Với vai trò là trung tâm của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong những năm qua MTTQ huyện Phú Giáo đã tập hợp và phát huy sức mạnh của cả cộng đồng. Từ đó, các chương trình hoạt động, phong trào, các cuộc vận động (CVĐ) của MTTQ huyện Phú Giáo luôn mang tính thiết thực.
Anh Trần Văn Thạch, khu phố 3, thị trấn Phước Vĩnh, tự bỏ tiền nâng cấp tuyến đường giao thông, tạo thuận lợi cho người dân đi lại. Ảnh: HOÀI PHƯƠNG
Hướng về cơ sở
Tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, các chương trình hoạt động của MTTQ huyện Phú Giáo trong thời gian qua đã ngày càng phong phú về nội dung, hình thức và thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. MTTQ huyện đã huy động được nguồn lực của tổ chức, các tầng lớp nhân dân tham gia phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân.
Hoạt động của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên huyện Phú Giáo đã tập trung hướng về cơ sở, bám sát nhiệm vụ chính trị, nâng cao chất lượng hoạt động của các chi, tổ hội ở khu dân cư. Được biết đến là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống, trong đó có số lượng lớn đồng bào dân tộc Khmer, xã An Bình, huyện Phú Giáo đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện tốt các chính sách của Trung ương và của tỉnh cho đồng bào DTTS. Những chính sách như cấp đất tái định canh, tập huấn sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ cây con giống, tuyên truyền xây dựng đời sống văn hóa, hỗ trợ bảo tồn các giá trị văn hóa các đồng bào DTTS đã làm cho các hộ đồng bào DTTS xã An Bình có nhiều đổi thay cả về đời sống vật chất lẫn tinh thần.
Ông Ngưu Bư (ấp Tân Thịnh), người được coi như già làng của đồng bào Khmer tại xã An Bình, cho biết: “Được tuyên truyền, vận động thường xuyên nên nhận thức của đồng bào đã có nhiều thay đổi, nhất là trong việc thực hiện nếp sống mới trong sinh hoạt, cưới hỏi, ma chay, kế hoạch hóa gia đình, nâng cao trình độ văn hóa cho con em. Đến nay, không có con em nào của đồng bào DTTS khi đến tuổi đến trường không được đi học. Nhiều gia đình lo cho con em học đến nơi, đến chốn, khi ra trường có công ăn việc làm ổn định. Nếp sống văn minh đã thể hiện rõ trong các khu dân cư có đồng bào dân tộc Khmer sinh sống khi nhà cửa được bà con xây dựng kiên cố, sạch sẽ, hợp vệ sinh, ngõ xóm được thắp sáng”.
Câu chuyện về đồng bào dân tộc Khmer ở xã An Bình đã thể hiện sinh động chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy sức mạnh cộng đồng của Đảng bộ, chính quyền huyện Phú Giáo nói chung, MTTQ Việt Nam huyện Phú Giáo nói riêng trong thời gian qua.
Một trong những điểm nổi bật trong thực hiện các CVĐ, phong trào thi đua yêu nước của MTTQ huyện Phú Giáo trong thời gian qua phải kể đến là CVĐ “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Qua CVĐ này, MTTQ huyện đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của cộng đồng trong việc chung tay xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Những mô hình thiết thực
Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Phú Giáo, cho biết qua thực hiện CVĐ, trong hơn 5 năm qua, nhân dân trên địa bàn huyện đã đồng tình, thống nhất trong thực hiện giải tỏa, hiến đất và hoa màu không đền bù để thi công các công trình giao thông nông thôn với diện tích đất 214.216m2, đóng góp trên 2.865 ngày công với tổng giá trị trên 526 triệu đồng, lắp đặt thiết bị chiếu sáng khu dân cư.
Cùng với đó, hàng năm MTTQ huyện và cơ sở phối hợp cùng các tổ chức thành viên, các phòng ban của UBND huyện triển khai đăng ký các danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “Khu phố văn hóa”, “Khu nhà trọ văn hóa”, “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”, “Cơ quan đạt chuẩn văn hóa”. Đến nay, có trên 99% hộ gia đình và 100% khu phố, ấp, cơ quan, đơn vị, trường học đăng ký các danh hiệu văn hóa.
Xác định được những khó khăn của nhân dân địa bàn nông thôn, thời gian qua, MTTQ huyện Phú Giáo đã đẩy mạnh thực hiện các chương trình an sinh xã hội. Trong đó, MTTQ huyện đã phối hợp với các ngành, đoàn thể hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận các nguồn lực để phát triển kinh tế, đồng thời tiếp cận các dịch vụ và phương tiện giải trí văn hóa tinh thần.
Theo bà Nguyễn Thị Bích Vân, bằng nhiều hình thức tuyên truyền, vận động, MTTQ các cấp đã tập hợp được các đối tượng khó khăn tham gia vào các hoạt động của đoàn thể để được tiếp cận thuận lợi hơn với các chương trình hỗ trợ. Thông qua các hình thức như: “Quỹ khuyến học, khuyến tài”, “Quỹ xoay vòng vốn”, “Hũ gạo tình thương”, các hoạt động vay không tính lãi, người nghèo, người khó khăn đã được chăm lo. Trong giai đoạn 2014-2019, toàn huyện đã có 742 hộ dân thoát nghèo từ các mô hình, chương trình hỗ trợ. Ngoài ra, MTTQ và các tổ chức thành viên trên địa bàn huyện còn thường xuyên có các hoạt động thăm hỏi, tặng quà các gia đình khó khăn nhân dịp lễ, tết, xây dựng và sửa chữa nhà đại đoàn kết, giúp cho các đối tượng khó khăn ổn định cuộc sống.
Bà Nguyễn Thị Bích Vân cho biết những kết quả đạt được của công tác mặt trận huyện Phú Giáo trong nhiệm kỳ qua có ý nghĩa quan trọng, góp phần củng cố và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường đồng thuận xã hội để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn huyện.
CAO SƠN