Để hoàn thành mục tiêu TTTD đã đề ra, hiện các NH thương mại đang nỗ lực thực hiện các giải pháp nhằm lôi kéo khách hàng vay vốn. Đại diện NH TMCP Công Thương (Vietinbank), cho biết Vietinbank chủ trương đơn giản hóa thủ tục và quy trình nhằm tiết kiệm thời gian, giải quyết nhanh chóng nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp (DN). NH Ngoại thương (Vietcombank) cũng cho biết đang tiếp tục triển khai các chương trình cho vay hỗ trợ lãi suất từ cuối năm trước như cho vay lãi suất USD chỉ 3%/năm, quy mô gói tài trợ lên đến 700 triệu USD; trong đó 300 triệu USD dành cho các DN xuất nhập khẩu và 400 triệu USD dành cho khách hàng chiết khấu bộ chứng từ và bao thanh toán, kinh doanh xăng dầu... Mới đây, NH Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng công bố hỗ trợ 50 tỷ đồng cho một số DN sản xuất với mức lãi suất vay từ 11 - 12%/năm. Từ đầu năm đến nay, Sacombank đã triển khai 12 gói cho vay từ nguồn vốn cho vay ưu đãi trị giá hơn 10.000 tỷ đồng và 80 triệu USD để hỗ trợ các khách hàng DN, cá nhân sản xuất - kinh doanh. Hoạt động giao dịch tại các ngân hàng vẫn nhộn nhịp. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại VPBank
Mặc dù có khả năng cung ứng vốn dồi dào, nhưng nhiều ngân hàng thừa nhận tốc độ giải ngân rất ì ạch. Phó Giám đốc VCB Bình Dương Nguyễn Thái Minh Quang, cho biết chỉ tiêu tăng trưởng được cấp trên giao tiếp tục ở mức khiêm tốn là 13%, nhưng để thực hiện đạt mục tiêu này thì doanh số cho vay tương đương 6.500 tỷ đồng. Đây là điều hoàn toàn không dễ dàng trong bối cảnh hiện nay. Theo lý giải của ông Nguyễn Thái Minh Quang, hoạt động cho vay từ đầu năm đến nay rất thấp, do khả năng hấp thu vốn của DN vẫn yếu.
Theo NH Nhà nước chi nhánh Bình Dương, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn tính đến cuối tháng 2 đạt 75.835 tỷ đồng, tăng 3,5% so với đầu năm. Trong khi đó, tín dụng đối với nền kinh tế chỉ đạt 53.686 tỷ đồng, giảm 0,2% so với đầu năm. Nguyên nhân là do sau tháng nghỉ tết, nhiều DN tạm thời không sử dụng vốn mà thay vào đó là có xu hướng trả nợ, dẫn tới nhu cầu tín dụng giảm. NH Nhà nước cũng dự báo, tỷ lệ này sẽ được cải thiện trong những tháng tới.
Tương tự, một trong số ít NH thương mại có tỷ lệ phát triển tín dụng ấn tượng trong năm 2012 với 32% so với chỉ tiêu 25% hội sở giao, song NH TMCP Công thương chi nhánh Khu công nghiệp Bình Dương (Vietinbank) cũng tỏ ra khá lo lắng về khả năng TTTD. Cán bộ phụ trách Phòng Tín dụng DN ngân hàng này cho hay đưa đồng vốn vào nền kinh tế là một chuyện, nhưng để DN tiếp cận được vốn lại là chuyện khác. Cái khó nhất trong phát triển cho vay hiện nay là phải tìm được khách hàng là những DN “khỏe”, DN tin cậy để trao vốn. Để đưa đồng vốn đến đúng địa chỉ, đúng người cần, Vietinbank kết hợp với công tác tư vấn giúp DN rà soát lại chiến lược để xác định hạn mức đầu tư; đồng thời xem lại danh mục khách hàng để đẩy mạnh cho vay khách hàng truyền thống, khách hàng cá nhân.
Do chưa đạt doanh thu kỳ vọng từ lĩnh vực dịch vụ, các NH làm ăn khấm khá mấy năm nay phần lớn nhờ vào cho vay, do đó khi Nhà nước có chủ trương thắt chặt tín dụng, kiểm soát lạm phát thì ít nhiều ảnh hưởng tới doanh thu, lợi nhuận của ngân hàng. Đại diện nhiều ngân hàng cho biết, mặc dù vẫn tìm nhiều giải pháp để thúc đẩy TTTD, song hoạt động NH năm 2013 vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức, mục tiêu lợi nhuận không còn là ưu tiên số một mà thay vào đó là chủ trương phát triển bền vững. Giám đốc NH TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) Bình Dương Nguyễn Thị Dung, cho biết nguồn vốn huy động của NH sẽ khó tăng mạnh như năm trước do DN tập trung nguồn lực cho sản xuất - kinh doanh, trong khi đó nguồn tiền gửi dân cư tăng không nhiều. Bên cạnh đó, NH phải đưa ra các gói tín dụng có mức lãi thấp cho các lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên, thực hiện mục tiêu giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế. Với những chương trình cho vay mang tính chia sẻ khó khăn này, chúng tôi chấp nhận giảm bớt doanh thu, lợi nhuận để đẩy mạnh cho vay.
THANH HỒNG