Ngành gỗ nỗ lực thích ứng với thị trường

Cập nhật: 17-08-2020 | 08:21:45

Cùng với nỗ lực khôi phục sản xuất, tái cấu trúc hệ thống theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất và quản lý, ngành gỗ Bình Dương đang hoạch định những chiến lược bền vững nhằm phát triển thị trường.

 

Sản xuất ván ép tại Công ty Long Việt, TP.Dĩ An

 Bám sát thị trường

Ngành sản xuất, chế biến sản phẩm gỗ của Bình Dương đang chiếm giá trị kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của ngành gỗ cả nước. Toàn tỉnh hiện có 1.600 doanh nghiệp (DN) hoạt động trong ngành gỗ (chiếm 40% số DN gỗ cả nước). Từ đầu năm đến nay, dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, xuất khẩu gỗ, song các DN vẫn có nhiều nỗ lực để duy trì tăng trưởng. Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ của tỉnh 6 tháng đầu năm ước đạt trên 1,7 tỷ USD, tăng 0,6% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 14,5% tổng kim ngạch xuất khẩu, tỷ trọng cao nhất trong tổng kim ngạch xuất khẩu cả tỉnh.

Hiện nay, ngành gỗ trong tỉnh đang đẩy mạnh việc tái cơ cấu sản xuất, hệ thống quản lý để đón cơ hội từ thị trường. Trước mắt, với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), các DN kỳ vọng EU sẽ là một “cánh cửa sáng” đáng tin cậy đối với ngành gỗ. Tuy nhiên, các DN trong tỉnh lưu ý cần chuẩn bị rất nhiều điều kiện để thiết lập mối quan hệ làm ăn với EU. Muốn làm ăn lâu dài với đối tác châu Âu phải thường xuyên thay đổi mẫu mã sản phẩm để phù hợp với thị hiếu của họ. Để đáp ứng được tiêu chuẩn tại thị trường này, ngoài yếu tố giá cả, mẫu mã, DN phải có năng lực sản xuất. Hiện nay, châu Âu đang đặt vấn đề quy chuẩn cao cho sản phẩm họ sử dụng. Khách hàng phải biết nguồn gốc sản phẩm, nguyên liệu do ai làm ra, tiêu chuẩn lao động ra sao…

Ông Phan Thế Hải, Giám đốc Công ty Triệu Phú Lộc (TX.Tân Uyên), cho biết châu Âu là thị trường tiềm năng, có sự ổn định về kinh tế, mang lại giá trị cao cho các dòng hàng nhưng lại có những tiêu chuẩn rất nghiêm ngặt. Để chuẩn bị cho thị trường này, đầu năm 2020, Công ty Triệu Phú Lộc đã xây dựng một nhà máy có 60% các dòng hàng xuất đi châu Âu. Mục tiêu của công ty đến năm 2021 sẽ đáp ứng 80% công suất phục vụ thị trường EU.

Theo ông Phan Thành Vững, Giám đốc Công ty Việt Âu (KCN Nam Tân Uyên), tín hiệu đáng mừng là khi tình hình dịch bệnh giảm bớt căng thẳng đã có một số khách hàng truyền thống quay lại cùng với một số khách hàng mới từ châu Âu. Hiện nay, DN đã chủ động nguồn nguyên liệu, nhân công để nắm lấy cơ hội hợp tác khi EVFTA có hiệu lực. Tuy nhiên, việc tuân thủ các cam kết khắt khe từ EVFTA là “gánh nặng” rất lớn về thương mại, hàng rào kỹ thuật, quy tắc xuất xứ, môi trường, lao động…

Nắm bắt xu hướng mới

Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), một điều đáng chú ý về thị trường hiện nay là tuy sản lượng nội thất xuất khẩu bị giảm mạnh nhưng nhu cầu của các mặt hàng như plywood, ván ép lại có xu hướng tăng. Ảnh hưởng cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, dẫn đến việc các nhà sản xuất tìm kiếm nguồn cung cấp mới tại thị trường Việt Nam.

Ông Nguyễn Phúc, Phó Chủ tịch BIFA, cho biết hiện nay nhu cầu gỗ keo đối với đối tác là rất lớn, do gỗ keo phục vụ được cho cả 4 lĩnh vực: Nội thất, plywood, MDF và làm viên nén. Ngoài ra, keo cũng là loại cây trồng rất phù hợp với thổ nhưỡng Việt Nam. Vì thế, các DN có nhu cầu lớn về nguồn cung cấp gỗ và rừng trồng, đặc biệt là keo và cao su. “Nếu muốn đưa ngành chế biến gỗ trở thành ngành công nghiệp chủ lực, cần có sự quan tâm của các cơ quan Nhà nước và các nhà khoa học để nghiên cứu, đưa ra giống cây trồng hiệu quả nhất, có định hướng cụ thể cho việc trồng và khai thác rừng để phục vụ cho ngành chế biến gỗ”.

Ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch BIFA cho rằng, với xu hướng thương mại điện tử, cộng đồng DN ngành gỗ Bình Dương đang bị chậm hơn các nước khác 1 - 2 năm. Việc giảm số lượng các cửa hàng trực tiếp, tăng số lượng các cửa hàng trực tuyến, tham gia vào các mạng lưới thương mại điện tử sẽ là khuynh hướng tất yếu đối với các DN. Hiện hình thức này chiếm hơn 50% số đơn hàng của các DN gỗ trên địa bàn tỉnh.

 Để bảo đảm mức tăng trưởng dương cho ngành chế biến gỗ, BIFA đề xuất với các cấp chính quyền nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng tốc sản xuất, như: Chính sách giảm thuế đất, thuế thu nhập doanh nghiệp; các ngân hàng thương mại giảm lãi suất về mức 2%, giãn thời gian hoàn thành các khoản nợ đáo hạn; tạm ngưng đóng các khoản bảo hiểm; vận động công nhân nghỉ không lương… để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp khi sản xuất bị ngừng trệ trong thời gian dịch bệnh.

 TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=842
Quay lên trên