Trong bối cảnh khó khăn chung do tác động của đại dịch Covid-19, nhưng trong năm 2021 toàn ngành tư pháp tỉnh đã nỗ lực phấn đấu và đạt được nhiều kết quả tích cực, đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong cải cách thủ tục hành chính (TTHC), đáp ứng kịp thời yêu cầu của các tổ chức, cá nhân...
Bộ phận một cửa nhiều địa phương trong tỉnh ứng dụng cách làm hay nhằm góp phần cải cách TTHC (Ảnh chụp tại bộ phận một cửa thuộc UBND TP.Dĩ An)
Trong năm 2021, chất lượng công tác đăng ký, quản lý hộ tịch trên địa bàn tỉnh tiếp tục được duy trì ổn định, đáp ứng nhu cầu của nhân dân và của công tác quản lý nhà nước. Tính đến ngày 30- 10-2021, bộ phận một cửa đã tiếp nhận 4.294 hồ sơ, trong đó hồ sơ trực tuyến 2.213; nhận trực tiếp 1.837 hồ sơ lý lịch tư pháp; hồ sơ liên thông 107 hồ sơ. Hồ sơ trả qua bưu điện là 3.176 hồ sơ, chiếm tỷ lệ 73,9%.
Trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp tại Bình Dương, nhiều địa phương đã sáng kiến và đưa vào áp dụng nhiều cách làm hay, linh hoạt nhằm tạo thuận lợi cho người dân trong việc giải quyết TTHC. Trong đó, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các hoạt động và đã thu được nhiều kết quả tiến bộ, thúc đẩy cải cách TTHC, hiện đại hóa công sở. Sở Tư pháp là đơn vị được xếp hạng nhất khối sở, ngành tỉnh về công tác cải cách TTHC. Lãnh đạo Sở Tư pháp đã khuyến khích mỗi phòng, đơn vị có ít nhất 1 giải pháp, sáng kiến ứng dụng CNTT. Ngoài ra, Sở Tư pháp cũng ban hành quy chế an toàn, bảo mật thông tin trên môi trường mạng; duy trì, vận hành tốt 26 phần mềm quản lý chuyên môn, nghiệp vụ, báo cáo số liệu phát triển Chính phủ điện tử định kỳ hàng tháng.
Trong năm 2021, Sở Tư pháp ban hành, tham mưu ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về các vấn đề được dư luận xã hội quan tâm, đặc biệt trong công tác tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 với một số kết quả nổi bật, như: Tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng được 34 chương trình về phòng, chống Covid-19 dưới nhiều hình thức như tiểu phẩm, tọa đàm, phóng sự, Zalo, Facebook...
Ông Ngô Hoàng Nam, chuyên viên CNTT, Sở Tư pháp, cho biết: “Việc xây dựng, quản lý và cập nhật thông tin trên trang điện tử luôn được Sở Tư pháp duy trì đều đặn. Trang thông tin luôn cập nhật đầy đủ các TTHC do Sở Tư pháp thực hiện và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cũng như cơ cấu, tổ chức của sở để người dân có thể tra cứu dễ dàng nhất. Từ đầu năm 2021 Sở Tư pháp đã mở thêm mục tuyên truyền về bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp. Để truyền tải kịp thời nhiều thông tin, văn bản chính sách an sinh xã hội pháp luật đến người dân, Sở Tư pháp đã thực hiện chuỗi video và infographic về phòng, chống Covid-19. Qua đó, đã chuyển tải thông tin nhanh, là tư liệu để các ngành, các cấp tuyên truyền để người dân dễ dàng nắm bắt quy định pháp luật, góp phần vào nâng cao ý thức chấp hành pháp luật”.
Bà Nguyễn Anh Hoa, Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh, cho biết: “Năm 2021, mặc dù Bình Dương bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tư pháp, ngành tư pháp địa phương xác định nhiệm vụ trọng tâm xây dựng, ban hành kịp thời các kế hoạch công tác, quá trình thực hiện điều chỉnh linh hoạt cho hiệu quả, phù hợp tình hình thực tiễn; đồng thời vẫn bảo đảm bám sát chương trình, kế hoạch của Bộ Tư pháp. Thời gian qua, toàn thể đội ngũ công chức, viên chức, người lao động Sở Tư pháp, ngành tư pháp địa phương đã nỗ lực khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt ”mục tiêu kép”; hoàn thành tốt các nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch và các nhiệm vụ phát sinh được giao cùng các cấp chính quyền địa phương ứng phó với đại dịch. Nhìn chung, công tác cải cách TTHC tiếp tục phát huy thành quả của những năm trước; đã phát huy hiệu quả trong phòng ngừa dịch bệnh Covid-19; đồng thời đáp ứng nhu cầu giải quyết TTHC của tổ chức, cá nhân”. |
TÂM TRANG