Các doanh nghiệp (DN) giày da đề xuất cần được hỗ trợ để nhanh chóng cải thiện và minh bạch thông tin chuỗi cung ứng sản phẩm, hướng đến kinh tế tuần hoàn, có trách nhiệm với xã hội và môi trường.
Sản xuất tại Công ty Cổ phần đầu tư Thái Bình
“Nút thắt” về nguyên, phụ liệu
Theo ông Nguyễn Quang Vũ, Chủ tịch Hiệp hội Giày da túi xách tỉnh, ngành da giày đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn. Trong đó, khó khăn lớn nhất là nút thắt về chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu. Hiện nay, các quốc gia nhập khẩu giày dép lớn đưa ra hàng loạt yêu cầu mới, các sản phẩm có trách nhiệm về xã hội và môi trường ngày càng cao. Điển hình như thị trường EU đã bắt đầu đưa ra các yêu cầu mới về an toàn sinh thái, bền vững. Theo đó, nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm về vòng đời sản phẩm, phải tái chế sản phẩm; thẩm định chuỗi cung ứng bền vững với các DN có doanh số 450 triệu euro và trên 1.000 lao động; vấn đề truy xuất nguồn gốc, minh bạch chuỗi cung ứng. Nếu nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài, các DN sẽ phải minh bạch toàn bộ quá trình sản xuất.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần đầu tư Thái Bình (TBS), Chủ tịch Hiệp hội Da giày - túi xách Việt Nam (Lefaso), cho biết ngành da giày đang đứng trước những cơ hội lớn từ các hiệp định thương mại (FTA) đã ký nhưng việc có thể tận dụng được hay không cần phải phát triển công nghiệp hỗ trợ, nguyên phụ liệu trong nước. Hiện TBS đã có Trung tâm Nghiên cứu phát triển văn phòng túi xách TBS Group và đang đề xuất xây dựng trung tâm giao dịch nguyên phụ liệu.
Việt Nam là nước sản xuất giày dép đứng thứ 3 trên thế giới, sau Trung Quốc và Ấn Độ. Ngành da giày Việt Nam có tổng cộng 129 DN đầu tư vào sản xuất nguyên liệu, nhưng chỉ có khoảng 20 DN trong nước đủ khả năng cung ứng nguyên phụ liệu cao cấp. Các chủng loại nguyên phụ liệu được sản xuất trong nước có chất lượng tốt, đủ tiêu chuẩn cho sản xuất hàng xuất khẩu.
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng Thư ký Lefaso, cho biết: “So với trước đây, tỷ lệ nội địa hóa của ngành đã đạt mức trung bình (55%), cá biệt có những mặt hàng như giày thể thao đã chủ động được 70- 80%, giày vải gần như 100% nguyên phụ liệu trong nước. Việc có quá ít DN đủ khả năng cung ứng nguồn nguyên liệu gây khó khăn cho những nhà sản xuất da giày trong việc đáp ứng đơn hàng và nguồn nguyên liệu. Điều này kéo theo tỷ lệ nội địa hóa thấp, trở thành rào cản của ngành da giày khi tiếp cận các thị trường có yêu cầu cao”.
Các DN ngành giày da đã đề xuất Nhà nước hỗ trợ hình thành các khu công nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ chuyên biệt cho ngành da giày, tập trung sản xuất da thuộc, vải kỹ thuật, phụ kiện làm khuôn, đế… thuận tiện cho bảo vệ môi trường và tổ chức sản xuất tập trung, phát triển công nghiệp phụ trợ với các cơ chế, chính sách thích hợp. Hơn nữa, xuất phát điểm các DN sản xuất các sản phẩm phụ trợ còn thấp, năng lực yếu, hầu như chưa đủ sức đáp ứng những đơn hàng quá lớn cũng là nút thắt về nguyên phụ liệu cần giải quyết.
Trước tình hình trên, tại buổi làm việc với TBS vào cuối tháng 4 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo các ngành cần phân tích nhu cầu cấp bách của ngành da giày và dệt may để nâng cao tính chủ động nguồn nguyên phụ liệu nhằm phát triển bền vững.
Giải pháp thích ứng
Bà Phan Thị Thanh Xuân cho hay giày dép là ngành được đánh giá trong quá trình sản xuất gây ra phát thải lớn, EU lại là thị trường xuất khẩu đạt 6 tỷ euro mỗi năm của Việt Nam. Do vậy, trong giai đoạn tới, ngành da giày Việt Nam cần thiết phải thay đổi để thích ứng với quy định này.
Với 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết, Việt Nam tiếp cận và thiết lập quan hệ thương mại với gần 230 thị trường. Vì vậy, chính sách thay đổi của thị trường nhập khẩu sẽ có tác động mạnh mẽ tới các DN trong ngành da giày”. (Bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng Thư ký Lefaso) |
Bên cạnh đó, đối với việc sửa đổi bổ sung Điều 35 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP về xuất nhập khẩu tại chỗ, trong đó Tổng cục Hải quan đưa ra đề xuất sẽ bãi bỏ khoản 1 mục c Điều 35: “Hàng hóa mua bán giữa DN Việt Nam với tổ chức, cá nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam và được thương nhân nước ngoài chỉ định giao, nhận hàng hóa với DN khác tại Việt Nam”, Lefaso đã có công văn góp ý gửi Tổng cục Hải quan đề nghị xem xét chưa thay đổi bởi có thể gây nên những khó khăn mới cho DN.
Theo thống kê của Lefaso, quý I-2024 xuất khẩu toàn ngành đã đạt 5,6 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ. Về thị trường xuất khẩu, 5 thị trường Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc chiếm 80% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tại Bình Dương, kim ngạch xuất khẩu da giày 3 tháng đầu năm 2024 đạt gần 420 triệu USD, tăng 11,3% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 5,3 kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Đặc biệt, da giày là ngành tận dụng tốt các FTA.
TIỂU MY