Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chủ động ứng phó thời tiết bất thường

Cập nhật: 20-03-2017 | 08:34:19

Theo Đài Khí tượng thủy văn Bình Dương, những tháng đầu năm 2017 thời tiết có những diễn biến bất thường: Nhiệt độ trung bình vụ Đông - Xuân ấm hơn so với các năm trước; diễn ra nhiều cơn mưa trái mùa... đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp.

 Diện tích cây trồng nhiễm bệnh tăng

Đại diện Đài Khí tượng thủy văn Bình Dương cho biết, trong quý I-2017, khu vực Bình Dương có khoảng 3 - 4 đợt không khí lạnh, mây thay đổi dẫn đến nhiều mây và có mưa vừa đến mưa to một vài nơi, có ngày nắng nóng. Nhiệt độ không khí trung bình khoảng 26 - 280C; cao nhất 34 - 360C, thấp nhất khoảng 18 - 210C. Độ ẩm trung bình đạt 90%, cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN); lượng mưa cao hơn TBNN. Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, diện tích lúa xuống giống trong vụ Đông - Xuân năm 2016- 2017 của tỉnh khoảng 2.155 ha, đạt 99,2% kế hoạch. Diện tích cây rau được gieo trồng trong quý I hơn 1.202 ha, tăng 11,8%; diện tích rau an toàn đạt 67,2 ha, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm trước.

Thời tiết diễn biến bất thường khiến một số diện tích vườn cao su của ông Giáp Quang Trung, ở xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo bị bệnh phấn trắng.
Ảnh: QUỲNH NHIÊN

Sự xuất hiện 2 cơn mưa trái mùa trên địa bàn tỉnh vừa qua đã ảnh hưởng đến tình hình ra hoa của một số loại cây ăn trái như măng cụt, chôm chôm, điều, cam, quýt… Bên cạnh đó, đã có hơn 1.105 ha cây ăn trái trên địa bàn tỉnh bị nhiễm bệnh thán thư, sâu ăn lá, rệp rầy các loại, tăng 647 ha so với cùng kỳ năm trước. Đối với tiêu, ghi nhận cho thấy có 28 ha diện tích trồng hồ tiêu bị chết, nguyên nhân là do mưa nhiều, ở vùng thấp trũng, nước ứ đọng dưới gốc, người trồng tiêu bón phân không đúng cách.

Bà Nguyễn Thị Hưng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, trong quý I-2017 diện tích nhiễm bệnh trên các loại cây trồng như lúa, cao su, điều, cây ăn trái tăng 40 - 60% so với cùng kỳ. Cụ thể, trên cây cao su có hơn 8.200 ha diện tích nhiễm bệnh phấn trắng; trên cây điều có 163 ha nhiễm bọ xít muỗi và thán thư; trên cây rau, một số loại do bị mưa làm dập lá, ngập úng cục bộ đã tạo điều kiện cho một số loại sâu bệnh phát triển.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Ông Giáp Quang Trung, nông dân ở xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo cho hay, trên diện tích vườn cao su hơn 10 ha của gia đình hiện một số nơi có cây thay lá không đồng đều; số cao su thay lá trước Tết Nguyên đán ít bị ảnh hưởng của bệnh phấn trắng, còn những vườn thay lá sau tết hầu hết bị nhiễm bệnh do ảnh hưởng của mưa. Bệnh phấn trắng làm cây bị rụng lá nhiều lần, gây mất sức cây, vì vậy làm chậm thời gian khai thác và làm giảm sản lượng mủ đáng kể. Hiện gia đình ông đang tiến hành bón phân cân đối và đầy đủ, tăng lượng phân đạm và kali vào giai đoạn cao su bắt đầu ra lá mới để giúp tầng lá sớm ổn định. Anh Phạm Minh Dũng, nông dân trồng điều ở xã An Bình, huyện Phú Giáo thì chia sẻ: “Vườn điều của gia đình tôi đang ra hoa đồng loạt thì gặp trận mưa trái mùa sau tết. Do mưa kéo dài khiến bông điều không thể đậu trái, lại dễ bị nhiễm nấm, bệnh thán thư và các loại sâu bọ tấn công nên gia đình phải phun thuốc trong mấy ngày qua”.

Theo bà Hưng, trong thời gian tới Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh tiếp tục theo dõi tiến độ, tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, đồng thời thông báo lịch xuống giống tập trung để tránh các loại rầy trong vụ Hè - Thu đến bà con nông dân. Bên cạnh đó, chi cục sẽ thực hiện và tuyên truyền để các hộ nông dân thực hiện những biện pháp phòng, chống cháy, hạn mặn cho cây trồng mùa khô năm 2017; tiếp tục điều tra, theo dõi, dự báo tình hình sâu bệnh trên các loại cây trồng trong vụ Đông - Xuân và vụ Hè - Thu.

Tới đây, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh tiếp tục chỉ đạo các trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật phối hợp với chính quyền địa phương, cộng tác viên giám sát mùa màng, ra thông báo hướng dẫn kịp thời đến bà con nông dân áp dụng các biện pháp phòng trừ sâu bệnh kịp thời nhằm từng bước kiểm soát tốt tình hình sâu bệnh, không để lây lan trên diện rộng.

Thời tiết thất thường, giá nguyên liệu nông sản tăng mạnh

 Theo ghi nhận, do diễn biến thời tiết thất thường từ đầu năm đến nay đã kiến giá một số nguyên liệu của ngành nông sản tăng mạnh. Cụ thể như giá các loại nguyên liệu như lục bình, bẹ chuối khô trong những ngày bình thường giáchỉ từ10.000 - 15.000 đồng/kg, hiện đã tăng lên trên 20.000 đồng/kg. Giánhững mặt hàng này tăng là do nông dân phải mất thêm công sức đểsơ chế, làm sạch do thời tiết không thuận lợi.

Đểtránh phụthuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu tự nhiên và diễn biến thời tiết thất thường, hiện các công ty sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, mây tre lá trong tỉnh đang tìm cách tạo ra nhiều mẫu hàng mới, sử dụng đa dạng các loại nguyên liệu và tìm nguyên liệu sản xuất được đểthay thế những mặt hàng nói trên.

DUY CHÍ

 

QUỲNH NHIÊN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=661
Quay lên trên