Ngành ngân hàng: Ưu tiên nâng cao chất lượng tín dụng

Cập nhật: 06-06-2019 | 07:55:35

Trong 5 tháng đầu năm 2019, tăng trưởng tín dụng trên địa bàn tỉnh đạt mức độ tăng vừa phải so với cùng kỳ năm trước. Mục tiêu của hệ thống ngân hàng hiện nay là tập trung ưu tiên nâng cao chất lượng an toàn tín dụng.

 Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phát triển nhà TP.Hồ Chí Minh Chi nhánh Bình Dương. Ảnh: THANH HỒNG

 Đưa dòng vốn vào lĩnh vực ưu tiên

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết mục tiêu tăng trưởng tín dụng hệ thống ngân hàng trong năm nay là 18%. Tính đến 17-4, tín dụng hệ thống ngân hàng tăng 3,23% so với đầu năm. Tại Bình Dương, tính đến cuối tháng 5, tín dụng ước đạt 180.575 tỷ đồng, tăng 2,71% so với đầu năm. Về tín dụng phục vụ người vay, toàn ngành ngân hàng ưu tiên vào 5 lĩnh vực ưu tiên gồm tam nông, doanh nghiệp nhỏ và vừa, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, ứng dụng công nghệ cao.

Đối với mức lãi suất cho vay, hiện mặt bằng lãi suất cho vay VND phổ biến ở mức 6,0 - 9,0%/ năm đối với ngắn hạn, 9,0 - 11%/ năm đối với trung và dài hạn. Lãi suất cho vay USD hiện phổ biến ở mức 2,8 - 6,0%/năm.

Theo ông Võ Đình Phong, Giám đốc của NHNN Chi nhánh Bình Dương, để có mức cho vay như trên các ngân hàng đã đẩy mạnh triển khai các giải pháp huy động vốn. Ông Phong đánh giá, con số tăng trưởng tín dụng trên cho thấy dòng chảy tín dụng phản ánh những giải pháp của NHNN vừa đúng và trúng với chủ trương của Chính phủ. Mức độ tăng trưởng huy động và tín dụng của những tháng đầu năm 2019 là hợp lý. Quan trọng là dòng chảy tín dụng hướng vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, đồng thời kiểm soát các lĩnh vực tín dụng tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán…

Kiểm soát chất lượng tín dụng

Ghi nhận cho thấy, hiện chất lượng tín dụng đang được các ngân hàng kiểm soát khá tốt; có những ngân hàng tăng trưởng tín dụng khá cao như Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển (BIDV) Chi nhánh Bình Dương, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương (Vietcombank) Chi nhánh Bình Dương…

Tuy vậy, nhìn chung là các ngân hàng tăng tín dụng thận trọng hơn trước. Điều đó một phần cũng do định hướng kiểm soát chặt tín dụng của NHNN so với những năm trước đây. Định hướng này nhận được sự đồng tình của giới chuyên môn. Bởi thực tế, khi quy mô dư nợ trong nền kinh tế ngày càng tăng cao, nếu tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm sau cao hơn năm trước thì con số tăng tuyệt đối cao hơn rất nhiều; nếu không kiểm soát tốt dòng vốn thì rất có thể lượng tiền chảy vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Do vậy, cũng như mọi năm, NHNN giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng tổ chức tín dụng, nhưng điểm khác trong năm nay là NHNN ưu tiên chỉ tiêu ở mức cao hơn đối với các tổ chức tín dụng thực hiện trước hạn các quy định về tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN của NHNN.

Ông Trần Ngọc Linh, Giám đốc BIDV Chi nhánh Bình Dương, cho biết mục tiêu của ngân hàng là tăng chất lượng tín dụng chứ không chạy theo số lượng tín dụng. Do vậy, mức độ tăng như thế nào phải tính toán dựa trên mức độ rủi ro, bảo đảm an toàn hoạt động của ngân hàng chứ không tăng “nóng” được.

Lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại cho hay, tuy có những yếu tố khống chế mức tăng trưởng tín dụng khách quan nhưng về phía chủ quan, bản thân các ngân hàng cũng không mấy mặn mà với việc đẩy tín dụng tăng cao khi mà thời hạn phải áp dụng chuẩn Basel II (phiên bản thứ hai của Hiệp ước Basel, trong đó đưa ra các nguyên tắc chung và các chuẩn mực của Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng) đã cận kề. Với những yêu cầu khắt khe về an toàn vốn theo chuẩn Basel II đòi hỏi hoặc là các nhà băng phải tăng thêm vốn tự có hoặc phải cơ cấu lại, thậm chí là phải thu hẹp quy mô tổng tài sản, do vậy việc đẩy mạnh cho vay không phải là chủ trương của các ngân hàng hiện nay.

Qua phân tích tình hình kinh tế vĩ mô, đại diện NHNN cho biết áp lực lạm phát trong năm 2019 lớn hơn năm 2018. Dù lạm phát được cho là đang được kiểm soát tốt trong những tháng đầu năm, tuy nhiên việc giá điện tăng mạnh tới 8,36%, giá xăng liên tục tăng mạnh, giá gas cũng tăng khiến áp lực lạm phát lớn dần nên ngân hàng vẫn phải thận trọng với mục tiêu kiểm soát lạm phát của năm nay.

Theo các chuyên gia ngân hàng, từ nay đến cuối năm giá các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu có xu hướng biến động khó lường, khó dự báo. Thêm vào đó, một số mặt hàng do Nhà nước định giá đang trong quá trình rà soát, đánh giá, xem xét điều chỉnh theo lộ trình. Cùng với đó, việc điều hành giá được dự báo sẽ gặp nhiều thách thức khi có nhiều yếu tố biến động bất thường do thiên tai, bão lũ cũng như rủi ro về thị trường và biến động địa chính trị, tài chính quốc tế có thể xảy ra.

Tại Bình Dương, ông Phong cho biết hiện NHNN tiếp tục thực hiện chính sách kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng gắn liền với kiểm soát cung tiền như năm 2018, nhất là trong điều kiện năm nay được dự báo còn nhiều khó khăn hơn năm 2018 vì kinh tế toàn cầu không khả quan. Ông Phong chia sẻ, dù sức ép như thế nào đi nữa cơ quan điều hành đều thể hiện sự linh họat, phù hợp cơ chế thị trường và tính chuyên nghiệp cao hơn trong quản trị tiền tệ để chính sách tiền tệ tiếp tục có một năm an toàn, chất lượng.

 Tính đến 31-5, nợ xấu ngành ngân hàng tại Bình Dương là 992 tỷ đồng, chiếm 0,55% trên tổng dư nợ; riêng trong tháng 5 nợ xấu đã giảm 3,62% so với tháng trước. Các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh tích cực tập trung nguồn lực tài chính, xử lý nợ xấu - kiểm soát nợ xấu dưới 3%. Đặc biệt, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã và đang kiểm soát chặt chẽ và nâng cao chất lượng tín dụng vào những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như khách hàng lớn, bất động sản, kinh doanh chứng khoán.

 THANH HỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=568
Quay lên trên