe đã qua sử dụng nên giá xe đã qua sử dụng sẽ tăng theo, và việc tăng này nhanh chóng như xe mới nhập khẩu bởi cả hai đều đã nằm trong quá trình phân phối.
Theo VnMedia