Ngành du lịch: Luôn nỗ lực phát triển

Cập nhật: 18-10-2019 | 08:21:53

 Thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều đề án phát triển du lịch. Về vấn đề này, phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Khoa Hải, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

 Sông Sài Gòn đoạn qua tỉnh Bình Dương có nhiều tiềm năng phát triển sinh thái. Ảnh: MINH DUY

 - Xin ông cho biết những lợi thế để ngành du lịch tỉnh nhà phát triển?

- Lợi thế trước hết là trên địa bàn tỉnh có các hồ chứa nước như Dầu Tiếng, Than Thở, Cần Nôm, Đá Bàn, Phước Hòa… Những nơi này có thể đầu tư khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi, giải trí, các hoạt động thể thao. Bên cạnh đó, hệ thống các sông như Sài Gòn, Đồng Nai, Thị Tính… có lợi thế lớn để tỉnh phát triển du lịch sinh thái. Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh có vườn cây ăn trái Lái Thiêu (TX.Thuận An), vườn cây ăn trái Thanh Tuyền (huyện Dầu Tiếng), vườn bưởi Bạch Đằng (TX.Tân Uyên), vườn cam, quýt (huyện Bắc Tân Uyên)… để phát triển các loại hình du lịch sinh thái, miệt vườn, du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần, tour du lịch sông nước…

Bên cạnh đó, Bình Dương có núi Cậu, núi Châu Thới cảnh quan đẹp và có giá trị văn hóa, lịch sử, tôn giáo, nhiều thuận lợi để phát triển loại hình du lịch tâm linh. Hiện toàn tỉnh có 59 di tích lịch sử, văn hóa đã được xếp hạng, trong đó có 13 di tích cấp quốc gia, 46 di tích cấp tỉnh; một số di tích đã được khai thác phục vụ du khách đến tham quan.

- Qua các đợt khảo sát tour, các chuyên gia, đơn vị lữ hành cho rằng tiềm năng phát triển du lịch của tỉnh là rất lớn, nhưng địa phương vẫn chưa tạo ra chuỗi liên kết để tạo nên những sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

- Trong những năm qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký kết các văn bản, chương trình hợp tác phát triển du lịch giữa Bình Dương và nhiều tỉnh, thành. Tuy vậy, dù đạt được những kết quả đáng ghi nhận song nhìn nhận theo cách khách quan có thể thấy sự hợp tác, liên kết phát triển du lịch của Bình Dương với các tỉnh, thành trong khu vực thời gian qua cũng mới chỉ tập trung vào công tác quảng bá xúc tiến, trao đổi học tập kinh nghiệm quản lý. Trong khi đó, những vấn đề quan trọng như xây dựng sản phẩm du lịch nổi bật, phát triển nguồn nhân lực vẫn chưa được chú trọng đúng mức.

Việc xác định thị trường trọng điểm vẫn có những bất đồng do lợi thế, sản phẩm khác biệt giữa mỗi địa phương cũng như nguồn lực kinh phí không đồng đều.

- Hiện nay, du lịch đường sông được xem là “viên ngọc quý” của du lịch tỉnh, song nhiều người cho rằng nó chưa được “chăm chút, mài giũa” nên chưa thể phát huy giá trị. Về phía sở đã có giải pháp gì để du lịch đường sông khai thác hiệu quả thế mạnh địa phương đang có?

- Bình Dương có 4 con sông lớn chảy qua (gồm các sông Sài Gòn, Đồng Nai, sông Bé, Thị Tính). Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Sở Du lịch TP.Hồ Chí Minh và các công ty lữ hành tổ chức khảo sát tuyến du lịch tầm trung (tuyến Sài Gòn - Bình Dương - Củ Chi) với chiều dài 80km. Tuyến du lịch này có rất nhiều điểm đến, điểm dừng chân khu vực ven sông và gần sông Sài Gòn, như trên địa bàn Bình Dương có Nhà hàng Dìn Ký - Chi nhánh Bình Nhâm (TX. Thuận An); TP.Thủ Dầu Một có nhà cổ Trần Văn Hổ, Trần Công Vàng, chùa Hội Khánh, Làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp, Khu du lịch Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến…

UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch phát triển tuyến và các sản phẩm du lịch đường sông trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đồng thời, với việc cầu Bình Lợi và cầu Phú Long được nâng cao và dỡ bỏ là điều kiện thuận lợi để tỉnh khai thác những lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, các vườn cây ăn trái ven sông kết hợp khai thác các di sản văn hóa, làng nghề truyền thống phục vụ du khách đến bằng đường sông; hình thành các sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn đáp ứng nhu cầu tham quan, vui chơi giải trí của du khách.

- Để phát triển ngành du lịch trong thời gian tới, ngành đã có những giải pháp gì, thưa ông?

- Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16-1-2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để du lịch tỉnh nhà từng bước phát triển thành ngành kinh tế quan trọng trong thời gian tới là cần đổi mới nhận thức về phát triển du lịch.

Bên cạnh đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch luôn xác định rõ du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa cao và có tính nhân văn sâu sắc, có khả năng đóng góp lớn vào phát triển kinh tế, tạo nhiều việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tạo động lực cho các ngành, lĩnh vực khác phát triển. Chính vì vậy, sở chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, hình thành một số sản phẩm du lịch đặc thù để phát triển bền vững; ưu tiên phát triển các sản phẩm dịch vụ có chất lượng cao, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch để phục vụ du khách tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Sở cũng tập trung khai thác và phát triển sản phẩm như du lịch sinh thái vườn, du lịch ven sông, du lịch văn hóa - tâm linh, tín ngưỡng, khai thác sản phẩm làng nghề truyền thống, du lịch cộng đồng…

Cùng với đó, sở quan tâm đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực du lịch, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng dân cư phát triển du lịch. Sở cũng khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, sản phẩm du lịch phù hợp để phục vụ du khách, phấn đấu đưa ngành du lịch tỉnh nhà phát triển bền vững.

- Xin cám ơn ông!

MINH DUY (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=334
Quay lên trên