Tính đến hết quý III-2017, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may cả nước đạt gần 23 tỷ USD. Dự báo, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may năm 2017 đạt 31 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2016. Tuy nhiên, theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, mặc dù lạc quan về thị trường, đơn hàng vào năm tới nhưng hầu hết doanh nghiệp lại lo lắng về đơn giá, vì hiện nhiều khu vực thị trường đang có xu hướng giảm sẽ tác động đến dệt may Việt Nam trong thời gian tới. Bên cạnh đó, thị trường dệt may thế giới được dự báo sẽ cạnh tranh ngày càng khốc liệt, không chỉ Trung Quốc mà nhiều nước khác như Myanmar, Campuchia… làm gia tăng áp lực lên thị phần với Việt Nam tại những khu vực lớn. Trong khi đó, ngành dệt may của nước ta đang phải đối mặt với nhiều vấn đề như chi phí sản xuất tăng cao, giá trị gia tăng thấp và năng lực cạnh tranh của nhiều doanh nghiệp còn chưa theo kịp với xu hướng hiện nay.
Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng cho biết, hiện Chính phủ và các bộ, ngành đang từng bước tháo gỡ khó khăn, ban hành các cơ chế, chính sách nhằm phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, trong đó có sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của ngành dệt may. Tuy nhiên, muốn hội nhập, các doanh nghiệp cần lựa chọn thiết bị từ các nước công nghiệp tiên tiến, công nghệ mới nhằm tăng dần tỷ lệ nội địa hóa và có thêm nguồn nguyên phụ liệu, chủ động đáp ứng nhu cầu khách mua hàng nước ngoài, góp phần vào việc phát triển ngành dệt may Việt Nam, hội nhập hiệu quả hơn với khu vực và quốc tế...
K.T