Kỳ III: Tháo gỡ nút thắt về vốn
Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đang khẩn trương triển khai biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp (DN) tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh. Giải pháp nào để đồng vốn nhanh đến tay DN?
Ngành ngân hàng xem xét, tập trung tháo gỡ các khó khăn về quy định, đẩy mạnh hoạt động huy động, cho vay, thúc đẩy nhanh phục hồi kinh tế. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại BIDV Bình Dương
Chủ động hỗ trợ
Ông Nguyễn Thái Minh Quang, Giám đốc Ngân hàng Vietcombank (VCB) Bình Dương, cho biết ngân hàng này đã triển khai 4 chính sách ưu đãi lớn cho khách hàng và rất nhiều nhóm chính sách hỗ trợ nhỏ khác. Trong đó, VCB giảm 10% trên tổng số tiền lãi phát sinh phải trả trong kỳ áp dụng cho tất cả các khoản vay chịu ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh Covid-19; giảm 5% trên tổng số tiền lãi phát sinh phải trả trong kỳ áp dụng cho tất cả các khoản vay còn lại. Hiện tại, VCB Bình Dương đã thực hiện cơ cấu cho 91 khoản vay với tổng dư nợ 580 tỷ đồng. Tổng dư nợ đã và đang tiếp cơ cấu lại thời hạn trả nợ là hơn 1.300 tỷ đồng.
Tính đến 30-4-2020, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 571 khách hàng với dư nợ 2.262 tỷ đồng; miễn, giảm lãi suất cho 2.316 khách hàng với dư nợ trên 753 tỷ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23-1-2020 đạt gần 25.000 tỷ đồng cho 4.470 khách hàng. |
Về phía Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) Bình Dương, khách hàng được giảm trực tiếp từ 0,5 - 2% lãi suất cho vay đối với hợp đồng cũ và mới tùy thuộc vào từng đối tượng khách hàng vay bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Trong gần 4 tháng qua, ngân hàng này đã có tổng nợ gốc đến hạn 3.560 tỷ đồng, tổng nợ được cơ cấu hoặc gia hạn là 1.410 tỷ đồng. Ngoài ra, BIDV Bình Dương dành nhiều gói tín dụng mới dành cho các đối tượng khách hàng. DN FDI gói tín dụng 20.000 tỷ đồng; DN nhỏ và vừa, siêu nhỏ, DN có hoạt động xuất khẩu… với lãi suất siêu ưu đãi từ 6 - 9%/năm.
Bà Đỗ Thị Mai Tuyền, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Dương (Agribank), cho biết trước khi dịch bệnh Covid-19 lan rộng, đơn vị đã nhanh chóng đề ra 5 giải pháp cụ thể. Trong đó, lưu ý khách hàng hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu, nhà hàng, khách sạn… để kịp thời có giải pháp hỗ trợ phù hợp. Tính đến 19-5, đơn vị đã thực hiện cơ cấu lại thời han trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ với hơn 1.275 tỷ đồng. Ngoài ra, giảm lãi tối đa tương ứng bằng 1%/ năm (đối với VND), 0,5%/năm (đối với ngoại tệ); cho vay mới hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh với con số giải ngân trên 1.311 tỷ đồng.
Không chỉ đưa ra các giải pháp liên quan đến lãi suất, tỷ giá và tín dụng, ngành ngân hàng cũng đẩy mạnh việc miễn, giảm phí, lãi suất tư vấn, hỗ trợ thông tin liên quan thị trường, dự báo tình hình ngành, nghề… Những giải pháp chia sẻ cụ thể trên đã từng bước giúp DN giảm bớt một phần khó khăn.
Tìm giải pháp vốn
Tại Bình Dương tuy đã có nhiều DN được miễn, giảm, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí… nhưng thực tế vẫn còn rất nhiều lời than khó khi tiếp xúc chính sách hỗ trợ tín dụng. Trong khi đó, không chỉ DN mà cả ngân hàng cũng mong muốn sớm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để đôi bên cùng phát triển.
Ông Trần Ngọc Linh, Giám đốc BIDV Bình Dương, chia sẻ về những khoản vay được cơ cấu nợ, gia hạn nợ là những khoản vay chờ doanh thu từ xuất khẩu, khách hàng nước ngoài mà dự báo tình hình thế giới trở lại bình thường như trước dịch có thể là 2 năm hoặc nhiều hơn. Do vậy, sau một chu kỳ kinh doanh hoặc một năm trong số các khoản gia hạn, cơ cấu nợ sẽ khó tránh khỏi tình hình nợ xấu lớn trong những năm tới. Do vậy, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cần xem xét có chính sách về việc khoanh nợ mà không chuyển nhóm nợ.
Về giải pháp, ông Linh cũng cho biết thời gian tới BIDV xác định trọng tâm vẫn tiếp tục đồng hành cùng DN, khách hàng cá nhân thông qua công tác tư vấn chi tiết, rõ ràng từng sản phẩm, dịch vụ; áp dụng các gói tín dụng đến từng đối tượng khách hàng cụ thể để khuyến khích sử dụng vốn; công khai chương trình tín dụng, tinh gọn hơn nữa hồ sơ vay vốn của khách hàng.
Ông Nguyễn Thái Minh Quang nêu tình hình dịch bệnh vẫn khó lường, việc xem xét tái cấp hạn mức tín dụng cho khách hàng cũ và cấp tín dụng cho khách hàng mới trong giai đoạn này gây khó cho tổ chức tín dụng khi đánh giá dòng tiền, nguồn trả nợ. Chia sẻ thêm về những vướng mắc khi thực hiện Thông tư 01, ông Quang cho biết thêm quy định yêu cầu chỉ xem xét cơ cấu nợ đối với khoản giải ngân trước 23-1, khoản giải ngân sau ngày 23-1 với kỳ hạn 4 - 6 tháng, ngày đến hạn từ tháng 5-2020 trở về sau không được cơ cấu nợ, đây là quy định làm khó cho ngân hàng. Vì vậy, ngân hàng mong muốn cho phép được xem xét cơ cấu nợ đối với các khoản giải ngân sau ngày 23-1-2020 bị ảnh hưởng đến nguồn trả nợ để phù hợp thực tế. Thời gian tới, ngân hàng này cũng mạnh tay tung ra các chính sách tín dụng cũng như tháo gỡ các khó khăn về thủ tục vay vốn trong khả năng.
Theo ông Võ Đình Phong, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Bình Dương, thời gian qua hệ thống ngân hàng trên địa bàn đã và đang rất quyết liệt triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, cho khách hàng vay vốn. Các chi nhánh tín dụng đã chủ động rà soát, nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh, mức độ thiệt hại của khách hàng, trong đó quan tâm đến nhóm khách hàng bị ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Từ đó, thực hiện miễn giảm lãi suất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng, ân hạn thời gian trả lãi đối với các khách hàng vay mới; xây dựng kịch bản kinh doanh chi tiết, phân công trách nhiệm cụ thể, bảo đảm hoạt động kinh doanh liên tục, phù hợp với các biện pháp chống dịch.
THANH HỒNG