Ngành thuế: Kịp thời giải đáp thắc mắc về việc thực hiện hóa đơn điện tử

Cập nhật: 11-12-2018 | 05:36:58

Ngày 12-9-2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 119/2018/NĐ-CP về hóa đơn điện tử (HĐĐT) khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ. Đây là hóa đơn được lập và lưu trữ bằng hệ thống máy tính, không phải hóa đơn in như hiện nay. Trong thời gian từ 1-11-2018 đến 31-10-2020, các Nghị định 51/2010/NĐ-CP và Nghị định 04/2014/NĐ- CP của Chính phủ vẫn còn hiệu lực thi hành. Ghi nhận cho thấy, vẫn có không ít doanh nghiệp còn thắc mắc về quy định này.

 Khách hàng thực hiện các thủ tục thuế tại Cục Thuế tỉnh. Ảnh: THANH HỒNG

 Nhiều thắc mắc

Ông Hồ Sỹ Diễn, kế toán của Công ty TNHH Long Huei (Khu công nghiệp Kim Huy), chia sẻ việc sử dụng HĐĐT giúp DN không phải lưu trữ hóa đơn giấy, giảm chi phí in ấn và không lo bị giả mạo. Tuy nhiên, do mỗi lần vận chuyển hàng hóa trên đường đều phải xuất kèm hóa đơn đỏ để cơ quan chức năng kiểm tra hàng hóa trong khâu lưu thông, DN không biết xử lý tình huống này như thế nào nếu dùng HĐĐT.

Ở một khía cạnh khác, đại diện một công ty khác trên địa bàn tỉnh cũng tỏ ra băn khoăn khi cho biết công ty đang sử dụng hóa đơn đặt in; công ty cũng có phần mềm kế toán nhưng phần mềm này cũ nên không tích hợp với HĐĐT mới. Vì thế, công ty có nhu cầu sử dụng HĐĐT của một nhà cung cấp. Như vậy, công ty sử dụng hóa đơn này có lưu trữ hóa đơn ở đó là 10 năm, trong khi công ty không tích hợp với phần mềm này. Hiện công ty chưa biết làm thế nào để đúng quy định.

Theo chị Đặng Thị Quỳnh Như, kế toán Công ty TNHH Accredo Asia (Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore II A), công ty còn gặp khó trong việc làm thế nào để DN nhận biết hóa đơn hợp lệ khi DN nhận HĐĐT từ các nhà cung cấp. Làm sao để DN quản lý chính xác các thông tin, số liệu HĐĐT của các nhà cung cấp… Đại diện Công ty TNHH Esquel Garment Manufacturing Việt Nam (Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore I), phản ánh DN vừa mới hoạt động từ tháng 12-2018, hiện đang trong giai đoạn đầu tư. DN có đặt in hóa đơn. Sắp tới, khi DN chuyển sang hình thức sử dụng HĐĐT, vậy những hóa đơn giấy sẽ xử lý như thế nào?

Đối với các DN chuyên bán các loại thực phẩm tươi sống, hiện nay họ thường viết hóa đơn sau khi giao hàng để khớp với khối lượng hàng hóa bán ra. Trong khi đó, việc dùng HĐĐT sẽ phải lập trước ở văn phòng, khiến DN lúng túng không biết chỉnh sửa hóa đơn nếu bị trả lại hàng. Một vấn đề nữa cũng đang được nhiều DN quan tâm, đó là giấy khai sinh không có số nhưng phần mềm ứng dụng kế toán yêu cầu cập nhật mã số, khiến DN lúng túng...

Hoàn thành việc sử dụng HĐĐT vào 1-11-2020

Trước những băn khoăn, thắc mắc của các DN trong việc thực hiện HĐĐT, ông Võ Long Hải, Trưởng phòng Tuyên truyền và Hỗ trợ người nộp thuế Cục Thuế tỉnh, cho biết HĐĐT có giá trị pháp lý như hóa đơn giấy, mọi cơ quan Nhà nước đều phải chấp nhận. Ông Hải cũng lưu ý, trong giai đoạn từ 1-11-2018 đến 31-10-2020 không bắt buộc tất cả các DN đều phải sử dụng HĐĐT.

Theo Nghị định 119/2018/ NĐ-CP, Chính phủ yêu cầu việc thực hiện HĐĐT tại các DN, tổ chức kinh tế, hộ và cá nhân kinh doanh phải được hoàn thành chậm nhất là vào ngày 1-11-2020. Trong thời gian từ 1-11-2018 đến ngày 31-10-2020, các Nghị định 51/2010/NĐ-CP và Nghị định 04/2014/NĐ-CP của Chính phủ vẫn còn hiệu lực thi hành. DN, tổ chức kinh tế, hộ và cá nhân kinh doanh đã thông báo phát hành hóa đơn đặt in, tự in hoặc đã mua hóa đơn của cơ quan thuế thì được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31-10-2020. Trong trường hợp DN vừa sử dụng hóa đơn giấy vừa sử dụng HĐĐT theo quy định tại Nghị định 51/2010/NĐ-CP và Nghị định 04/2014/NĐ-CP, nay không muốn sử dụng hóa đơn giấy thì DN có thể ra thông báo hủy toàn bộ hóa đơn giấy đã xin phát hành.

Về hồ sơ, thủ tục hủy hóa đơn, DN thực hiện theo quy định tại Nghị định 51/2010/ NĐ-CP và Thông tư 39/2014/ TT-BTC của Bộ Tài chính. Về thời điểm lập HĐĐT, quy định tại các Nghị định số 51/2010/ NĐ-CP, 04/2014/NĐ-CP và 119/2018/NĐ-CP về cơ bản là giống nhau. Cụ thể, các nghị định này đều quy định thời điểm lập hóa đơn đối với hàng hóa là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền; còn đối với dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung cấp dịch vụ hoặc thời điểm lập hóa đơn cung cấp dịch vụ, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.

Đối với vấn đề phần mềm kế toán DN không tích hợp với phần mềm HĐĐT, ông Hải cho biết theo Nghị định số 51/2010/ NĐ-CP và Thông tư số 32/2011/ TT-BTC của Bộ Tài chính, phần mềm bán hàng hóa, dịch vụ phải kết nối với phần mếm kế toán, bảo đảm dữ liệu của HĐĐT được tự động chuyển vào phần mếm kế toán tại thời điểm lập hóa đơn. Tức là hiện nay, khi DN sử dụng HĐĐT là phải tích hợp với phần kế toán và phần mềm HĐĐT.

Đồng hành cùng DN, trong thời gian qua, Cục Thuế tỉnh đã chia sẻ khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN thông qua những giải đáp những vướng mắc của DN trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính thuế. Theo nhận xét của các DN trên địa bàn tỉnh, nội dung trả lời của ngành thuế đối với các thắc mắc của DN hầu hết đều sát với thực tế, giúp DN hiểu rõ để giải quyết khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực hiện các thủ tục hành chính thuế. Bên cạnh đó, các phòng chuyên môn của Cục Thuế tỉnh giải đáp hầu hết các câu hỏi trực tiếp lẫn hình thức điện tử của DN trên tinh thần cởi mở, thẳng thắn. Trong thời gian tới, ngành thuế cần tăng cường tổ chức các cuộc đối thoại, trao đổi nhằm giải quyết kịp thời những vướng mắc liên quan đến lĩnh vực thuế cho DN.

 THANH HỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=884
Quay lên trên