Nặng nợ với những cánh rừng

Cập nhật: 11-03-2021 | 09:11:38

Để rừng phòng hộ núi Cậu, xã Định Thành, huyện Dầu Tiếng phát huy hết giá trị, nhiều cán bộ, chiến sĩ cùng người dân đã chung sức, đồng lòng bảo vệ rừng. Trong đó, phải kể đến những cán bộ thuộc Ban Quản lý (BQL) bảo vệ rừng phòng hộ núi Cậu, những người coi các cánh rừng như là nhà của mình…


Cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ núi Cậu trực tháp canh để quan sát rừng

Rừng… là nhà

Đứng dưới những cây cổ thụ rợp bóng, chúng tôi đón nhận từng luồng gió mát được thổi vào mang theo hơi nước của hồ Dầu Tiếng. Cái gió từ mặt hồ đã xoa dịu khí trời oi bức giữa mùa khô của núi Cậu.

Có thể nói, đến với rừng núi Cậu và hòa mình vào thiên nhiên trên bờ hồ Dầu Tiếng thơ mộng là niềm hạnh phúc của nhiều du khách. Tuy nhiên, với độ che phủ của rừng, thời gian qua thực bì của rừng phòng hộ núi Cậu dày đặc. Tại nhiều nơi trong rừng phòng hộ núi Cậu, độ dày của thực bì gần 40cm, có thể xảy ra cháy rừng bất cứ lúc nào nếu ai đó vô tình làm rơi một tàn thuốc khi trời đang có gió.

Trong khí trời hanh khô, trên những con đường đi sâu vào rừng phòng hộ núi Cậu thường xuyên xuất hiện bóng dáng của lực lượng kiểm lâm thuộc BQL rừng phòng hộ núi Cậu. Họ là những người thường xuyên tổ chức tuần tra để phòng ngừa “bà hỏa” xuất hiện. Với vai trò là những người bảo vệ rừng, thời gian qua, nhiều cán bộ thuộc BQL rừng phòng hộ núi Cậu đã gắn bó với công việc, xem rừng như là nhà. Thấy rừng đâm chồi, nảy lộc và không xảy ra sự cố cháy là niềm vui của các anh.

Sở hữu làn da đen sạm vì nắng, trông già hơn so với tuổi 36, anh Lưu Tuấn Bằng, PhóGiám đốc BQL rừng phòng hộ núi Cậu, cho biết: “Vì yêu nghề, yêu màu xanh của núi rừng, năm 2010 tôi tốt nghiệp Đại học Nông lâm TP.Hồ Chí Minh là về đây tham gia công tác. Hơn 11 năm gắn bó với rừng núi Cậu, bản thân tôi xem rừng là nhà. Sống làm việc dưới tán rừng, ở đây chúng tôi có nhiều kỷ niệm khó quên. Hạnh phúc nhất là chứng kiến cây rừng phát triển từng ngày, trở thành những cây cổ thụ tỏa bóng mát”.

Chỉ tay về hướng quần thể cây cà chắc, trà beng, tràm bông vàng, bạch đàn… mọc quanh chùa Thái Sơn, anh Bằng chia sẻ: “Những cây gỗ lớn đó chứng kiến nhiều thế hệ bảo vệ rừng núi Cậu. Niềm vui lớn nhất của người bảo vệ rừng là được nhìn thấy trên rừng xuất hiện nhiều cây có thân gỗ lớn, sự hồi sinh của rừng”.

Cũng hơn 11 năm tham gia bảo vệ rừng phòng hộ núi Cậu, anh Nguyễn Xuân Đô (38 tuổi), cán bộ BQL rừng phòng hộ núi Cậu luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nhiều lần anh Đô được đơn vị biểu dương. Anh Đô cho biết nhà anh ở xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng. Ngày nào anh cũng chạy xe máy gần 15km đến tham gia bảo vệ rừng núi Cậu cùng đồng đội. Vì yêu “lá phổi xanh” của rừng nên anh luôn gắn bó và hết mình với công việc. “Ngay từ nhỏ tôi đã yêu màu xanh của núi rừng quê hương. Sau ngày tốt nghiệp trường Đại học Nông lâm TP.Hồ Chí Minh, tôi xin công tác tại BQL rừng phòng hộ núi Cậu. Với mức lương như hiện nay có thể nói là thấp, tuy nhiên, được sự động viên, chia sẻ từ phía gia đình và tập thể cơ quan nên chúng tôi không lơ là trong công việc bảo vệ rừng. Cứ thấy cây rừng xanh tốt, không xảy ra cháy thì chúng tôi vui mừng để tiếp tục tuần tra, sẵn sàng đương đầu mọi khó khăn”, anh Đô nói.

Sẵn sàng đương đầu khó khăn

Mùa khô ở Bình Dương bắt đầu từ tháng 10 năm trước đến tháng 5 năm sau. Trong thời gian 8 tháng mùa khô, rừng phòng hộ núi Cậu tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng rất cao. Thời gian qua ngành chức năng của tỉnh đã đầu tư nhiều hạng mục tại núi Cậu nhằm phục vụ cho công tác PCCC. Cụ thể, rừng Núi Cậu hiện có 2 tháp canh với độ cao 20 m tính từ mặt đất trở lên. Hai tháp này được bố trí tại các điểm xung yếu để cán bộ dễ quan sát. Hệ thống chữa cháy gồm 5 hồ dự trữ nước (24m3 /hồ); 5 bồn dự trữ nước (10 m3 /hồ); 5 ống cống dự trữ nước (10 m3/ống dẫn) được rải đều trên các địa điểm có nguy cơ xảy ra cháy; hàng chục bình xịt nước cho mỗi các nhân để sẵn sàng tham gia chữa cháy rừng.

Hơn 8 ha rừng đã tái sinh

Mùa khô năm 2018, tại núi Cậu đã xảy ra cháy rừng. Tổng diện tích rừng bị thiệt hại hơn 8 ha. Qua thời gian chăm sóc, hiện nay 8 ha rừng bị cháy nay đã được tái sinh, xuất hiện nhiều cây cao. “Sau khi xảy ra vụ cháy, chúng tôi đã đầu tư hàng trăm biển cắm, đầu tư nhiều phương tiện, xây dựng nhiều đường tiểu ngạch để thuận tiện cho công tác tuần tra. Đến nay hơn 8 ha rừng tái sinh đang phát triển rất tốt. Sau lần cháy rừng đó chúng tôi đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm trong công tác quản lý, ứng phó với cháy rừng”, anh Lưu Tuấn Bằng, PhóGiám đốc BQL rừng phòng hộ núi Cậu cho biết.

Chia sẻ về công tác phòng chống cháy rừng, anh Lưu Tuấn Bằng cho biết: “Ngoài 4 cán bộ thường trực của đơn vị, thời gian qua, từ nguồn kinh phí phòng cháy chữa cháy, chúng tôi hợp đồng thêm 6 người dân địa phương làm công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) rừng núi Cậu. Song song đó, đơn vị chức năng đã đầu tư mở rộng 3 tuyến đường chính, 5 đường nhánh trên núi Cậu. Khi cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc chữa cháy được bảo đảm, chúng tôi có thêm điều kiện nhanh chóng dập lửa nếu xảy ra cháy”.

Phân tích về những nguy cơ xảy ra cháy rừng phòng hộ núi Cậu, anh Bằng cho biết thêm: “Hiện thực bì tại núi Cậu rất nhiều, nhất là những nơi có nhiều cây lớn mọc ven các tuyến đường. Trong khi đó dưới chân núi Cậu hiện có hơn 80 hộ dân sinh sống nên thường xuyên có người ra vào rừng. Song song đó, ngày rằm hàng tháng nhiều du khách trong và ngoài tỉnh đến viếng chùa Thái Sơn, tham quan núi Cậu. Trong lúc vui chơi, nếu ai đó đốt lửa nấu nướng trên rừng hoặc vô tình hút thuốc vứt tàn ra ngoài thì nguy cơ xảy ra cháy rất cao”.

Nhằm phòng ngừa cháy rừng, thời gian qua cán bộ BQL rừng thường xuyên tổ chức tuần tra khép kín trên khắp các tuyến đường trên núi Cậu. Để chủ động phản ứng nhanh trước các tình huống bất ngờ, đầu mùa khô lực lượng cũng đã triển khai diễn tập PCCC rừng. Ngoài ra vào thời điểm có nhiều du khách trong và ngoài tỉnh đến viếng chùa Thái Sơn và tham quan hồ Dầu Tiếng đều được nhắc nhở đề phòng cháy rừng. Với quyết tâm không để xảy ra cháy rừng, thời gian qua, cán bộ của đơn vị và người dân có nhà ven chân núi Cậu luôn chấp hành nghiêm việc phòng ngừa cháy rừng.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ núi Cậu, cho biết: “Vào thời điểm những năm 80 của thập niên trước, rừng núi Cậu bị người dân khai thác gỗ kiệt quệ. Nhiều gỗ quý bị đưa ra khỏi rừng. Đến năm 1986, hồ thủy lợi Dầu Tiếng được xây dựng thì rừng núi Cậu được quản lý nghiêm, từ đó rừng đã hồi sinh, nhiều chủng loại gỗ quý được tái sinh như gỗ trắc, dầu và gõ đỏ. Quan trọng hơn là rừng núi Cậu không chỉ giữ ẩm cho huyện Dầu Tiếng mà còn là nơi giữ mạch nước ngầm cho hồ Dầu Tiếng. Hiện nay chúng tôi quản lý khoảng 3.600 ha rừng phòng hộ trên địa bàn huyện. Trong đó có trên 1.500 ha rừng phòng hộ núi Cậu được đơn vị trực tiếp quản lý rất nghiêm; ngoài ra trên 2.100 ha rừng ở xã Minh Hòa đã giao cho người dân địa phương quản lý”.

THANH QUANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=840
Quay lên trên