Bình Dương hiện có trên 30 làng nghề truyền thống, bao gồm nhiều nhóm nghề. Đây là một lợi thế cho tỉnh trong định hướng phát triển kinh tế nói chung và ngành du lịch nói riêng.
Cần thay đổi cách làm ăn
Trong cuộc khảo sát đề tài “Phát triển du lịch sinh thái và làng nghề truyền thống tỉnh Bình Dương” do trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.Hồ Chí Minh tiến hành tại TP.Thủ Dầu Một vừa qua cho thấy làng nghề Bình Dương đã có nhiều biến động. Cụ thể, số lượng chủ cơ sở sản xuất nhỏ tăng lên (từ 25% lên 60,9%), chủ doanh nghiệp giảm (từ 25% xuống còn 16,7%)… Theo thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Tùng, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.Hồ Chí Minh, sản phẩm làng nghề tại Bình Dương đang được sản xuất theo nhiều hướng khác nhau, nhiều nhất là theo đơn đặt hàng (33,3%), tiếp đến là theo truyền thống gia đình (25%), theo thị hiếu khách hàng (25%), số ít theo tay nghề sáng tạo (8,3%). Qua đó cho thấy, đa phần sản phẩm thủ công mỹ nghệ của các làng nghề tại Bình Dương vẫn chưa theo thị hiếu và nhu cầu thực sự của khách hàng. Các cơ sở sản xuất chủ yếu làm theo kiểu “biết gì làm đó, có gì bán đó”, chưa thể vượt qua dáng dấp của cung cách làm ăn tiểu thủ công nghiệp truyền thống.
Các nghệ nhân trong tỉnh cho rằng, để bảo tồn làng nghề truyền thống cần gắn kết với việc phát triển du lịch. Trong ảnh: Du khách tham quan quy trình sản xuất sản phẩm sơn mài của một cơ sở sản xuất tại phường Định Hòa, TP.Thủ Dầu Một. Ảnh: HOÀNG PHẠM
Trong khi đó, ông Vương Siêu Tín, Giám đốc Công ty Phước Dũ Long (TX.Tân Uyên) cho biết, sự phân hóa của làng nghề truyền thống đang diễn ra rất nhanh. Điều đáng mừng là hơn 50% cơ sở sản xuất ngành nghề truyền thống tại Bình Dương đã mạnh dạn áp dụng khoa học - công nghệ, sử dụng máy móc, trang thiết bị vào một số công đoạn sản xuất, kinh doanh, nhờ vậy đã làm tăng năng suất lao động và gia tăng chất lượng sản phẩm. Những cơ sở, doanh nghiệp mạnh dạn thay đổi đã tìm được thị trường xuất khẩu khá ổn định.
Hiện nay, thị trường tiêu thụ sản phẩm làng nghề truyền thống của Bình Dương khá đa dạng, nhưng vẫn chưa có sự tập trung và định hướng nhất định; trong đó đa số sản phẩm làm ra được tiêu thụ tại chỗ, tiêu thụ tại các tỉnh khác là 25%, xuất khẩu 12,2%. Giải thích cho sự biến động của thị trường các mặt hàng của ngành nghề truyền thống, nhiều nghệ nhân trong tỉnh cho rằng do thị hiếu tiêu dùng đã có sự thay đổi mạnh mẽ, cùng với đó là chịu sự cạnh tranh khốc liệt với sản phẩm cùng chủng loại (nhất là từ Trung Quốc)… Do vậy, để đứng vững trên thị trường, cần có sự thay đổi lớn trước khi làng nghề truyền thống bắt tay với ngành du lịch để cùng phát triển.
Gắn kết với hoạt động du lịch
Nghệ nhân sơn mài Tư Bốn chia sẻ, thời hoàng kim của ngành sơn mài Bình Dương đã qua đi hàng chục năm. Trước đây, Công ty Thanh Lễ tập trung nhiều nghệ nhân tay nghề cao, phân công từng công đoạn cho các gia đình, cơ sở. Công ty đảm nhận vai trò gần như là “lãnh đạo”: tìm kiếm thị trường, lên kế hoạch sản xuất (số lượng) và phân phối đơn hàng về các cơ sở nhỏ. Ông Tư Bốn cho rằng, vấn đề tập trung làng nghề để huy động hết tiềm lực và định hướng phát triển là rất cần thiết. Điều đáng quan tâm chính là phải tìm hiểu, khảo sát xu hướng mới và thị hiếu tiêu dùng của khách hàng đã thay đổi qua hàng chục năm nay. Bên cạnh đó, để vực dậy làng nghề truyền thống, ngành du lịch cần phát huy vai trò cao hơn nữa.
UBND tỉnh đã định hướng phát triển 9 ngành nghề nông thôn, chia thành nhóm nghề truyền thống cần bảo tồn và phát triển như: mây tre đan, mộc gia dụng, sản xuất guốc mộc, chạm khắc gỗ, sơn mài… không để các nghề này mai một và thất truyền. UBND tỉnh cũng đã phê duyệt 12 chương trình, đề án, dự án ưu tiên phát triển một số làng nghề trong giai đoạn tới như: Dự án xây dựng trung tâm bảo tồn và phát triền ngành nghề nông thôn tỉnh Bình Dương; Chương trình gắn kết ngành nghề nông thôn với ngành du lịch, xây dựng các tour du lịch gắn với các điểm tham quan làng nghề truyền thống; Dự án Xây dựng làng nghề mây tre lá ở Phú An - An Điền (TX.Bết Cát); Dự án bảo tồn nghề sản xuất gốm sứ truyền thống ở Hưng Định (TX.Thuận An); Dự án bảo tồn phát triển nghề chạm trổ điêu khắc truyền thống ở Phú Thọ - Chánh Nghĩa (TP.Thủ Dầu Một)…
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, gắn phát triển làng nghề với du lịch được coi là một trong những lợi thế lớn của Bình Dương. Theo đó, sản phẩm của làng nghề sẽ được tiếp cận với nhiều khách du lịch trong và ngoài nước, giải quyết được việc làm và tăng thu nhập cho lao động địa phương, từ đó góp phần phát triển ổn định làng nghề.
Du lịch làng nghề ở Bình Dương có tiềm năng phát triển lớn và đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch tỉnh Bình Dương đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Do đó, việc đầu tư, khai thác và phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù của Bình Dương cần phải được triển khai trong thời gian sớm nhất. Hiện nay, ngoài các làng nghề truyền thống, mà điển hình là làng nghề gốm sứ ở Lái Thiêu (TX.Thuận An), gốm Tân Phước Khánh (TX.Tân Uyên), sơn mài, điêu khắc ở TP.Thủ Dầu Một còn đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần, tham quan các di tích văn hóa, lịch sử trên địa bàn tỉnh...
XUÂN VĨ