Cuối tháng 3, học sinh (HS) lớp 12 đã hoàn tất chương trình năm học 2014-2015. Ngay sau đó, thầy trò bắt đầu ôn tập, củng cố kiến thức, chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia sắp tới. Năm nay, Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) không phát hành tài liệu ôn tập, những kiến thức HS tiếp thu được chủ yếu là do kinh nghiệm của các thầy cô. Để cùng định hướng giảng dạy, ôn tập cho HS, trong tháng 3 vừa qua, tổ nghiệp vụ bộ môn toán của Sở GD-ĐT đã tổ chức hội thảo nâng cao chất lượng môn toán lớp 12. Những cái hay, cái mới, sự sáng tạo của người thầy đã được các đồng nghiệp chia sẻ, truyền cho nhau.
Học sinh trường THPT Võ Minh Đức, TP.TDM tìm hiểu về những đổi mới trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2015
Với thầy Nguyễn Thanh Tân và cô Lê Thị Thúy Hằng, qua nhiều năm giảng dạy ở trường THPT Thanh Tuyền (Dầu Tiếng), thầy cô đã đúc rút ra cho bản thân những kinh nghiệm riêng cho mình. Theo các thầy cô, HS thường quên kiến thức các lớp dưới, kết quả là kiến thức các em nắm không chắc và nắm không tới. Để khắc phục tình trạng này, trước khi dạy, giáo viên (GV) cần ôn tập kỹ những kiến thức liên quan đến bài học. GV cần cho nhiều bài tập, dạng bài cấp độ khó dễ khác nhau để HS rèn luyện khả năng tư duy. Qua mỗi khái niệm GV nên nhắc lại nhiều lần hoặc nhờ HS nhắc lại để củng cố sâu kiến thức. Trong các bài học sau nếu có điều kiện GV vẫn hỏi lại kiến thức bài này cho HS khắc sâu kiến thức hơn nữa. Ngoài ra, GV cần sử dụng phương pháp phù hợp cho từng phần giảng dạy của chương; hệ thống kiến thức logic, giúp HS dễ hiểu, nhẹ nhàng; giảng kiến thức trọng tâm, cho HS học thuộc công thức, hệ thống bảng công thức khi dạy; cho làm nhiều bài tập tính toán để ghi nhớ công thức…
Trường THPT Tây Sơn (Phú Giáo), tuy là địa bàn vùng xa nhưng hàng năm tỷ lệ HS tốt nghiệp THPT và thi đậu đại học khá cao. Đó là do GV có những kinh nghiệm trong giảng dạy môn toán, trong đó có phần “giải tích tổ hợp”. Trong quá trình giảng dạy trên lớp, các thầy cô nhận thấy cách tính toán của HS chủ yếu dựa vào máy tính cầm tay là chủ yếu. Bên cạnh đó, cách dùng các ký hiệu hoán vị, chỉnh hợp, tổ hợp của HS không được nhạy bén, nên hầu hết các bài toán thầy cô giảng dạy đều chuyển về dùng quy tắc đếm gần gũi và dễ hiểu hơn. GV đưa ra cho HS nhiều dạng bài tập về sử dụng quy tắc đếm. Dựa vào lý thuyết, nhắc nhở HS nắm vững lý thuyết, cách suy luận từ thực tiễn hình thành nên lời giải tất cả các bài toán về phép đếm, chỉnh hợp, tổ hợp.
Cô Trần Thị Bích Phương, trường THPT Tây Nam (TX. Bến Cát) cũng rút ra cho riêng mình cách giảng dạy môn toán hiệu quả, nhất là phần “tích phân và ứng dụng”. Theo cô, trong những năm gần đây, tích phân là câu thường xuất hiện trong các đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng, với mức độ cũng không quá khó. Để giải được câu tích phân, HS cần làm tốt 3 điều cơ bản: nhớ đúng các công thức nguyên hàm, thành thạo những phương pháp tính tích phân, làm bài tập thường xuyên để nhận dạng tích phân nhanh chóng và tính toán chính xác.
Ở môn hình học không gian, các GV tổ toán trường THPT Dĩ An cũng có những kinh nghiệm giảng dạy riêng. Các thầy cô cho rằng, với môn này nhiều HS cảm thấy rất khó khăn khi tiếp nhận kiểu tư duy hình học mới. Các em chưa quen với hình biểu diễn, nên rất khó khăn trong việc nhận ra những đường thẳng nào cắt nhau, đường thẳng không cắt nhau, hay những đoạn thẳng nào “nhìn thấy”, đoạn thẳng “không nhìn thấy”, hoặc nhầm lẫn trong việc xác định các giao điểm. Do đó, GV cần dạy thật kỹ các khái niệm, phải làm cho HS hiểu những nguyên tắc vẽ hình biểu diễn. Có 3 bài toán chính cần chú ý trong bài các tiên đề là: Tìm giao tuyến, tìm giao điểm của đường thẳng và mặt phẳng, chứng minh các điểm thẳng hàng. Thông qua các bài toán, hướng dẫn HS rút ra phương pháp và cách trình bày. Đối với bài toán hình học không gian, GV cần giúp HS phân tích giả thuyết bài toán, xác định các yếu tố trên hình vẽ. GV cần trình bày các bài mẫu về các dạng, cho HS làm lại những dạng trên nhiều lần nhằm tạo kỹ năng trình bày các dạng toán nâng cao hơn sau này…
H.THÁI (ghi)