Ngân hàng tăng tốc “bơm vốn” cho nền kinh tế

Cập nhật: 12-11-2021 | 06:02:14

Dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt, hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã bắt nhịp trở lại. Để đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, nhiều ngân hàng đang tích cực đưa ra nguồn vốn giá rẻ, đón đầu cơ hội khi nhu cầu vay tăng trở lại vào dịp cuối năm.

Tín dụng bắt đầu khởi sắc

Dù chịu tác động không nhỏ của dịch bệnh, hoạt động cho vay của hệ thống ngân hàng trong 9 tháng đầu năm gặp khó nhưng cho thấy có sự tăng trưởng nhất định. Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam - Chi nhánh Bình Dương, tính đến cuối tháng 9-2021, mức tăng tín dụng của ngân hàng thương mại (NHTM) trên toàn địa bàn đạt 245.000 tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm. Tuy mức tăng chưa đạt kỳ vọng nhưng được đánh giá là khá tích cực trong cảnh đối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn bởi dịch bệnh.

Thực tế cho thấy, trong 2 tháng qua người dân, doanh nghiệp (DN) đã lạc quan hơn, hoạt động sản xuất, kinh doanh sau giãn cách khôi phục nhanh, thuận lợi. Tín dụng cũng bắt đầu có sự khởi sắc trở lại, nhiều ngân hàng gia tăng lượng hồ sơ giải ngân cho vay.

Nhằm hỗ trợ khách hàng sản xuất, kinh doanh trở lại sau giãn cách, hệ thống ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh triển khai mạnh các gói tín dụng ưu đãi, lãi suát thấp. Trong ảnh: Tư vấn thủ tục vay vốn tại Ngân hàng Vietcombank - Chi nhánh Bình Dương

Ông Trần Ngọc Linh, Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) - Bình Dương, cho biết sau giãn cách, lãnh đạo ngân hàng họp liên tục với cán bộ phòng tín dụng phụ trách cho vay ở các lĩnh vực DN để tăng tốc cho vay, đáp ứng nhu cầu. “Tăng trưởng tín dụng trong các tháng trước khá chậm do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Hiện đã khả quan hơn, thời điểm đầu tháng 10 vừa qua đã tăng nhẹ, khoảng 1% so với thời điểm cuối tháng 9. Khách hàng liên tục đến giao dịch để giải ngân tín dụng là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế bắt đầu khởi sắc trở lại”, ông Linh nói.

Tương tự, ông Nguyễn Thái Minh Quang, Giám đốc Ngân hàng Vietcombank - Chi nhánh Bình Dương, cho biết: “Đối với nhóm khách hàng DN xuất khẩu, DN vừa và nhỏ, DN dịch vụ, ngoài việc quan tâm tới câu chuyện kinh doanh mùa vụ dịp Tết Nguyên đán 2022 cũng bày tỏ sự lạc quan về khả năng phục hồi kinh tế và diễn biến tích cực hơn của dịch bệnh, cho nên nhu cầu vay vốn để chuẩn bị hàng hóa bắt đầu tăng lên. Đây là chìa khóa cho tăng trưởng tín dụng năm 2021, cần tăng tốc để đạt mục tiêu tín dụng ở mức cao nhất”.

Nắm bắt cơ hội phục hồi

Tại cuộc họp triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh mới đây, lãnh đạo các NHTM đã xác định những lĩnh vực ưu tiên, tập trung triển khai thực hiện trong 3 tháng cuối năm nhằm đạt cao nhất mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 12 - 14% của cả năm 2021. Cụ thể là các giải pháp về tiền tệ, tài khóa, hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho DN, người dân nhất là nhóm bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19 bao gồm các giải pháp khơi thông các nguồn vốn tín dụng, đầu tư và có biện pháp kích cầu tiêu dùng.

Đơn cử, BIDV đang áp dụng gói cho vay “Kết nối - vươn xa”. Theo đó khách hàng được vay với lãi suất chỉ từ 5%/năm với khoản vay kỳ hạn dưới 6 tháng, từ 5,5%/năm đối với khoản vay kỳ hạn 6 - 12 tháng, đối tượng hướng đến là các khách hàng vay vốn sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra với các khách hàng tại khu vực phía Nam, từ nay đến cuối năm BIDV sẽ giảm 0,5 - 1,5% lãi suất cho dư nợ hiện hữu phát sinh đến ngày 15-7-2021 cho các DN, lĩnh vực bị ảnh hưởng dịch bệnh nặng như vận tải, y tế, giáo dục… Gói hỗ trợ cho gói này là 800 tỷ đồng, áp dụng cho tất cả các kỳ hạn vay.

Tại Sacombank - Chi nhánh Bình Dương cũng đang triển khai gói tín dụng ưu đãi 20.000 tỷ đồng để hỗ trợ DN, cá nhân tháo gỡ khó khăn do dịch bệnh, tăng tốc phục hồi sản xuất, kinh doanh. Trong đó, dành 10.000 tỷ đồng cho khách hàng DN vay vốn mở rộng sản xuất, kinh doanh với lãi suất ưu đãi chỉ 4,5%/năm cho kỳ hạn vay đến 3 tháng và 5,5%/năm với thời hạn ưu đãi lên đến 6 tháng. 10.000 tỷ đồng còn lại dành cho khách hàng cá nhân vay vốn sản xuất, kinh doanh, mua/xây sửa bất động sản, tiêu dùng với lãi suất chỉ từ 6,5%/năm, thời hạn ưu đãi lên đến 12 tháng. Khách hàng được thanh toán trước hạn mỗi tháng 100 triệu đồng mà không mất phí…

Không chỉ cho vay sản xuất, kinh doanh, vay tiêu dùng cũng có các gói ưu đãi với lãi suất rất thấp. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết ngân hàng này đang “bơm” 20.000 tỷ đồng cho vay tiêu dùng với lãi suất thấp cho đến hết năm 2021 hoặc đến khi hết quy mô chương trình. Đặc biệt, lãi suất vay chỉ từ 6,5%/năm đến 7%/năm với mức vay tối đa dưới 4 tỷ đồng và thời gian áp dụng lãi suất ưu đãi kéo dài đến 12 tháng kể từ ngày giải ngân. Ngân hàng này hy vọng gói cho vay tín dụng tiêu dùng này sẽ góp phần kích thích tổng cầu, hỗ trợ tăng trưởng và phát triển kinh tế, đồng thời đẩy lùi “tín dụng đen”.

Động thái “bơm” các gói lãi suất ưu đãi với thời hạn áp dụng từ nay đến cuối năm 2021 hoặc đến đầu năm 2022 được cho là để đón đầu nhu cầu tín dụng tăng mạnh khi người dân, DN cần vốn để kinh doanh mùa vụ, đặc biệt là dịp tết.

Lãnh đạo một số NHTM cho biết để đón mùa kinh doanh cao điểm cuối năm, thời gian gần đây các ngân hàng đã có nhiều gói vay ưu đãi với lãi suất rất thấp, áp dụng trong khoảng thời gian nhất định và cho từng phân khúc khách hàng. Thay vì giảm lãi suất cào bằng trên toàn bộ khách hàng, việc thiết kế các gói cho vay với lãi suất thấp sẽ được đánh giá sẽ đem lại hiệu quả cao hơn, đến đúng khách hàng cần hỗ trợ.

THANH HỒNG

Chia sẻ bài viết
Tags
Covid-19

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên