Ngày làm việc thứ hai, kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa VIII: Lãnh đạo các sở ngành trả lời chất vấn

Cập nhật: 05-12-2013 | 00:00:00

(BDO) Sáng 5-12, kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa VIII tiếp tục ngày làm việc thứ hai.

 

Toàn cảnh ngày làm việc thứ hai, kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa VIII

Tại kỳ họp, các đại biểu đã thảo luận và đặt nhiều câu hỏi xoay quanh các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2014, nhất là tập trung thảo luận các vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp (DN) tháo gỡ khó khăn, các chỉ tiêu xây dựng xã điểm nông thôn mới, các vấn đề nổi cộm mà cử tri tỉnh nhà quan tâm như: về ngập úng, quảng cáo rao vặt, giá cả vật tư bấp bênh; Công tác quản lý đô thị; chậm quy hoạch chi tiết đô thị; tình trạng phân lô bán nền, xây dựng trái phép vẫn còn xảy ra; chính sách giải quyết nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp, việc giải ngân gói 30.000 tỷ của Chính phủ còn quá chậm; cần thực hiện chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư để lấp đầy các khu công nghiệp; việc di dời các doanh nghiệp sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư còn chậm…

>>> Xem video clip tại đây.

  Các đại biểu nghe Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch trả lời chất vấn

  Ông Nguyễn Văn Lộc, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch nghe chất vấn từ các đại biểu

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng nay, ông Nguyễn Văn Lộc, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) đã đăng đàn trả lời thực trạng tình hình quảng cáo rao vặt không đúng quy định. Theo ông Lộc, hiện nay, trên địa bàn tỉnh (chủ yếu là thành phố Thủ Dầu Một, thị xã Dĩ An, Thuận An và các thị trấn của huyện Tân Uyên, Bến Cát) đang diễn ra tình trạng quảng cáo không đúng quy định, như: Dán các mẫu quảng cáo lên cột đèn, trụ điện; treo các mẫu quảng cáo lên cột đèn, cột điện, cây xanh dọc theo các trung tâm đô thị, đường giao thông có mật độ người tham gia giao thông đông và phát tờ rơi tại các giao lộ. Các hành vi này đã làm ảnh hưởng rất lớn đến mỹ quan đô thị trên địa bàn tỉnh.

  Đại biểu HĐND chất vấn tại kỳ họp

Ngoài vấn đề trên, ông Lộc đã trả lời đại biểu chất vấn vấn đề hoạt động kinh doanh các ngành nghề nhạy cảm. Theo ông Lộc, trong thời gian qua, tình trạng một số nhà hàng, quán bar, quán cà phê… có những hoạt động không lành mạnh vẫn còn xảy ra trên địa bàn tỉnh. Nắm bắt tình hình trên, ngay từ đầu năm Sở VH-TT&DL đã có kế hoạch chỉ đạo cho các đơn vị trong toàn ngành từ tỉnh đến các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên tăng cường công tác thanh, kiểm tra đối với các ngành nghề kinh doanh nhạy cảm nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi trái pháp luật. Kết quả Thanh tra Sở VH-TT&DL và các huyện, thị xã, thành phố tổ chức 255 đợt thanh, kiểm tra đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke; quán bar; khách sạn; nhà nghỉ và các tụ điểm vui chơi giải trí khác trên địa bàn tỉnh. Tổng số cơ sở kiểm tra là 846 cơ sở, phát hiện 318 trường hợp vi phạm với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính  là 471.870.000 đồng.

“Tuy nhiên vì mục đích lợi nhuận mà bất chấp những hành vi vi phạm pháp luật, một số cơ sở kinh doanh đã lợi dụng loại hình kinh doanh này tìm cách hoạt động biến tướng, trá hình, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi, gây ra hậu quả xấu cho xã hội. Các hiện tượng tiêu cực và các vi phạm ngày càng nghiêm trọng; hoạt động quá giờ quy định, sử dụng băng, đĩa ca nhạc có nội dung cấm phổ biến; sử dụng tiếp viên nữ phục vụ trong phòng hát karaoke vượt quá số lượng quy định; sử dụng heroin, thuốc lắc; hoạt động mại dâm hoặc môi giới mại dâm… Thậm chí có những biểu hiện để đối phó với các lực lượng thanh, kiểm tra nhằm che giấu các hành vi vi phạm. Sở VH-TT&DL cũng đã có nhiều biện pháp để xử lý tình trạng trên”, ông Lộc nói.

  Đại biểu HĐND chất vấn tại kỳ họp

Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu về việc đặt tên đường, ông Lộc nói, “trong những năm qua, Sở VHTT&DL cùng thường trực hội đồng tư vấn đặt tên, đổi tên đường và các công trình công cộng đang rà soát, chất chỉnh việc đặt tên đường. Về nguyên tắc, các tuyến đường được đầu tư hoàn chỉnh sẽ được đặt tên đường. Sở đã yêu cầu các huyện, thị, thành phố nghiêm túc thực hiện các văn bản, quy định của pháp luật về đặt tên đường và các công trình công cộng. Ngoài ra, ông Lộc cũng trả lời một số giải pháp trong thời gian tới để nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm văn hóa, khu văn hóa trong các khu dân cư, khu công nghiệp.

Tiếp theo phần trả lời chất vấn của ông  Lộc, ông Võ Văn Cư, Giám đốc Sở Công thương đăng đàn trả lời các vấn đề liên quan đến lĩnh vực do này quản lý.

Trả lời câu hỏi của đại biểu về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và dự báo tình hình sắp tới? Ông Võ Văn Cư, Giám đốc Sở Công thương cho biết: Trong năm 2013, do tình hình khó khăn chung của cả nước, nhiều doanh nghiệp phải giải thể, nhiều doanh nghiệp hoạt động cầm chừng…

Qua rà soát có 411 doanh nghiệp đã gặp khó khăn, trong đó 145 doanh nghiệp phải giải thể, 155 doanh nghiệp ngưng hoạt động chờ giải thể. Tuy nhiên, đa số những doanh nghiệp này có năng lực và quy mô hạn chế, sản xuất kinh doanh kém hiệu quả.

Trả lời về những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ông Cư nói, “tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện tốt Nghị quyết 01 và 02 của Chính phủ, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu… UBND tỉnh và các sở, ban, ngành đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại, tiếp xúc với doanh nghiệp, người lao động để giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và người lao động. Trong năm qua, UBND tỉnh đã tổ chức 4 cuộc gặp gỡ, tọa đàm giữa lãnh đạo tỉnh với đại diện công nhân lao động và cán bộ công đoàn cơ sở trên địa bàn 4 huyện, thị; tổ chức 1 cuộc gặp gỡ các doanh nghiệp trong KCN VSIP, KCN Mapletree.

Riêng về lĩnh vực chợ tự phát, ông Cư cho biết, những năm gần đây chợ tự phát ngày càng gia tăng. Cụ thể, toàn tỉnh có 82 điểm chợ tự phát, trong thời gian qua đã giải tỏa được 29 điểm. Điều nghịch lý là hiện nay, trên địa bàn của tỉnh vẫn tồn tại đến 55 chợ tự phát. Các ngành chức năng rất khó xử lý bởi dẹp được chợ tự phát chỗ này lại phình ra ở chỗ khác, trong đó “chợ chạy” đang hình thành khắp các khu công nghiệp, nhiều nhất là địa bàn TX.Thuận An có đến 20 chợ tự phát, TX.Dĩ An 12 chợ và TP.Thủ Dầu Một 12 chợ.

Ông Cư cho rằng, hiện nay, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã thành lập ban chỉ đạo giải tỏa chợ tự phát, tập trung chủ yếu ở TP.Thủ Dầu Một, TX.Thuận An, TX.Dĩ An và huyện Bến Cát. Ông Cư đề xuất, chính quyền địa phương cần duy trì không để tái phát trở lại chợ tự phát đã dẹp và giao lại xã, phường, thị trấn quản lý theo quy định. Các địa phương hình thành các chợ tạm trên cơ sở kêu gọi nhân dân có đất để sắp xếp các hộ này vào mua bán không lấn chiếm lòng, lề đường gây mất an toàn giao thông. Tiếp tục giải tỏa các điểm chợ tự phát còn lại, trong đó tập trung các điểm nóng như cổng ra vào nhà máy, xí nghiệp, các tuyến đường giao thông chính; đồng thời lắp đặt các biển báo cấm họp chợ.

Buổi chiều, kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa VIII tiếp tục chất vấn các sở ngành như Công thương, Nông nghiệp và Phát triển  Nông thôn.

* Chiều nay (5-7), ông Võ Văn Cư, Giám đốc Sở Công thương tiếp tục trả lời câu hỏi của ĐB chất vấn về tình hình xóa điện kế tổng trên địa bàn tỉnh.

  Ông Võ Văn Cư, Giám đốc Sở Công thương nghe chất vấn từ các đại biểu

Theo ông Cư, thời gian qua, Sở Công thương đã tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện trình Bộ Công thương phê duyệt quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Bình Dương giai đoạn 2011-2015; Sở Công thương đã tăng cường, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đẩy mạnh việc sử dụng điện tiết kiệm,  hiệu quả của nó và nhiều công tác chuyên môn khác.

Đối với chương trình xóa điện kế tổng, tỉnh đã xóa được 22 điện kế tổng, 168 điện kế cụm, giải quyết cấp điện cho gần 15.000 hộ gia đình được mua điện trực tiếp với ngành điện.

   Đại biểu HĐND chất vấn tại kỳ họp

Tính đến ngày 30-9-2013, trên địa bàn tỉnh đã có 601.680 hộ dân có điện, chiếm 99,91%.

Trước đó, trả lời các câu hỏi của ĐB về việc đảm bảo hoàn thành tiêu chí 7 của bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới về chợ nông thôn đối với 30 xã xây dựng nông thôn mới vào năm 2015 không?

Vấn đề này, ông Cư cho biết, theo Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới của tỉnh đến năm 2015 sẽ hoàn thành 30 xã nông thôn mới, trong đó có tiêu chí số 7 (chợ). Sở Công thương đảm bảo hoàn thành dựa trên cơ sở là UBND các huyện, thị xã đã phê duyệt quy hoạch phân khu chức năng xong 30 xã.

  Đại biểu HĐND chất vấn tại kỳ họp

Tuy nhiên, để có cơ sở xét về tiêu chí chợ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 342 về việc sửa đổi một số tiêu chí về nông thôn mới, trong đó quy định “Chợ theo quy hoạch, đạt chuẩn theo quy định”. Như vậy trong 30 xã nêu trên, xã nào có quy hoạch chợ theo Quyết định số 4141 của UBND tỉnh thì được xét tiêu chí về chợ, còn xã nào không có quy hoạch chợ thì không xét.

Theo ông Cư, trong thời gian tới, Sở Công thương tiếp tục đôn đốc các huyện, thị xã, thành phố triển khai đầu tư xây dựng chợ theo phân kỳ đầu tư trong quy hoạch, trên cơ sở kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư. Trước mắt tiếp tục triển khai đầu tư các chợ như: chợ Bình Mỹ, chợ Lạc An (Tân Uyên); chợ Minh Tân (Dầu Tiếng); chợ Cây Trường, Trừ Văn Thố, Lai Hưng, An Điền (Bến Cát).

  Đại biểu HĐND chất vấn tại kỳ họp

Đồng thời sở phối hợp cùng với các ngành có liên quan để hỗ trợ chủ đầu tư chợ về các thủ tục hành chính như xây dựng, đất đai, môi trường, phòng cháy chữa cháy,... để sớm hoàn thành tiêu chí chợ.

Về góp ý tiêu chí chợ, Sở Công thương đã có văn bản gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc góp ý Bộ tiêu chí nông thôn mới theo Thông tư số 41 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để trình UBND tỉnh phê duyệt.

Cụ thể, chợ nông thôn phải có diện tích từ 2.000 – 3.000 m2, chợ phải đạt tiêu chuẩn TCVN 9211:2012 theo Quyết định số 3621/QĐ-BKHCN ngày 28-12-2012 của Bộ Khoa học -  Công nghệ và Môi trường và thẩm quyền xét tiêu chuẩn chợ do UBND cấp huyện quyết định.

Hiện, ông Võ Văn Cư đang tiếp tục trả lời ý kiến chất vấn của ĐB về chương trình tiết kiệm điện, bình ổn giá cả thị trường trong dịp tết và vùng nông thôn, xây dựng và phát triển các làng nghề trên địa bàn tỉnh.

  

Các đại biểu HĐND tỉnh trao đổi bên lề hội nghị

Ngay sau khi trả lời xong các câu hỏi chất vấn bằng văn bản, ĐB Trịnh Đức Tài đã tỏ ra lo lắng về việc tăng giá cả hiện nay, nhất là giá gas gây nhiều khó khăn cho đời sống người dân.

Trong khi đó, ĐB Nguyễn Xuân Ngàn lại lo lắng, hàng hóa ngoại nhập khẩu vào thị trường Việt Nam gây ảnh hưởng đến nhiều DN sản xuất trong nước. Theo ĐB Ngàn, hiện nay, trái cây, rau, quả của Trung Quốc dán nhãn hiệu VN rất nhiều, Sở Công thương có giải pháp gì?

Tiếp lời, ĐB Nguyễn Thanh Nghĩa đặt vấn đề quản lý sản phẩm và chất lượng sản phẩm hiện nay, điều lo lắng là giá của hàng Trung Quốc lại rẻ hơn nhưng kém chất lượng, trong khi người tiêu dùng không hiểu rõ chất lượng, sở có giải pháp nào?

Trả lời vấn đề về giá gas, ông Cư cho biết, giá gas tăng do giá gas nhập khẩu tăng. Với góc độ địa phương, chúng tôi đang quyết liệt tăng cường thanh kiểm tra, nhất là khu vực địa bàn TX.Thuận An, Tân Uyên, Bến Cát. Nếu phát hiện vi phạm về việc tăng giá quá quy định, san chiết gas trái phép, chúng tôi sẽ phạt nặng.

Riêng về việc hàng hóa Trung Quốc, ông Cư cho rằng, chúng tôi đã tăng cường kiểm tra, tuy nhiên cái khó là hàng hóa Trung Quốc lại xuất hiện nhiều tại các chợ tự phát, nếu kiểm tra quyết liệt cần có dụng cụ kiểm tra.

Cũng chiều nay, Giám đốc Sở NN & PTNT sẽ trả lời chất vấn của ĐB xoay quanh các vấn đề về kế hoạch xây dựng các xã điểm nông thôn mới, tình hình kinh doanh vật tư nông nghiệp, nhất là các loại phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hiện nay diễn ra hết sức phức tạp (nhất là ở các địa bàn trồng nhiều cây cao su): Cùng một sản phẩm mà các cơ sở kinh doanh bán mỗi nơi một giá, nhiều loại phân bón và thuốc bảo vệ thực vật trôi nổi không nhãn mác, không rõ xuất xứ được bày bán công khai, người nông dân không biết chọn mua sản phẩm nào đảm bảo được chất lượng và an toàn…  

* Sau khi kết thúc phần trả lời chất vấn của Giám đốc Sở Công thương, các đại biểu tiếp tục chất vấn Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT) Nguyễn Minh Thủy.

Đại biểu Nguyễn Thành Trung, Tổ đại biểu huyện Phú Giáo nêu các vấn đề mà cử tri quan tâm đến tiến độ thực hiện Chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Bình Dương.

Theo Nghị quyết của Ban chấp hành Tỉnh Đảng bộ thì đến năm 2015 có 40% tổng số xã trong tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó đến cuối năm 2013 có 5 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới. Tuy nhiên, qua giám sát và ý kiến của cử tri thì tiến độ xây dựng nông thôn mới còn chậm từ khâu quy hoạch đến việc triển khai thực hiện.

Vấn đề này được Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Minh Thủy giải trình, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đến cuối năm 2013 có 5 xã điểm đạt chuẩn xã nông thôn mới theo Bộ tiêu chí nông thôn mới của tỉnh Bình Dương. Đến năm 2015 trên 40% số xã đạt chuẩn xã nông thôn mới theo Bộ tiêu chí nông thôn mới của tỉnh Bình Dương.

Bà Nguyễn Minh Thủy giải thích việc chậm là do quá trình triển khai thực hiện chương trình, đặc biệt là công tác lập quy hoạch, đề án nông thôn mới đã gặp một số khó khăn, hạn chế nhất định, làm ảnh hưởng không ít đến tiến độ xây dựng nông thôn mới.

Xem ảnh ngày làm việc thứ hai, kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa VIII

Ngày mai (6-12), kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa VIII tiếp tục làm việc.

H.VĂN-M.DUY-C.KHANH

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên