Những đòn tiến công liên tục của quân và dân ta trên các hướng chiến dịch đã buộc địch tháo chạy tán loạn. Chính quyền Trung ương ngụy khủng hoảng trầm trọng: Ngày 21-4-1975, Thiệu phải từ chức để Hương lên thay. Trong bối cảnh thuận lợi đó, Thường vụ Trung ương Cục chỉ đạo các địa phương chủ động nắm thời cơ vùng lên tiến công tiêu diệt địch giành chính quyền ở các cấp. Thường vụ Trung ương Cục yêu cầu các cấp Đảng bộ và toàn thể quân, dân ta cần phải:
- Nắm vững mục tiêu đánh đổ chính quyền địch, giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân, quyết tâm đẩy mạnh cuộc tổng công kích, tổng khởi nghĩa giành toàn thắng; lúc này phải chống mọi tư tưởng chờ đợi, chập chờn, do dự.
- Tập trung sức đẩy mạnh tấn công quân sự và nổi dậy của quần chúng, vừa tiếp quản, vừa xây dựng tốt vùng giải phóng và phát triển các lực lượng cách mạng. Phải tranh thủ thời cơ để giành toàn thắng, không do dự, chần chừ dù kẻ thù có đưa bất cứ đề nghị thương lượng nào. Phải thực hiện kế hoạch tấn công quân sự thật kiên quyết, triệt để, tiêu diệt thật nhiều sinh lực địch và chiếm lĩnh các mục tiêu đã quy định. Phải thẳng tay phát động quần chúng nhân dân nổi dậy giành chính quyền, nhanh chóng gỡ hàng loạt đồn bốt, giải phóng nông thôn, tích cực diệt ác phá kìm, mở rộng quyền làm chủ đưa phong trào khởi nghĩa phối hợp với tấn công quân sự giải phóng các thành thị và vùng ven.
- Phải đặc biệt chú ý tăng cường hơn nữa công tác vận động binh lính và nhân viên ngụy quyền và làm tan rã hàng loạt ngụy quân, ngụy quyền.
Nhằm quán triệt quyết tâm của Trung ương Đảng, các mặt công tác chính trị của Bộ Tư lệnh chiến dịch được phổ biến đến toàn thể cán bộ, chiến sĩ, bao gồm ý nghĩa lịch sử chiến dịch, phương châm chỉ đạo và cách đánh, xây dựng tinh thần đoàn kết hiệp đồng giữa các đơn vị, giữa chủ lực với địa phương, bộ đội với nhân dân, động viên bộ đội hoàn thành vẻ vang mọi nhiệm vụ trong chiến dịch, mang lá cờ quyết chiến quyết thắng cắm lên thành phố quang vinh mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, lập thành tích chào mừng lần thứ 85 ngày sinh của Người.
Chấp hành mệnh lệnh của Bộ Tư lệnh chiến dịch, các quân đoàn đã nhanh chóng phổ biến tình hình, nhiệm vụ cho từng đơn vị, xây dụng quyết tâm chiến đấu cho bộ đội, làm cho mỗi cán bộ, chiến, sĩ nhận rõ nhiệm vụ và vinh dự được tham gia chiến dịch mang tên Bác. Đồng thời, bổ sung gấp vũ khí, trang bị và vật chất dự trữ cho các đơn vị, khẩn trương đưa các đơn vị vào vị trí tập kết.
Để hoàn thành nhiệm vụ theo đúng kế hoạch và thực hiện cách đánh chiến dịch đã được xác định, mỗi quân đoàn đều tổ chức 2 khối lực lượng. Khối thứ nhất (thường tổ chức 2 sư đoàn bộ binh và một số đơn vị binh chủng) thực hiện những nhiệm vụ trước mắt như đập tan các tuyến phòng thủ ngoài của địch, mở cửa cho các đơn vị tiến vào nội thành. Khối thứ hai là đội hình thọc sâu có nhiệm vụ đánh chiếm các mục tiêu chủ yếu trong thành phố. Khối lực lượng này có một đến hai trung đoàn bộ binh cơ giới, các tiểu đoàn xe tăng, pháo binh, pháo cao xạ, công binh… Ngoài ra, mỗi quân đoàn còn có lực lượng dự bị (thường là một lữ đoàn hoặc một trung đoàn bộ binh và một số đơn vị binh chủng).
Mới 3 năm về trước, trong chiến dịch tiến công Quảng Trị năm 1972, quân đội ta mới tổ chức được 1 trung đoàn bộ binh cơ giới. Đến nay, trên 5 hướng tiến vào Sài Gòn, quân đội ta đã có 5 quân đoàn, mỗi quân đoàn đều có lực lượng thọc sâu, gồm những đơn vị binh chủng hợp thành. Đây là bước phát triển mới của quân đội ta về quy mô tổ chức, sức mạnh đột kích, hỏa lực và khả năng cơ động. Trước trận chiến đấu cuối cùng, quân đội ta đã mạnh áp đảo so với địch.
Với kinh nghiệm dày dạn của 30 năm chiến đấu chống đế quốc và bè lũ tay sai, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã thể hiện tính nhạy bén chính trị cao, nắm vững thời cơ chiến lược và mục tiêu cách mạng giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất Tổ quốc. Lúc này,“chậm trễ là có tội với lịch sử”, “thời cơ là mệnh lệnh” đã trở thành khẩu hiệu hành động của các đơn vị tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh.
Cùng thời gian này, ở tỉnh Thủ Dầu Một mọi công tác chuẩn bị về lương thực, mục tiêu, vận chuyển khí tài, đạn dược, lương thực thực phẩm, thuốc men tiếp tục khẩn trương tiến hành. Đồng thời công tác kiểm tra việc chuẩn bị mọi mặt của các cơ quan, đơn vị, địa phương luôn được duy trì thường xuyên nhằm đáp ứng mọi yêu cầu, nhiệm vụ của chiến dịch. (Còn tiếp)
Ngày 21-4-1975, Long Khánh được giải phóng
1 giờ sáng ngày 21-4-1975 tại Xuân Lộc, vị trí then chốt nhất bảo vệ Sài Gòn từ xa chính thức bị phá tung. Ta làm chủ thị xã Xuân Lộc. Như vậy, ngày 21-4-1975, tỉnh Long Khánh hoàn toàn được giải phóng. Thắng lợi của Chiến dịch tiến công Xuân Lộc - Long Khánh đã đập tan “cánh cửa thép” án ngữ cửa ngõ phía đông Sài Gòn, làm rung chuyển toàn bộ hệ thống phòng thủ của địch xung quanh Sài Gòn và làm suy sụp nhanh tinh thần chiến đấu của quân ngụy còn lại trên toàn miền Nam.
Ta đã tạo ra một địa bàn tập kết thuận lợi cho các binh đoàn chủ lực tiến công Sài Gòn từ hướng đông, góp phần tạo nên thế trận chung thuận lợi cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng.
Nhân viên sứ quán Mỹ tháo chạy khỏi Sài Gòn. Ảnh: TƯ LIỆU
Ngày 21-4, Sư đoàn 10 binh đoàn Tây Nguyên về tới địa điểm tập kết tại Củ Chi. Cho đến lúc này, tham gia Chiến dịch tiến công giải phóng Sài Gòn - Gia Định có các binh đoàn: Quyết Thắng, Hương Giang, Tây Nguyên, Cửu Long, Đoàn 232 (tương đương binh đoàn) và hầu hết các binh chủng kỹ thuật thuộc lực lượng dự bị chiến lược và lực lượng quân sự, chính trị của Quân khu 7, thành phố Sài Gòn - Gia Định. Tổng cộng lực lượng chiến đấu là khoảng 270.000 người và khoảng 180.000 người lực lượng hậu cần chiến lược chiến dịch.
Ngày 21-4-1975, Mỹ bắt đầu tháo chạy khỏi Sài Gòn. Một lực lượng lớn không quân, hải quân Mỹ gồm 35 tàu chiến (có 4 tàu sân bay) và hàng trăm máy bay các loại náo loạn trong một cuộc rút chạy hốt hoảng.
V.H (tổng hợp)
HÀ THĂNG
(Nguyên Trưởng phòng Lịch sử Đảng - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)