Nâng cao vai trò của kinh tế tập thể

Cập nhật: 11-04-2016 | 08:38:06

Thời gian qua, kinh tế trang trại (KTTT) trên địa bàn tỉnh phát triển đã khẳng định được vị thế trong phát huy tiềm năng và thế mạnh về đất đai, lao động; đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển dịch kinh tế nông nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh tế nông thôn của tỉnh. Phát huy những lợi thế của KTTT và nhằm khắc phục một số hạn chế mắc phải, gần đây một hình thức tổ chức sản xuất mới đã ra đời, đó là những mô hình hợp tác xã (HTX) kiểu mới.

Phát huy lợi thế từ KTTT

Theo thống kê của Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, đến nay, toàn tỉnh có 1.068 trang trại với tổng diện tích hơn 10.698 ha; trong đó có 518 trang trại chăn nuôi, 542 trang trại trồng trọt và 8 trang trại tổng hợp. Tổng diện tích đất dành cho nông nghiệp kiểu trang trại là gần 9.800 ha. Các trang trại tập trung chủ yếu trên địa bàn các huyện Phú Giáo, Bắc Tân Uyên, Bàu Bàng, Dầu Tiếng và đã tạo việc làm ổn định cho hơn 6.000 lao động nông thôn. Cùng với những mô hình trang trại truyền thống, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình KTTT mới theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp kỹ thuật cao. Các mô hình này đã mang lại hiệu quả kinh tế và có tính ứng dụng thực tiễn cao, tạo ra những bước đột phá trong phát triển trang trại của tỉnh Bình Dương.

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện những mô hình HTX kiểu mới mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong ảnh: HTX chăn nuôi bò sữa Long Tân, huyện Dầu Tiếng. Ảnh: QUỲNH NHIÊN

Hiện toàn tỉnh có 344 tổ hợp tác (THT) với 5.744 thành viên, tổng nguồn vốn hoạt động là 34 tỷ 240 triệu đồng. Các THT đã tích cực thực hiện tương trợ vốn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật áp dụng vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo và nâng cao thu nhập cho các thành viên.

Trong khi đó, toàn tỉnh hiện có 116 HTX với 56.544 thành viên, vốn điều lệ là 640 tỷ 846 triệu đồng. Các HTX hoạt động chủ yếu trong những lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, vận tải, thương mại - dịch vụ, xây dựng, quỹ tín dụng nhân dân… Lợi nhuận bình quân của HTX trên địa bàn tỉnh đạt 360 triệu đồng/năm; thu nhập bình quân của các thành viên và người lao động đạt 60 triệu đồng/năm.

Đi cùng cán bộ Hội Nông dân xã Long Hòa, huyện Dầu Tiếng, chúng tôi đến thăm trang trại trồng phôi nấm của bà Nguyễn Thị Minh Tấn, ở ấp Long Thọ. Trang trại nấm rộng gần 1 ha của bà được đầu tư rất quy mô, phôi nấm làm ra cung cấp cho thị trường từ Bình Dương đến các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Mỗi tháng trang trại của bà cung cấp hơn 10.000 phôi nấm các loại như linh chi, bào như, nấm mèo… Gắn bó với nghề nấm hơn 15 năm, giờ đây trang trại của bà đã phát triển ổn định, mang lại thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm. Ngoài ra, trang trại của bà còn giải quyết việc làm cho 20 lao động địa phương với mức lương từ 4 - 8 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, hiện nay, KTTT của tỉnh cũng còn nhiều bất cập như các chủ trang trại phần lớn xuất phát từ những hộ sản xuất nhỏ; làm ăn riêng lẻ theo điều kiện của từng chủ trang trại; thường bị lệ thuộc đầu vào, đầu ra cho quá trình sản xuất, kinh doanh; trong khi đó nguồn vốn hạn hẹp không thể đầu tư phát triển... Bên cạnh đó, KTTT đang đứng trước những thách thức lớn là phải cạnh tranh, đáp ứng đòi hỏi về chất lượng, quy cách sản phẩm, hàng hóa ngày càng cao của người tiêu dùng. Từ thực tế này, theo các chuyên gia, đòi hỏi các chủ trang trại cần phải hợp tác lại với nhau nhằm phát huy những lợi thế của mình và hạn chế những tiềm ẩn, rủi ro về mặt trái của kinh tế thị trường để phát triển bền vững hơn. Cùng với đó, việc thành lập HTX từ các chủ trang trại là một tất yếu, khách quan. Các chủ trang trại là một tập hợp những thành viên, xã viên có kinh nghiệm, có kiến thức nghề nghiệp, có vốn. Các lợi thế này nếu được tập trung lại và có tổ chức thì đây là điều kiện tốt nhất hỗ trợ nhau trong định hướng sản xuất hàng hóa lớn có năng suất, chất lượng và hiệu quả trong sản xuất kinh doanh, đồng thời tăng khả năng cạnh tranh, tạo thương hiệu ổn định và đồng nhất.

Hướng phát triển tất yếu

Trước yêu cầu cơ cấu lại nền kinh tế, nhất là tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, trong điều kiện hội nhập quốc tế của nước ta ngày càng sâu rộng, sản xuất trong nước đối mặt với cạnh tranh ngày càng gay gắt… thì nhu cầu hợp tác nhằm giảm chi phí sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa và phát triển kinh tế tập thể là yêu cầu khách quan, cấp thiết để bảo đảm cho nền kinh tế nước nhà nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng phát triển bền vững.

Nhận thức được tầm quan trọng của kinh tế tập thể trong tình hình mới theo tinh thần Nghị quyết số 13-NQ/TW Hội nghị Trung ương 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, Tỉnh ủy Bình Dương đã ban hành Chương trình hành động số 12-CTr/TU ngày 22-7-2002 và UBND tỉnh đã xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể cụ thể cho từng năm. Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã phê duyệt và cấp kinh phí từ ngân sách địa phương cho Liên minh HTX tổ chức các đợt tuyên truyền Luật HTX năm 2012, Nghị định số 193/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật HTX…; đồng thời ban hành Quyết định số 05/2012/QĐ- UBND (sửa đổi, bổ sung Quyết định số 31/2009/QĐ-UBND ngày 15-5-2009) quy định một số chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển HTX trên địa bàn tỉnh… Nhờ đó, vai trò, vị trí của kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng lên.

Xã Long Tân là địa phương có truyền thống nuôi bò sữa của huyện Dầu Tiếng. Trước đây, những mô hình nuôi bò sữa tại đây có quy mô nhỏ lẻ và thiếu tính liên kết, vì vậy nguồn thu nhập của người nuôi bò sữa không ổn định. Tháng 8-2013, HTX chăn nuôi bò sữa Long Tân được thành lập gồm 16 hội viên, vốn điều lệ hơn 9,3 tỷ đồng. Đến nay, HTX đã có 20 hội viên, quy mô chăn nuôi khoảng 500 con bò sữa. Việc thành lập HTX này đã tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ nuôi bò sữa trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi, hỗ trợ nhau cùng phát triển. HTX hoạt động hiệu quả, nhiều gia đình ở các xã Thanh Tuyền, Thanh An, An Lập, Long Hòa của huyện Dầu Tiếng và Long Nguyên của huyện Bàu Bàng cũng đã đến tìm hiểu để xây dựng mô hình tương tự.

Ông Lê Thanh Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực Liên minh HTX tỉnh cho rằng, thực tế cho thấy, sự phát triển của kinh tế tập thể đã góp phần khai thác thêm nguồn vốn trong dân, đồng thời nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh trong cơ chế thị trường, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn theo hướng tăng nhanh tỷ trọng sản xuất hàng hóa, tạo ra các vùng sản xuất tập trung. Thời gian qua, kinh tế tập thể ở Bình Dương đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Tuy vậy, hiện vẫn còn một số HTX tồn tại mang tính hình thức, chưa đúng với bản chất, quy định của Luật HTX; một số HTX hiệu quả hoạt động còn thấp, sản phẩm chưa có thương hiệu, sức cạnh tranh thấp…. Đây là vấn đề cần sớm được khắc phục.

Năm 2020, phấn đấu 80% nông dân trong tỉnh tham gia các hình thức kinh tế tập thể

Theo Liên minh HTX tỉnh, mục tiêu tổng quát về đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể của tỉnh giai đoạn 2016-2020 là: Phát triển tổ hợp tác, HTX nhanh, bền vững góp phần xây dựng xã hội hợp tác, đoàn kết, phát triển cộng đồng; phát triển đa dạng các hình thức hợp tác, quy mô phù hợp với trình độ, năng lực quản lý vốn; tăng cường liên kết giữa các tổ chức kinh tế tập thể với nhau, liên doanh với doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Phấn đấu đến năm 2020, khu vực kinh tế tập thể, mà nòng cốt là HTX có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của tỉnh; thu hút 80% nông dân trong tỉnh tham gia các hình thức kinh tế tập thể hoặc sử dụng dịch vụ của các tổ hợp tác; thu nhập bình quân trong khu vực HTX tăng 15%, đến năm 2020 đạt 75 triệu đồng/người.

Q.NHIÊN

 

QUỲNH NHIÊN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=571
Quay lên trên