Kinh doanh dịch vụ karaoke chỉ được mở cửa đến 0 giờ sáng
Đây là nội dung tại Nghị định 54/2019/NĐ-CP về kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường có hiệu lực từ ngày 1-9-2019. Trong khi các quán karaoke chỉ được hoạt động đến 0 giờ thì các vũ trường được hoạt động đến 2 giờ sáng. Cả hai dịch vụ này đều không được mở cửa trước 8 giờ sáng. Cũng theo nghị định này, để mở quán karaoke phải thành lập doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh. Diện tích phòng hát phải từ 20m2 trở lên, không kể công trình phụ; không được đặt chốt cửa bên trong phòng hát. Trong khi đó, vũ trường phải có diện tích từ 80m2 trở lên, không kể công trình phụ; địa điểm vũ trường phải cách trường học, bệnh viện từ 200m trở lên.
Điều kiện chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng cây hàng năm
Đây là một trong những nội dung được điều chỉnh tại Nghị định 62/2019/NĐ-CP sửa Nghị định 35/2015/NĐ-CP về quản lý và sử dụng đất trồng lúa. Nghị định quy định rõ ràng về các điều kiện chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm, cây lâu năm hoặc trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản:
- Không làm mất đi các điều kiện phù hợp để trồng lúa trở lại; không gây ô nhiễm, thoái hóa đất trồng lúa…
- Phù hợp với kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng của cấp xã;
- Trường hợp trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản, cho phép sử dụng tối đa 20% diện tích đất trồng lúa để hạ thấp mặt bằng cho nuôi trồng thủy sản; độ sâu của mặt bằng hạ thấp không quá 120cm…
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 1-9-2019.
Thù lao giáo viên dạy nghề sơ cấp tối đa 2 triệu đồng/người/buổi
Đây là nội dung được sửa đổi tại Thông tư 40/2019/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành. Theo đó, mức thù lao cho giáo viên, người dạy nghề tham gia đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng được quy định như sau:
- Giáo viên cơ hữu đang làm việc tại cơ sở đào tạo của Nhà nước được áp dụng mức tiền lương và các khoản phụ cấp theo lương của giảng viên, giáo viên hiện đang hưởng;
- Người dạy nghề không thuộc trường hợp trên thì mức thù lao sẽ do thủ trưởng cơ quan đề xuất, tối đa không quá 2 triệu đồng/người/buổi.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1-9-2019.
Nguồn kinh phí để tăng lương năm 2019 tại các địa phương
Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 46/2019/TT-BTC hướng dẫn xác định nhu cầu, nguồn và phương thức chi thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở. Theo đó, nguồn kinh phí để tăng lương năm 2019 tại các địa phương gồm:
- Nguồn tiết kiệm 10% chi thường xuyên dự toán năm 2019 tăng thêm so với năm 2018 theo quyết định giao dự toán của Bộ Tài chính;
- Nguồn 50% tăng thu ngân sách địa phương, không kể tiền sử dụng đất và tiền thu được từ xổ số kiến thiết thực hiện so với dự toán năm 2018 được giao;
- 50% phần ngân sách Nhà nước giảm chi hỗ trợ hoạt động thường xuyên trong lĩnh vực hành chính và các đơn vị sự nghiệp công lập…
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 6-9-2019.
SỞ TƯ PHÁP