Năm học 2018-2019: Ngành giáo dục và đào tạo chủ động sắp xếp giáo viên dạy lớp

Cập nhật: 04-07-2018 | 08:55:47

Thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh giản biên chế, năm 2018 ngành giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) không tuyển dụng, thuyên chuyển công tác, tiếp nhận viên chức ngoài tỉnh. Với quyết định này, ngành GD-ĐT nói chung, các trường học nói riêng đang khẩn trương tính toán sắp xếp, bố trí đủ giáo viên dạy lớp, chuẩn bị cho năm học mới sắp đến.

Không tuyển mới

Hàng năm, ngành GD-ĐT tuyển khoảng 1.000 giáo viên (GV) ở các cấp học nhằm bổ sung vào số còn thiếu ở các đơn vị, trường học. Nguồn tuyển dụng là người trong và ngoài tỉnh, được đào tạo ở các trường như: Đại học (ĐH) Sư phạm TP.Hồ Chí Minh, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh, ĐH Thủ Dầu Một và những ứng viên được đào tạo ở các trường ĐH ở các tỉnh, thành khác. Riêng với trường ĐH Thủ Dầu Một, ngày 16-6 vừa qua, trường đã trao bằng tốt nghiệp cho các cử nhân ở các ngành sư phạm là mầm non, tiểu học 628; sư phạm ngữ văn 127; sư phạm lịch sử 74; sư phạm địa lý 49; sư phạm tiếng Anh 9. Trong số này, ngoài những em là người của tỉnh Bình Dương, còn có nhiều em đến từ nhiều tỉnh, thành trong nước.


Giáo viên mới ra trường xem thông tin tuyển dụng viên chức ngành giáo dục và đào tạo năm học 2017-2018

Ở các năm trước, khi các em chuẩn bị nhận bằng tốt nghiệp, ngành GD-ĐT đã có thông báo tuyển dụng viên chức cho năm học mới, nhưng năm nay đến ngày các em nhận bằng vẫn chưa nhận được thông tin tuyển dụng. Niềm vui ngày nhận bằng của GV mới ra trường không được trọn vẹn vì sự lo lắng cứ đan xen. Em H.T, tân cử nhân ngành ngữ văn, tâm sự: “Năm nay tỉnh không tuyển GV, em nộp đơn xin dạy ở một trường ngoài công lập, nhưng đến giờ vẫn chưa có kết quả. Với những GV mới ra trường như em cơ hội khó hơn, vì không cạnh tranh với những ứng viên khác lâu năm có nhiều kinh nghiệm”.

Hiện nay, các trường mầm non ngoài công lập luôn trong tình trạng thiếu GV, do đó những em học ngành này không lo thất nghiệp, bởi cung không đủ cầu. Trong khi đó, những em học ngành tiểu học rất khó tìm được công việc trái ngành. Một phụ huynh cũng là GV, có con vừa tốt nghiệp sư phạm tiểu học đã ngậm ngùi nói, sau 4 năm học ĐH, giờ đây con chị vẫn còn chờ việc. Trước mắt, cháu sẽ xin vào dạy mầm non, sau đó sẽ học thêm các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ đối với GV mầm non để đáp ứng được yêu cầu công việc.

Nói đến chủ trương không tuyển mới GV, bà Nguyễn Hồng Sáng, Giám đốc Sở GD-ĐT, nói đến thời điểm hiện tại tỉnh chưa có chủ trương thực hiện công tác tuyển dụng viên chức ngành GD-ĐT. Sở cũng không thực hiện việc xét hồ sơ xin thuyên chuyển công tác trong tỉnh của viên chức ngành. Sở sẽ điều động, điều chuyển viên chức của một số đơn vị trực thuộc sở nhằm thực hiện các quy định về biên chế. Bên cạnh đó, sở cũng không thực hiện việc xét hồ sơ tiếp nhận viên chức ngoài tỉnh xin chuyển đến công tác trong ngành GD-ĐT tỉnh Bình Dương. Do tỉnh chưa có chủ trương thực hiện tuyển dụng viên chức ngành GD-ĐT, sở đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị tự bố trí, sắp xếp nhân sự cho năm học mới trên cơ sở thiếu, đủ GV sẽ có phương án tính toán tiếp theo.

Chủ động tính toán

Với đặc thù là tỉnh phát triển công nghiệp, hàng năm Bình Dương tăng thêm khoảng 30.000 học sinh (HS) ở các cấp, chủ yếu là con em công nhân lao động ngoài tỉnh. HS tăng, trường lớp tăng, đồng nghĩa với tình trạng thiếu GV. Trước chủ trương năm học mới không tuyển mới GV, ngành GD-ĐT sẽ gặp những khó khăn nhất định trong việc bố trí, sắp xếp GV. Dù vậy, ngành, các trường đã có kế hoạch bố trí GV, bảo đảm cho hoạt động dạy và học của nhà trường.

Bà Huỳnh Thị Mỹ Ngân, Trưởng phòng GD-ĐT TX.Thuận An, cho biết năm nay TX.Thuận An thiếu trên 300 GV dạy lớp. Trước chủ trương không tuyển mới GV, ngành sẽ điều tiết GV phù hợp cơ bản về biên chế. Ngành cũng tính đến phương án bố trí cho GV tiểu học, THCS dạy tăng giờ, đồng thời xin chủ trương của tỉnh cho tái ký hợp đồng những GV đã hợp đồng trong năm học trước. Sắp tới, nếu Sở GD-ĐT điều tiết GV ở các huyện khác về TX.Thuận An, Phòng GD-ĐT sẽ tiếp tục phân phối cho các trường có nhu cầu.

Tình trạng thiếu GV hàng năm chủ yếu ở những trường có số HS tăng cao, có những trường mỗi năm tăng thêm 4 - 5 lớp, thậm chí 10 lớp. Cụ thể, năm học trước trường Tiểu học Bình Thuận (TX.Thuận An) có 49 lớp, dự kiến năm nay tăng lên 70 lớp, như vậy số GV còn thiếu là không nhỏ. Theo tính toán của ban giám hiệu các trường, để bảo đảm đủ GV dạy lớp, ngoài tổ chức cho GV dạy tăng giờ, các trường còn thực hiện dồn lớp bằng cách tăng sĩ số HS ở mỗi lớp, để đủ GV bố trí cho các lớp.

Việc bố trí cho GV dạy tăng giờ nghĩa là 1 GV phụ trách 2 lớp (đối với trường dạy 1 buổi). Một GV ở một trường tiểu học tại TX.Bến Cát, cho hay dạy tăng giờ GV rất vất vả vì liên tục đứng lớp. Nếu dạy 1 lớp GV sẽ dồn tâm huyết cho lớp đó, nhưng dạy đến lớp thứ 2 vào buổi chiều GV đã đuối sức, nhiệt huyết đã giảm, không thể truyền đạt tất cả kiến thức cho HS như ở lớp trước. Đây là một thiệt thòi cho HS, đồng thời ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Lãnh đạo các phòng GD-ĐT còn chỉ ra một hạn chế khác, đó là theo quy định GV dạy tăng giờ không quá 200 tiết/năm, như vậy GV ấy chỉ phụ trách được lớp thứ 2 qua một học kỳ, đến học kỳ II thì GV khác phụ trách. Tình trạng một lớp có 2 - 3 GV như vậy không thể bảo đảm chất lượng bền vững được.

A.SÁNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=5397
Quay lên trên
X