Hiện đang là thời điểm tình hình dịch bệnh cúm A (H7N9) diễn biến phức tạp ở 13 tỉnh, thành phố của Trung Quốc, với số ca mắc tăng cao đột biến và tỷ lệ tử vong khoảng 40%. Đối với tỉnh Bình Dương, đến thời điểm này tuy chưa phát hiện trường hợp nhiễm cúm gia cầm nhưng các ngành chức năng và địa phương cũng đang triển khai các giải pháp phòng ngừa. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc trao đổi với ông Trần Phú Cường, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, thú y và thủy sản tỉnh.
Ngành chức năng của tỉnh đang tăng cường kiểm soát động vật, sản phẩm động vật vận chuyển ra vào địa bàn tỉnh. Trong ảnh: Cán bộ kiểm dịch kiểm tra các xe vận chuyển động vật, sản phẩm động vật tại trạm Vĩnh Phú (TX.Thuận An). Ảnh: QUỲNH NHIÊN
- Xin ông cho biết tình hình dịch bệnh trên đàn gia cầm tại địa bàn tỉnh trong thời gian qua?
- Thời gian qua, bệnh cúm gia cầm đã được tỉnh khống chế tốt, tạo điều kiện cho địa phương phát triển chăn nuôi gia cầm. Tuy nhiên, dịch bệnh cúm gia cầm vẫn còn nguy cơ xảy ra do diễn biến thời tiết thất thường làm giảm sức đề kháng của đàn gia cầm; cùng với đó vi rút cúm gia cầm lưu hành ở các địa phương khác lây lan thông qua hoạt động buôn bán, vận chuyển gia cầm. Đặc biệt là đối với vịt nhập từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc từ các tỉnh phía Bắc vào địa bàn tỉnh.
Trước thông tin về dịch cúm A (H7N9) đang diễn biến phức tạp tại một số tỉnh, thành phố của Trung Quốc, ngành chức năng của tỉnh đã và đang tăng cường những biện pháp phòng chống dịch từ xa. Đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh tuy chưa phát hiện ổ dịch nào nhưng tình hình phòng chống dịch luôn được ngành chức năng chủ động, bảo đảm kịp thời và hiệu quả.
- Tỉnh đã triển khai những biện pháp cụ thể nào để phòng chống dịch trên gia cầm, cụ thể là cúm gia cầm, thưa ông?
- Hàng năm, Chi cục Chăn nuôi, thú y và thủy sản tỉnh đều tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình UBND tỉnh ký và ban hành kế hoạch phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Năm 2017, chi cục tiếp tục phấn đấu vì mục tiêu chung khống chế bệnh cúm gia cầm một cách bền vững nhằm phát triển chăn nuôi, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh đó, đơn vị sẽ nỗ lực khống chế dịch cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh, hạn chế sự lây nhiễm vi rút H5N1 sang người; đồng thời bảo đảm an toàn cho người tham gia tiêm phòng.
Cụ thể, chi cục tiếp tục thực hiện chính sách tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm cho các tổ chức, các hộ và cá nhân chăn nuôi gia cầm theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y. Theo đó, tần suất tiêm phòng là 2 đợt/ năm, khoảng thời gian giữa các đợt tiêm phòng chính vẫn thực hiện tiêm phòng bổ sung. Đối với bệnh cúm gia cầm, đơn vị khuyến cáo sử dụng vắc xin của Cục Thú y. Cụ thể, sử dụng vắc xin navet - vifluvac (phòng bệnh cúm gia cầm do vi rút type A/ H5N1 nhánh 2.3.2.1c và A/H5N6 nhánh 2.3.4.4) hoặc vắc xin H5N1 Re-6 (phòng bệnh cúm gia cầm do vi rút type A/H5N1 nhánh 2.3.2.1c)…
Bên cạnh đó, chi cục cũng thực hiện đồng bộ 3 biện pháp giám sát dịch bệnh, gồm: Giám sát lâm sàng phát hiện bệnh nhằm phát hiện kịp thời các ca bệnh để khoanh vùng, dập dịch, giảm thiệt hại về kinh tế do dịch bệnh cũng như hạn chế sự lây lan của bệnh. Giám sát chủ động nhằm phát hiện các trường hợp gia cầm mang mầm bệnh, đồng thời đánh giá tỷ lệ lưu hành vi rút gây bệnh trong quần thể gia cầm tại địa phương. Giám sát huyết thanh học sau tiêm phòng nhằm đánh giá đáp ứng miễn dịch trên đàn gia cầm sau khi được tiêm vắc xin.
Đồng thời, chi cục tiếp tục tăng cường thực hiện kiểm dịch, kiểm soát chặt chẽ gia súc, gia cầm cũng như sản phẩm gia súc, gia cầm vận chuyển ra, vào địa bàn tỉnh; duy trì hoạt động các trạm, chốt kiểm dịch động vật trên địa bàn tỉnh. Các trạm kiểm dịch trực thuộc chi cục luôn bố trí lực lượng trực kiểm tra 24/24 giờ nhằm thực hiện nghiêm quy trình kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, phương tiện vận chuyển qua trạm...
- Trước tình hình dịch cúm gia cầm đang diễn biến phức tạp như hiện nay, chi cục có khuyến cáo gì với người tiêu dùng?
- Đối với người chăn nuôi gia cầm, cần mua con giống từ các cơ sở có uy tín, đã được kiểm soát chặt chẽ của cơ quan thú y; thông báo kịp thời cho cơ quan thú y hoặc chính quyền địa phương khi có dấu hiệu của bệnh cúm gia cầm để có biện pháp xử lý và ngăn chặn dịch lây lan.
Để bảo đảm sức khỏe cho mọi người, người tiêu dùng khi mua gia cầm sống cần quan tâm đến xuất xứ, gia cầm đã qua kiểm dịch, đặc biệt không mua gia cầm ốm, chết và từ vùng dịch vận chuyển đến. Đối với sản phẩm gia cầm, người tiêu dùng không nên ăn tiết canh, không mua sản phẩm gia cầm mà chưa có dấu kiểm dịch của cơ quan thú y.
Hiện nay, một bộ phận người dân trong tỉnh vẫn có thói quen mua gà sống trôi nổi trên thị trường; trong khi đó một số tiểu thương còn mua bán, giết mổ gia cầm tại các khu dân cư, làm cho công tác phòng, chống cúm gia cầm rất khó kiểm soát. Nhằm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng, ngành chăn nuôi đang cần sự đồng hành của người tiêu dùng. Theo đó, người tiêu dùng cần thay đổi thói quen sử dụng gia cầm sống; cần nói không với những chợ tự phát tổ chức mua bán và giết mổ gia cầm trái quy định
Tính đến sáng 21-2, Việt Nam đã phát hiện 4 ổ dịch H5N1, 1 ổ H5N6 và đang tiếp tục đối mặt với nguy cơ H7N9 xâm nhập từ Trung Quốc. Cụ thể, cơ quan chức năng đã phát hiện 1 ổ dịch H5N1 tại 3 hộ dân ở xã Trực Thuận, huyện Trực Ninh, Nam Định; buộc tiêu hủy hơn 4.600 con vịt. 2 ổ dịch H5N1 được phát hiện tại huyện Phú Đông, Bạc Liêu và 1 ổ dịch tại huyện Diễn Châu, Nghệ An. Ngành chức năng cũng đã ghi nhận ổ dịch cúm gia cầm H5N6 tại xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi.
QUỲNH NHIÊN