Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Đặng Thành Sang (bìa trái) trao giải thưởng cho các giáo viên đoạt giải tại hội thi “Giáo viên giỏi giải thưởng Võ Minh Đức” năm học 2012-2013
Theo ông Nguyễn Văn Kim, Chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục, hưởng ứng CVĐ trên, các trường tham mưu cho cấp ủy Đảng và phối hợp với các đoàn thể, gắn với CVĐ xây dựng chỉnh đốn Đảng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phong trào thi đua yêu nước. Trọng tâm của CVĐ là thi đua “Dạy tốt - học tốt” gắn với CVĐ “Hai không” và phương châm “Dạy thật, học thật, thi thật, chất lượng thật”. Thực hiện “Kỷ cương - tình thương - trách nhiệm” gắn với việc nâng cao phẩm chất đạo đức, năng lực và trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ nhà giáo.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, các đơn vị đưa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thành những hoạt động thường xuyên của chi bộ và của toàn thể nhà trường như: Viết bài thu hoạch, đăng ký việc làm cụ thể trong lĩnh vực được phân công. Từ đó gắn kết quả học tập và làm theo gương Bác và CVĐ “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” với việc đánh giá xếp loại hàng năm của cán bộ, đảng viên và xếp loại cán bộ, giáo viên, nhân viên của nhà trường.
Trong quá trình triển khai thực hiện, các trường có sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo phù hợp với đặc điểm của từng trường. Thầy Trần Văn Hai, Hiệu trưởng trường THPT Dĩ An cho biết, nhà trường đã tổ chức cho cán bộ, giáo viên, công nhân viên kể chuyện về tấm gương của Bác thông qua các tư liệu lịch sử và tham gia các cuộc thi tìm hiểu tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh do địa phương phát động. Trong khi đó, Chi bộ trường THPT Tân Bình (Tân Uyên) phối hợp với chính quyền và công đoàn tổ chức nhiều chuyên đề như: Kể chuyện về Bác, thi hát karaoke với nội dung ca ngợi Đảng, Bác Hồ, thi TDTT rèn luyện thân thể theo lời Bác. Đối với ngành GD-ĐT huyện Dầu Tiếng, trong các cuộc họp hàng tháng, các đơn vị đều nhắc nhở cán bộ, giáo viên, công đoàn viên thực hiện tốt theo tinh thần nội dung cụ thể của CVĐ. Các đơn vị đưa vào đánh giá xếp loại thi đua cuối năm của từng cá nhân, đơn vị, bảo đảm gắn kết yêu cầu 2 CVĐ trên với nội dung tích cực đổi mới quản lý, phương pháp giảng dạy và học tập; chống các hiện tượng tiêu cực trong vi phạm nội quy, quy chế thi cử, chạy trường, quản lý dạy thêm, học thêm.
Ông Nguyễn Văn Kim đã đánh giá, qua 2 năm triển khai thực hiện CVĐ, cán bộ, giáo viên, công đoàn viên đã chuyển biến về nhận thức, tinh thần và hành động. Đội ngũ nhà giáo yêu ngành, yêu nghề, yên tâm công tác, thương yêu học sinh, tận tâm, tận tụy trong giảng dạy. Trong xã hội phát triển như ngày nay, đòi hỏi mỗi cá nhân luôn trau dồi kiến thức, đối với nghề giáo việc học càng trở nên cần thiết. Ý thức được trách nhiệm với xã hội, các nhà giáo không ngừng học tập để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, chính trị, ngoại ngữ và tin học. Qua 2 năm có trên 4.000 lượt người tham gia các lớp học tập, bồi dưỡng. Không chỉ tích cực tham gia học tập mà đội ngũ nhà giáo tỉnh nhà còn thể hiện tính sáng tạo trong giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng GD-ĐT. Cô Lưu Hải Yến, giáo viên trường Tiểu học Đông Hòa (TX.Dĩ An) tâm sự: “Ý thức được trách nhiệm của người thầy, tôi cố gắng trau dồi nghiệp vụ, kinh nghiệm, cập nhật thông tin để truyền thụ kiến thức cho học sinh chính xác nhất, phong phú nhất. Trong quá trình giảng dạy phải có sự sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy nhằm phát huy tính chủ động sáng tạo của học sinh”.
A.SÁNG