Nga đánh mạnh tham nhũng

Cập nhật: 06-01-2010 | 00:00:00

 Tổng thống Dmitry Medvedev và Thủ tướng Vladimir Putin “đau đầu” với nạn tham nhũng tại NgaNgày 24-12, Tổng thống Dmitry Medvedev đã ký sắc lệnh cải cách Bộ Nội vụ nhằm hạn chế nạn tham nhũng trong ngành cảnh sát. Theo đó, đến cuối năm 2010, sẽ có 280.000 người của ngành này sẽ bị cắt giảm. Cạnh đó, hàng loạt biện pháp mạnh tay khác cũng sẽ được Chính phủ Nga áp dụng trong cuộc chiến chống tham nhũng cam go này.

 

Từ tham nhũng đến thảm họa

 

Vụ hỏa hoạn tại hộp đêm Lame Horse ở thành phố Perm vào đầu tháng 12 vừa qua được cho là một trong những vụ hỏa hoạn tồi tệ nhất của đất nước này. Chính phủ và nhân dân Nga sau đó đã tổ chức quốc tang tưởng niệm hơn 150 nạn nhân xấu số trong vụ cháy tại Lame Horse. Nguyên nhân của thảm họa trên được chính Thủ tướng Nga Vladimir Putin tuyên bố chính là do thói quan liêu, tham nhũng và vô trách nhiệm của công chức, dung túng cho việc làm ăn cẩu thả của những quan chức quản lý hộp đêm này nói riêng và hàng loạt dịch vụ khác.

 

Sau vụ cháy, thị trưởng và lãnh đạo các ngành kinh doanh - thương mại, phát triển đô thị, an ninh công cộng ở thành phố Perm đã từ chức. Một số quan chức cơ quan cứu hỏa của thành phố này cũng bị sa thải. Phát biểu nhân Ngày quốc tế chống tham nhũng vào ngày 9-12 vừa qua, ông Kirill Kabanov, lãnh đạo Ủy ban Chống tham nhũng quốc gia Nga, khẳng định rằng: “Vụ hỏa hoạn tại hộp đêm Lame Horse là một bằng chứng rõ ràng cho thấy, những vụ làm ăn tham nhũng đã ảnh hưởng đến an toàn tính mạng của người dân và đây không phải là trường hợp duy nhất trong thời gian vừa qua. Chỉ có thể đấu tranh chống tệ nạn tham nhũng nếu có sự tham gia kiểm tra của toàn xã hội”.

 

Chi phí lót tay hơn 300 tỷ USD/năm

 

Vào năm 2008, trong chiến dịch tranh cử của mình, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đưa ra khẩu hiệu kiên quyết đấu tranh với nạn tham nhũng. Ngay sau khi lên nhậm chức, một trong những hành động chống tham nhũng đầu tiên của ông Medvedev là quyết định chấm dứt các cuộc thanh tra chuyên quyền của các quan chức đối với các công ty nhỏ, nơi mà họ thường vòi vĩnh tiền đút lót.

 

Tuy nhiên, cuộc chiến chống tham nhũng là cuộc chiến đầy cam go và trắc trở, cần sự kiên trì đeo đuổi và xử lý mạnh tay. Cho đến nay, kết quả của công cuộc đấu tranh vẫn chưa có đột phá lớn lao, phần lớn người dân Nga đã không còn đặt niềm tin vào luật pháp tối cao cũng như những người thi hành luật pháp.

 

Kết quả một cuộc khảo sát cho thấy, 50% người dân Nga cho rằng tham nhũng là điều hiển nhiên tồn tại ở quốc gia này. Trong năm 2008, lực lượng chuyên trách Nga đã phát hiện khoảng 1.500 vụ tham nhũng và khởi tố 500 vụ án hình sự liên quan đến tham nhũng.

Giữa tháng 11 vừa qua, Tổ chức phi chính phủ chuyên nghiên cứu về tham nhũng tại Nga InDem Foundation công bố mỗi năm, người dân phải chi 318 tỷ USD để lo lót. Số tiền này tương đương với 1/3 tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Nga. Theo kết quả điều tra của hãng tư vấn và kiểm toán quốc tế PricewaterhouseCoopers, 71% doanh nghiệp ở Nga là nạn nhân thường xuyên của tội phạm kinh tế. Tỷ lệ này cao gấp đôi so với các nước khác trong nhóm 4 nền kinh tế mới nổi gồm: Nga, Brazil, Ấn Độ và Trung Quốc. Ủy ban Chống tham nhũng quốc gia Nga cho biết, hiện nay các doanh nghiệp đều phải gộp vào chi phí các khoản tiền dùng để đút lót các quan chức và các khoản này chiếm chừng 40% giá thành sản phẩm.

 

Ngoài ra, một thực tế đáng báo động ở Nga chính là những hệ lụy bắt đầu từ việc Bộ Nội vụ ban hành chính sách thưởng và nâng chức dựa vào kết quả chống tội phạm khiến nhiều cảnh sát đã kê khống các vụ phạm pháp, thậm chí biến người vô tội thành tội phạm để được thưởng.

 

Giảm 20% nhân sự của Bộ Nội vụ

 

Tổng thống Dmitry Medvedev mới đây đã ký sắc lệnh cải cách Bộ Nội vụ nhằm hạn chế nạn tham nhũng trong ngành cảnh sát. Theo sắc lệnh này, trong 3 tháng tới, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Rashid Nurgaliyev phải trình tổng thống kế hoạch cải cách theo hướng đến cuối năm 2010 giảm 20% trong tổng số 1,4 triệu nhân sự (chủ yếu là cảnh sát, quân cảnh, nhân viên điều tra và công chức).

 

Bên cạnh đó là hàng loạt cải cách mới như: đơn giản hóa các chức năng của bộ, giảm hai bộ phận trực thuộc bộ; luân phiên vị trí các cán bộ cao cấp; cải tiến quy trình tuyển dụng nhân viên căn cứ vào đạo đức, tâm lý, đồng thời nâng cao yêu cầu về chuyên môn; tăng cường các biện pháp chống tham nhũng trong cảnh sát và kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động của nhân viên cùng kế hoạch tăng thêm nhiều hình thức trợ cấp cho cảnh sát như xây nhà.

 

Ngoài ra, Ủy ban An ninh Hạ viện cho biết đã soạn thảo một dự luật quy định dùng máy kiểm tra nói dối để sát hạch công tố viên, thẩm phán, nhân viên thuộc Bộ Ngoại giao, nhân viên hải quan, lực lượng cảnh sát cùng nhân viên thuộc các cơ quan an ninh khác trên toàn đất nước. Ngày 25-12-2009, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã ký ban hành gói đạo luật chống tham nhũng. Trong gói đạo luật này, ngoài Luật liên bang “Về chống tham nhũng” (được Duma quốc gia Nga (Hạ viện) thông qua ngày 19-12 và Hội đồng Liên bang (Thượng viện) phê chuẩn ngày 22-12) còn có các khoản sửa đổi hơn 20 luật liên bang có liên quan.

 

Mục đích của gói đạo luật này là nâng cao hiệu quả của việc điều chỉnh bằng luật pháp các quan hệ trong lĩnh vực chống tham nhũng. Sau khi được Tổng thống Nga ký phê chuẩn, gói luật chống tham nhũng sẽ có hiệu lực 10 ngày sau khi được công bố chính thức. Việc phê chuẩn gói dự luật trên là một phần trong Kế hoạch hành động chống tham nhũng gồm 4 giai đoạn, được Tổng thống Nga ký vào tháng 7 vừa qua.

(Theo SGGP)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=332
Quay lên trên