“Nâng bước” học sinh khuyết tật đến trường

Cập nhật: 05-09-2015 | 08:56:42

Không may mắn mang trên mình những khiếm khuyết, người khuyết tật (NKT) luôn muốn hòa nhập cộng đồng, tự làm nuôi sống bản thân, không trở thành gánh nặng cho gia đình. Đáp lại tinh thần vươn lên đó, Bình Dương đã mở ra “cánh cửa” tương lai giúp NKT có cơ hội khẳng định năng lực bản thân.

Em Phạm Văn Đức (bàn đầu bên trái) mong muốn học để trở thành chuyên gia tâm lý Ảnh: T.LÝ 

Niềm vui đến trường

Tại lớp 11C5, trường THPT An Mỹ (phường Phú Mỹ, TP.Thủ Dầu Một) có một học sinh (HS) đặc biệt bị khiếm thị. Dù sống trong bóng tối nhưng kết quả học tập, khả năng tiếp thu bài vở của HS đó làm cho thầy cô, các bạn phải nể phục. Đó là HS Phạm Văn Đức. Đức kể, gia đình Đức ở xã Tân Hiệp, huyện Phú Giáo. Năm 5 tuổi, em bị tai nạn giao thông, đến năm 7 tuổi do vết thương tái phát đã cướp đi ánh sáng cuộc đời em. Đang sáng mắt bỗng dưng không nhìn thấy gì, em cảm thấy cuộc đời không còn hy vọng để tiếp tục sống. Thế nhưng được sự yêu thương của ba mẹ, được mọi người xung quanh quan tâm, em đã tìm lại niềm vui cuộc sống, là gia đình đã đưa Đức lên Hội Người mù tỉnh để học văn hóa. Tại đây, em được học cách đọc chữ nổi, học văn hóa tại các trường. Nói về ước mơ của mình, Đức bộc bạch: “Em mơ ước sẽ thi được vào trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.Hồ Chí Minh chuyên ngành Tâm lý học. Đối tượng để em tư vấn là những bạn trẻ lạc lối trong cuộc sống, giúp các bạn tìm lại niềm vui”.

Trường hợp Nguyễn Thị Thanh Uyên (phường Lái Thiêu, TX.Thuận An) bị liệt nửa người bên phải do di chứng của bệnh viêm não. Uyên vừa học xong lớp 10 tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh. Uyên nói, em rất thích học văn hóa. Tuy nhiên, trong lớp cũng có nhiều bạn phân biệt đối xử, kỳ thị em. Các bạn luôn xa lánh làm em có cảm giác mặc cảm. “NKT như em không bao giờ mong muốn mình bị như vậy. Em mong mọi người hãy yêu thương, đừng xa lánh; hãy tạo điều kiện cho chúng em được đi học, được có việc làm để có thể nuôi sống bản thân, đỡ gánh nặng cho gia đình”, Thanh Uyên nói.

Nói về tinh thần học tập của HS NKT, hiệu trưởng các trường có HS khuyết tật cho biết, mặc dù khiếm khuyết nhưng các em đều có học lực khá - giỏi, đạo đức tốt. Nhiều em là NKT đã đậu đại học, cao đẳng và có công ăn việc làm ổn định. Các em đó có một sức mạnh mãnh liệt, chấp nhận tất cả khó khăn để không trở thành gánh nặng gia đình. Về phía nhà trường để các em HS NKT tiếp thu bài vở, trường giảm tải bớt môn học, thầy cô trau dồi khả năng giao tiếp với các em để hiểu, chia sẻ những khó khăn của các em trong quá trình học tập.

Tiếp sức…

Bình Dương hiện có 14.168 NKT. Vì thế, công tác quản lý nhà nước đối với NKT luôn được quan tâm đúng mức. Các cấp, các ngành đã triển khai thực hiện các chức năng về quản lý nhà nước trên các lĩnh vực của ngành. Kết quả trong 5 năm (2009-2014), 1.355 lượt NKT lang thang, không nơi nương tựa, không có người chăm sóc, nuôi dưỡng trên địa bàn tỉnh đã được đưa vào sống tại trung tâm bảo trợ xã hội; 3.613 lượt NKT được khám phục hồi chức năng; 2.323 NKT trong độ tuổi đi học.

Với 2.323 NKT đang trong độ tuổi đi học, nhu cầu cho các em đến trường là việc làm cần thiết. Do đó, giai đoạn 2010- 2015, Bình Dương đã thực hiện miễn giảm học phí và tạo điều kiện cho 2.323 trẻ em khuyết tật được đến trường. Trong đó, trẻ em khuyết tật đi nhà trẻ, mẫu giáo 304 em, tiểu học 1.472 em, THCS 512 em, THPT 35 em. Về phía Hội Bảo trợ NKT - Trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo, các nhà hảo tâm, các phụ huynh HS, nhân dịp kết thúc năm học hoặc khai giảng năm học mới đã tặng 2.160 suất học bổng, trị giá 2.294 triệu và 1.219 xe đạp, trị giá 1.868 triệu đồng cho HS khuyết tật, HS có hoàn cảnh khó khăn, từ đó tạo điều kiện cho trẻ em khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn được đến trường học tập, nâng cao trình độ dân trí…

Không chỉ được tiếp sức đến trường, NKT cũng mong muốn được tạo việc làm sau khi ra trường, hoặc sau khi học nghề tại các trung tâm dạy nghề. Chị Đặng Thị Minh Thu, Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề NKT tỉnh cho biết, tại trung tâm, 30% học viên trong trung tâm không biết chữ, do đó trung tâm đã mở lớp phổ cập giáo dục cho các em. Bảo đảm khi học xong nghề, các em cũng sẽ biết đọc, biết viết. Trong quá trình học nghề, nhiều học viên tâm sự, em rất muốn được học lên cao và muốn có nghề nghiệp tại các doanh nghiệp nhưng sợ họ không nhận vì mình khiếm khuyết. Qua lời tâm sự của các em, hy vọng Bình Dương sẽ có chính sách đề nghị doanh nghiệp Nhà nước, công ty tư nhân tạo mọi điều kiện để các em vào làm việc. Có công ăn việc làm, các em sẽ cảm thấy mình sống có ích và sống tích cực hơn để hoàn thiện bản thân, không vướng vào tệ nạn xã hội.

 

 THIÊN LÝ

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=755
Quay lên trên
X