Ngành nông nghiệp chủ động nguồn cung nông sản, thực phẩm

Cập nhật: 05-01-2023 | 08:59:22

Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 dự kiến nhu cầu tiêu thụ hàng hóa, nông sản sẽ tăng và khá cấp tập trong một giai đoạn ngắn. Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành chức năng, dịp tết năm nay sẽ cơ bản bảo đảm nguồn cung nông sản, thực phẩm cho thị trường và dự báo giá cả ít biến động.

 Ngành nông nghiệp tỉnh chủ động để bảo đảm cung ứng nông sản, thực phẩm cho thị trường. Trong ảnh: Chăn nuôi công nghệ cao, an toàn sinh học tại một trang trại ở Phú Giáo

 Nguồn cung dồi dào

Thông tin về khả năng cung ứng nông sản của tỉnh Bình Dương trong dịp cuối tết và những tháng đầu năm 2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết hiện nay, đối với sản phẩm rau củ quả, trái cây tươi… các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân trên địa bàn tỉnh đang đẩy mạnh sản xuất, chăm sóc cây trồng, đàn vật nuôi để kịp thời cung cấp ra thị trường phục vụ tết. Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khẳng định sẽ bảo đảm nguồn cung hàng hóa nông sản, thực phẩm trong dịp tết cho người dân trên địa bàn, đồng thời cung ứng cho các tỉnh, thành lân cận có mức tiêu thụ cao, với mức giá không biến động nhiều.

Trong năm 2022, công tác bảo đảm an toàn dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được kiểm soát tốt, nên tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phát triển tốt và ổn định. Ông Trần Phú Cường, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, cho biết với các sản phẩm chăn nuôi, tổng đàn heo của tỉnh hơn 13 triệu con, khả năng cung ứng hàng ngày khoảng 7.000 - 8.000 con, trong đó 1.500 con cung ứng cho thị trường nội tỉnh, còn lại là sản xuất cho TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Mỗi ngày, Bình Dương có thể cung ứng khoảng 70.000 con gà thịt, trong đó 35.000 con cung ứng cho nội tỉnh, còn lại cung ứng cho các tỉnh, thành phố khác. Dịp tết năm nay, với số lượng tổng đàn chăn nuôi hiện có không chỉ dư nguồn cung ứng cho người dân nội tỉnh, mà còn có thể cung cấp cho các tỉnh, thành lân cận.

Bảo đảm an toàn thực phẩm

Theo dự báo thị trường, nhu cầu hàng hóa dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 trên địa bàn tỉnh có xu hướng tăng mạnh. Thực tế này đòi hỏi hoạt động cung ứng, phân phối điều tiết giá cả hàng hóa thiết yếu trước, trong và sau Tết Nguyên đán phải được chủ động, góp phần bình ổn thị trường, bảo đảm tiêu dùng của người dân. Với năng lực cung ứng hiện tại, có thể thấy công tác giữ giá nông sản, thực phẩm ổn định thị trường sẽ được bảo đảm.

Để bảo đảm cung ứng hàng hóa cho thị trường, ngành chăn nuôi của tỉnh cũng đã chủ động phối hợp với các đơn vị cung ứng lớn xây dựng kế hoạch bình ổn giá với thị trường nội tỉnh. Đối với những thị trường lân cận, nguồn cung thịt heo và thịt gà còn rất dồi dào và có khả năng kết nối, cung ứng cho các tỉnh, thành phố lân cận.

Trước nhu cầu tiêu dùng tăng cao, bên cạnh việc tăng lượng hàng, việc kiểm tra nguồn hàng, bảo đảm an toàn thực phẩm trong cao điểm tết là mục tiêu được nhiều người quan tâm. Chính vì vậy, các siêu thị, doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường hàng hóa thiết yếu đã chủ động phối hợp cùng ngành chức năng thực hiện tốt công tác này. Mặt hàng trái cây tươi, rau củ quả... nhập vào các hệ thống siêu thị đều được sản xuất theo chuẩn VietGAP, GlobalGAP đạt tỷ lệ 99%. Các hệ thống siêu thị đang tích cực phối hợp cùng các nhà cung cấp để sản xuất các sản phẩm sạch, sản phẩm hữu cơ. Hệ thống siêu thị luôn quan tâm khâu kiểm tra chất lượng hàng hóa trước khi đưa đến tay người tiêu dùng.

Ông Phạm Văn Bông cũng cho biết thêm song song với những sản phẩm đã có chỗ đứng trên thị trường, ngành nông nghiệp tiếp tục xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu và nâng cao chủng loại sản phẩm đặc thù nổi bật của tỉnh, giúp bà con nông dân xây dựng thương hiệu sản phẩm chuẩn bị tết. Trên địa bàn tỉnh còn có nhiều hệ thống nhà máy chế biến thực phẩm công suất lớn, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu.

 Dự kiến nhu cầu tiêu dùng hàng hóa thiết yếu của khoảng 2,6 triệu người trên địa bàn tỉnh bình quân trong một ngày khoảng 1.300 tấn lương thực, 500 tấn thực phẩm tươi sống, 1.170 tấn rau củ quả... Ngoài ra, nhu cầu cần sử dụng khoảng 78 tấn thực phẩm chế biến như giò lụa, lạp xưởng, xúc xích và gần 600 tấn nhóm thực phẩm công nghệ như đường, dầu ăn, nước chấm, muối. Như vậy, nhu cầu tiêu dùng bình quân một ngày khoảng 3.536 tấn thực phẩm các loại, tương đương khoảng 130 tỷ đồng.

 THOẠI PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên