Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ cả nước trong năm 2016 đạt 7,3 tỷ USD, tăng 1% so với năm 2015; trong đó Bình Dương tiếp tục đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ của cả nước với mức tăng trưởng 5%. Theo đánh giá, ngành gỗ tỉnh nhà còn rất nhiều tiềm năng để mở rộng thị phần trong thời gian tới.
“Phủ sóng” EU
Lãnh đạo Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA) cho biết, sau khi ký kết thành công Hiệp định Đối tác tự nguyện (VPA) thuộc Chương trình Thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (FLEGT, gọi tắt là VPA/FLEGT) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU), ngành gỗ cả nước có nhiều cơ hội mở rộng thị phần. Trước đây, sản phẩm gỗ của Việt Nam vào EU chủ yếu ở 5 quốc gia Anh, Pháp, Đức, Italia và Tây Ban Nha; trong khi đó nhu cầu nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của EU bình quân mỗi năm đạt gần 90 tỷ USD. Năm 2016, xuất khẩu gỗ của cả nước vào thị trường EU chỉ đạt gần 700 triệu USD; riêng ngành gỗ của Bình Dương chiếm tới 40% giá trị xuất khẩu vào thị trường này.
Ngành gỗ của Bình Dương có nhiều tiềm năng để mở rộng thị trường xuất khẩu. Trong ảnh: Sản xuất gỗ xuất khẩu tại một công ty chế biến gỗ ở TX.Tân Uyên. Ảnh: XUÂN VĨ
Theo BIFA, nếu các doanh nghiệp (DN) gỗ của Bình Dương học được cách quản trị của các nước EU thì sẽ phát triển tốt hơn, chất lượng sản phẩm cũng như doanh thu sẽ cao hơn. Điều các DN gỗ trong tỉnh cần lưu ý chính là thực hiện cam kết nói không với nguồn gốc gỗ bất hợp pháp. Hiện các nước EU đang cần những sản phẩm gỗ nội thất (bàn, ghế, giường, tủ...) và sản phẩm gỗ sân vườn, ngoài trời, các DN cần khai thác triệt để dòng sản phẩm này để tăng giá trị xuất khẩu.
Lãnh đạo một DN gỗ ở TX.Tân Uyên cho hay, từ năm 2013 đến nay chưa có lô hàng nào của công ty xuất khẩu sang thị trường EU bị đối tác trả lại. Những vấn đề như nguồn gốc nguyên liệu, mức thuế ra sao… các DN Bình Dương đã quá quen thuộc. Đây là lợi thế lớn của ngành gỗ trong tỉnh khi vào thị trường EU, nếu các DN phấn đấu thực hiện đúng cam kết VPA/FLEGT thì tiềm năng mở rộng thị phần tại EU sẽ tăng lên rất nhiều. Cũng theo vị này, các sản phẩm gỗ xuất khẩu đều có khả năng tăng trưởng mạnh trong năm 2017. Riêng đối với gỗ nguyên liệu thô sẽ giảm mạnh giá trị xuất khẩu, nhưng đó lại là điều tích cực cho ngành gỗ cả nước. Khi đó, nguồn nguyên liệu trong nước sẽ dồi dào hơn và các DN sẽ tăng cường nâng cao chất lượng, tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm gỗ…
Khai thác thị trường mới
Theo BIFA, trong năm qua, thị trường xuất khẩu gỗ lớn nhất của các DN Bình Dương là Mỹ chiếm 40%, kế tiếp là Trung Quốc 30%, EU 20%. Thị trường mới của các DN gỗ trong tỉnh là châu Phi, các nước Ả-rập… tuy chỉ đóng góp khoảng 10% giá trị xuất khẩu nhưng trong tương lai đây là thị trường đầy tiềm năng. Để khai thác tốt thị trường mới này, các DN gỗ Bình Dương cần đa dạng thị trường xuất khẩu, không nên lệ thuộc quá nhiều vào một khu vực nhất định.
Ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến gỗ và lâm sản Việt Nam cho rằng, trong năm 2017, nâng cao giá trị xuất khẩu gỗ vẫn là mục tiêu hàng đầu của ngành gỗ trong nước; trong đó phát triển thị trường mới là một trong những ưu tiên hàng đầu của ngành. Sự bất ổn từ thị trường Trung Quốc và EU thời gian qua cho thấy, không thể phụ thuộc quá lớn vào một, hai thị trường đơn lẻ, cho dù thị trường đó có lớn đến đâu đi nữa.
Ông Lưu Phước Lộc, Giám đốc Công ty Xuất khẩu gỗ Mtrade (TX.Dĩ An) cho biết, dự kiến trong năm 2017, xuất khẩu của công ty sang thị trường Nhật Bản chỉ tăng trưởng 1%, những năm tiếp theo có xu hướng giảm dần; còn thị trường Hàn Quốc cho thấy tiềm năng lớn bởi mức tăng trưởng khá trong một vài năm gần đây. Các thị trường mới từ Trung Đông, Brazil, Chile… bắt đầu quen với tên tuổi và uy tín của ngành gỗ Bình Dương. Đây là điều các DN phải quan tâm trong chiến lược củng cố thị trường truyền thống và phát triển thị trường mới. Ông Gleen B.Maguire, chuyên gia kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương thì khẳng định, kinh tế Việt Nam là ánh sáng hiếm hoi trong bức tranh ảm đạm của hầu hết nền kinh tế mới nổi. Sự đa dạng hóa các ngành hàng xuất khẩu, trong đó có ngành gỗ, từ những sản phẩm truyền thống sang các mặt hàng có giá trị gia tăng cao và hàm lượng công nghệ cao… sẽ tạo sức bật, sức bền cho nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.
Ngành gỗ đang xếp thứ 7 về kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Ngành gỗ của Bình Dương cũng đang phát triển mạnh, năm 2017 được kỳ vọng sẽ tiếp tục đóng góp quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh nhà.
XUÂN VĨ