56 ngày đêm Chiến dịch Điện Biên Phủ:

Ngày 28-3-1954: Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi Mệnh lệnh cho các Đại đoàn: 312, 316, 308, 304, 351

Cập nhật: 28-03-2024 | 06:53:26

Ngày 28-3-1954, sau khi kết thúc Hội nghị bàn về kế hoạch tác chiến Đợt 2 (diễn ra từ ngày 25 đến 27-3-1954), Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi Mệnh lệnh số 83 ML/B1 cho các Đại đoàn: 312, 316, 308, 304, 351, để giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị trong đợt tiến công lần thứ hai.


Ngày 14/4/1954, ta tấn công vị trí phía Bắc sân bay Mường Thanh, tiêu diệt một đại đội của địch.

Tập trung đánh chiếm đồng thời các điểm cao phía Đông

Vòng vây trận địa chiến hào của bộ đội ta đang dần khép chặt đã khiến thực dân Pháp không còn khả năng rút lui, cũng như khó đưa thêm một số lượng lớn quân tăng viện. Trận địa chiến hào của ta đã phá vỡ cấu trúc cơ bản của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tách hoàn toàn phân khu Hồng Cúm khỏi khu trung tâm. Từ lúc này, Tướng De Castries (Đờ Cát) không thể trông chờ sự cứu viện của những tiểu đoàn đóng ở phía Nam cánh đồng Mường Thanh.

Hoảng hốt trước những bước tiến như vũ bão của quân đội ta cùng những đường hào vây lấn đang dần siết chặt, ngày 23/3/1954, Tướng De Castries (Đờ Cát) đã gửi bức thư số 44/CAB cho Tướng Cogny. Trong thư, Tướng De Castries (Đờ Cát) trực tiếp thừa nhận: “bom pháo của chúng ta có vẻ không làm chậm bước tiến của họ... Các toán trinh sát của ta đều bị chặn lại sau một quãng ngắn và không chọc thủng được vòng vây. Liên lạc hàng ngày với Hồng Cúm ngày càng khó, phải tổ chức cả một cuộc hành quân mới đi tới được... tinh thần binh lính sa sút nghiêm trọng… Trừ phi có yếu tố mới mà hiện nay tôi không thể xác định rõ yếu tố đó là gì, hình thức ra sao, tôi cho rằng tình hình chỉ có thể ngày càng xấu đi mà thôi”.

Trong khi đó, Đảng ủy mặt trận đã nghiên cứu kỹ cách bố trí của phân khu trung tâm và nhận thấy rằng, trận Điện Biên Phủ được quyết định trên những điểm cao ở phía Đông, bên sông Nậm Rốm. Tại đây nổi lên một dãy đồi chạy từ phía Bắc xuống phía Nam, hai bên đường số 41 và dọc theo bờ sông. Những dãy đồi này khống chế toàn bộ phân khu trung tâm, trong đó có Sở chỉ huy của De Castries (Đờ Cát), các trận địa pháo và sân bay.

Thực dân Pháp tận dụng lợi thế của dãy đồi, tổ chức thành một khu vực phòng ngự then chốt với hai trung tâm đề kháng mạnh là Đô-mi-ních và Ê-li-an. Mỗi trung tâm gồm nhiều cứ điểm. Những cứ điểm này một phần nằm trên những quả đồi, một phần nằm dưới cánh đồng bên bờ sông. Nhưng quan trọng hơn cả là những điểm cao. Nếu những điểm cao này bị bộ đội ta đánh chiếm thì những cứ điểm phía dưới không thể tồn tại và toàn bộ các cứ điểm trên cánh đồng bên kia sông Nậm Rốm cũng bị đe dọa vì hỏa lực bắn thẳng của ta, đặc biệt là pháo binh.

Chính vì vậy, chủ trương của Đảng ủy mặt trận trong đợt tiến công thứ hai này là tập trung ưu thế binh hỏa lực đánh chiếm đồng thời các điểm cao phía Đông. Trong số này, có năm điểm cao quan trọng. Đó là các điểm cao: E, D1 thuộc trung tâm đề kháng Đô-mi-ních, và các điểm cao C1, C2, A1 thuộc trung tâm đề kháng Ê-li-an. Các điểm cao: E và D1 nằm hai bên đường số 41 là những điểm cao cao nhất ở phía Bắc, khoảng 70 mét so với mặt đất, trực tiếp kiểm soát sân bay và hai trận địa pháo 105mm ở dưới chân đồi. Điểm cao A1 ở đầu cùng phía Nam, thấp hơn, khoảng 40 mét, nhưng lại đặc biệt quan trọng vì ở sát ngay khu trung tâm, rất gần Sở chỉ huy của De Castries (Đờ Cát). Điểm cao C1 và C2 tiếp giáp với A1 về phía Bắc, là những đồi nhỏ thấp, nhưng đều ở sát khu trung tâm. Các điểm cao E, D1, D2, C1, A1 nằm ở vòng ngoài, liền kề với trận địa tiến công của ta. Những điểm cao khác như: D3, C2... nằm ở phía trong.


Trong thời gian mở đợt tấn công thứ 2, quân ta vừa dùng lực lượng nhỏ vây ép đánh lấn dưới mặt đất, vừa bắn máy bay, triệt nguồn tiếp tế, tiếp viện của địch.

Bên cạnh đó, trong đợt tiến công thứ hai này, bộ đội ta có nhiều điều kiện thuận lợi, như: binh hoả lực tập trung, trận địa tiến công và bao vây đã được xây dựng vững chắc, bộ đội ta đã có thêm kinh nghiệm chiến đầu, tinh thần địch sau mấy tháng bị vây hãm và sau mấy trận thất bại vừa qua đã giảm sút khá nhiều.

Chính vì vậy, Tổng Quân ủy chủ trương: Tập trung ưu thế tuyệt đối binh hỏa lực, tiêu diệt toàn bộ khu vực phía Đông Điện Biên Phủ, nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, trong đó có một số đơn vị cơ động; chiếm lĩnh toàn bộ các điểm cao phía Đông, biến những điểm cao đó thành trận địa của ta để uy hiếp khu vực Mường Thanh. Ở phía Tây, bộ đội ta tiêu diệt một số cứ điểm, tiến sát vào sân bay. Quân ta thực hiện chủ trương tác chiến trên là tạo đầy đủ điều kiện để chuyển sang tổng công kích, tiêu diệt toàn bộ quân địch trong tập đoàn cứ điểm.

Nhiệm vụ cụ thể của các đơn vị:

Ngày 28/3/1954, sau khi kết thúc Hội nghị bàn về kế hoạch tác chiến Đợt 2 (diễn ra từ ngày 25 đến 27/3/1954), Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi Mệnh lệnh số 83 ML/B1 cho các Đại đoàn: 312, 316, 308, 304, 351, để giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị trong đợt tiến công lần thứ hai.

- Đại đoàn 312: được phối thuộc hai đại đội sơn pháo 75mm, hai đại đội súng cối 120mm, một đại đội súng cối 82mm, có nhiệm vụ tiêu diệt các điểm cao E, D1 và D2 thuộc trung tâm đề kháng Đô-mi-ních; đánh vị trí pháo binh địch ở điểm cao 210 và tiểu đoàn dù ngụy đóng ở khu vực này.

Sau khi tiêu diệt địch, để lại một bộ phận nhỏ binh lực, tăng cường hỏa lực, cải tạo công sự, chiếm lĩnh trận địa, không cho địch phản kích chiếm lại, đồng thời tổ chức ngay những trận địa hỏa lực khống chế quân địch ở Mường Thanh.

- Đại đoàn 316: (thiếu một Trung đoàn), được phối thuộc hai đại đội sơn pháo 75mm, hai đại đội súng cối 120mm, hai trung đội súng cối 82mm, có nhiệm vụ tiêu diệt các điểm cao Al, C1 và C2 thuộc trung tâm đề kháng Ê-li-an; đồng thời phối hợp với các đơn vị khác tiêu diệt lực lượng dù cơ động của địch.

Sau khi tiêu diệt địch, để lại một bộ phận nhỏ binh lực, tăng cường hỏa lực, cải tạo công sự, chiếm lĩnh trận địa, không cho địch phản kích chiếm lại, đồng thời tổ chức ngay những trận địa hỏa lực khống chế quân địch ở Mường Thanh.

- Đại đoàn 308: có nhiệm vụ tiêu diệt địch ở khu vực tung thâm* phía Đông gồm: tiểu đoàn ngụy Thái số 2 và pháo binh địch ở đó; phối hợp cùng Trung đoàn 98 thuộc Đại đoàn 316 tiêu diệt tiểu đoàn dù thuộc địa số 6 (6è BPC); tấn công các cứ điểm 106 và 311 ở phía Tây.

Sau khi tiêu diệt địch, để lại một bộ phận nhỏ binh lực, tăng cường hỏa lực, cải tạo công sự, chiếm lĩnh trận địa, không cho địch phản kích chiếm lại, đồng thời tổ chức ngay những trận địa hỏa lực khống chế quân địch ở Mường Thanh. Tiêu diệt lực lượng dù cơ động và chặn quân tiếp viện của địch từ Hồng Cúm lên ngày hôm sau.

- Đại đoàn 304: được phối thuộc Tiểu đoàn 888 (Đại đoàn 316), một đại đội lựu pháo 105mm, một đại đội súng cối 120mm, 18 khẩu trọng liên cao xạ 12,7mm, có nhiệm vụ: kiềm chế các trận địa pháo binh của địch ở Hồng Cúm, chặn quân tiếp viện của địch từ Hồng Cúm lên Mường Thanh và đánh quân nhảy dù ở xung quanh và phía Nam Hồng Cúm.

- Đại đoàn 351: trực tiếp yểm hộ bộ binh tiến công các điểm cao: A1, D1, C1, E; áp chế pháo binh địch, tiêu diệt lực lượng cơ động của địch ở tung thâm* phía Đông Mường Thanh; kiềm chế pháo binh địch ở Mường Thanh và Hồng Cúm. Riêng Trung đoàn pháo cao xạ 367 yểm hộ cho bộ binh và pháo binh chiến đấu cả ngày lẫn đêm.

Đây là trận công kiên có quy mô lớn nhất từ trước tới nay. Khi mở đầu chiến dịch, bộ đội ta mới chỉ đánh từng căn cứ đề kháng, từng tiểu đoàn địch đóng riêng lẻ, lần này ta đánh vào một khu vực gồm nhiều căn cứ đề kháng với nhiều tiểu đoàn địch.

Chính vì vậy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã căn dặn: cuộc chiến đấu lần này có quy mô lớn, ác liệt. “Các cấp chỉ huy phải đề cao quyết tâm chiến đấu, kiên quyết dũng mãnh, nhanh chóng không để mất thời cơ diệt địch. Phải tự mình ra mặt trận, kiểm tra đôn đốc, tổ chức chiến đấu, động viên chiến sĩ”.


Ngày 22/4/1954, vị trí 206 bị quân đội ta tiêu diệt, quân địch còn sống sót giơ tay xin hàng.

Bên cạnh đó cần “chú trọng việc tổ chức hỏa lực, tổ chức đội đột phá, tổ chức đội đánh thọc sâu. Phải căn cứ vào chỉ thị hiệp đồng để đặt kế hoạch hợp đồng tỉ mỉ giữa pháo binh và các đơn vị bộ binh, cùng kế hoạch thông tin liên lạc”.

* Tung thâm: chiều sâu của trận địa; sâu vào trong; thọc sâu vào (Đại Từ điển Tiếng Việt, Nxb Văn hóa-Thông tin, Hà Nội, 1998, tr. 1749)

[Nguồn: TTXVN; sách: Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tổng tập Hồi ký, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2010, tr. 1019, 1020; Một số văn kiện chỉ đạo chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954; Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004, tr. 473-476].

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=549
Quay lên trên