Ngân hàng Thế giới chỉ ra những thách thức đối với kinh tế Việt Nam

Cập nhật: 12-04-2018 | 15:54:25

 

Chế biến thủy sản xuất khẩu tại Khu Công nghiệp Mỹ Tho. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)

Ngày 12/4, Ngân hàng Thế giới công bố Báo cáo Cập nhật Tình hình kinh tế khu vực Đông Á-Thái Bình Dương qua truyền hình có kết nối với Ngân hàng Thế giới tại Hà Nội.

Về triển vọng kinh tế Việt Nam, Báo cáo Cập nhật Tình hình kinh tế khu vực Đông Á-Thái Bình Dương nhận định tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô dự kiến tiếp tục được duy trì bền vững trong trung hạn. Tăng trưởng dự kiến sẽ ổn định xoay quanh 6,5% với khả năng tăng cao hơn ngoài dự kiến trong ngắn hạn, nhất là khi quá trình phục hồi trên toàn cầu vẫn diễn ra.

Mặc dù lạm phát vẫn dự kiến ở mức vừa phải nhờ môi trường giá cả toàn cầu thuận lợi nhưng mức lương tăng mạnh có thể sẽ khiến cho lạm phát lõi tăng lên. Cán cân kinh tế đối ngoại dự kiến vẫn được củng cố nhờ dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và xuất khẩu được duy trì mạnh mẽ.

Báo cáo nhấn mạnh cho dù triển vọng kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn nhìn chung là thuận lợi nhưng vẫn còn những thách thức lớn. Nhìn từ trong nước, cải cách cơ cấu chậm lại có thể làm quá trình phục hồi hiện nay bị suy yếu, làm suy giảm tốc độ tăng trưởng tiềm năng trong trung hạn của Việt Nam. Nhìn từ bên ngoài, độ mở thương mại và mức độ đầu tư nước ngoài khá cao khiến cho nền kinh tế Việt Nam có thể sẽ đối mặt với rủi ro liên quan đến chủ nghĩa bảo hộ có khả năng tăng lên và nhu cầu bền ngoài có khả năng yếu đi.

Những rủi ro đó đỏi hỏi phải có những bước tiếp theo nhằm nâng cao khả năng chống chịu về kinh tế vĩ mô, bao gồm tiếp tục cơ chế điều hành tỷ giá linh hoạt, tăng cường dự trữ ngoại tệ, áp dụng chính sách tiền tệ thận trọng và các cân đối vĩ mô thích hợp với mục tiêu tăng trưởng tín dụng hợp lý và tạo dựng lớp đệm về vốn trong khu vực ngân hàng.

Trong lĩnh vực tài khóa, những cải cách về thu và chi hiện nay cần tiếp tục đi vào chiều sâu, bao gồm mở rộng cơ sở tính thuế, hợp lý hóa bộ máy hành chính công, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công. Các bước nhằm củng cố ổn định kinh tế vĩ mô cần song hành với tiến triển trong cải cách cơ cấu, nâng cao năng suất và tốc độ tăng trưởng tiềm năng, cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước, cải thiện môi trường pháp quy, củng cố thị trường các yếu tố sản xuất, bao gồm thị trường và đất đai.

Theo Báo cáo Cập nhật tình hình kinh tế khu vực Đông Á-Thái Bình Dương, tăng trưởng của các quốc gia đang phát triển ở khu vực Đông Á-Thái Bình Dương dự kiến vẫn mạnh, đạt mức 6,3% trong năm 2018. Viễn cảnh kinh tế tiếp tục phục hồi trên toàn cầu và sức cầu mạnh trong nước là căn cứ để đưa ra triển vọng tích cực trên. Tuy nhiên những rủi ro mới nổi liên quan tới ổn định và tăng trưởng bền vững đòi hỏi các quốc gia phải hết sức lưu tâm.

Báo cáo nhấn mạnh để xử lý rủi ro về ổn định kinh tế vĩ mô, các quốc gia cần cân nhắc thắt chặt chính sách tiền tệ và tiếp tục tăng cường hơn nữa chính sách quản lý vĩ mô. Để xử lý viễn cảnh tăng trưởng chững lại trên toàn khu vực trong trung hạn, các quốc gia cần tìm cách nâng cao tốc độ tăng trưởng tiềm năng trong dài hạn. Các chính sách này bao gồm một loạt các biện pháp nhằm cải thiện chi tiêu công và đầu tư hạ tầng, tăng cường chiều sâu hội nhập thương mại và cải thiện về tạo thuận lợi thương mại, triển khai cải cách nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực.

Trong điều kiện nguy cơ vẫn tiếp diễn với hệ thống thương mại toàn cầu, các quốc gia đang phát triển khu vực Đông Á-Thái Bình Dương cần ứng phó bằng cách tăng cường chiều sâu hội nhập thương mại và tạo thuận lợi thương mại, thông qua các cơ chế như: Cộng đồng Kinh tế ASEAN, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương, Sáng kiến Một vành đai và Một con đường.

Cải thiện năng lực cạnh tranh cũng là vấn đề quan trọng đối với các quốc gia trong khu vực trong quá trình tìm cách điều chỉnh theo những thay đổi đang diễn ra trong bối cảnh sản xuất có sự tiến triển của công nghệ. Cải thiện hiệu quả giáo dục ở trường là ưu tiên của nhiều quốc gia trong khu vực.

Để chắc chắn người dân chưa được đảm bảo an ninh kinh tế không bị bỏ rơi, điều quan trọng là các quốc gia cần tăng cường các chương trình an sinh và trợ giúp xã hội, nâng cao khả năng ứng phó với các cú sốc có tính hệ thống, ứng phó về kinh tế…/. 

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=408
Quay lên trên