Ông Nguyễn Văn Tấn, một nghệ nhân sinh vật cảnh ở phường Vĩnh Phú, TX.Thuận An được nhiều người biết đến bởi tài kết hoa quả, chăm sóc cây cảnh. Những cặp rồng - phụng, tứ linh long - lân - quy - phụng… của ông đã chinh phục được nhiều người khó tính cả trong và ngoài tỉnh. Qua bàn tay điêu luyện của ông, những loại hoa quả vô tri bỗng chốc biết nói. Với mỗi con vật đều có một sắc thái, hình hài khác nhau, thể hiện được cái hồn của chủ đề muốn nói.
Ông Tấn cho biết, trong lĩnh vực hoa quả tạo hình người ta chia thành 3 trường phái là hoa quả phục vụ đám cưới - đám hỏi, hoa quả phục vụ lễ hội và hoa quả phục vụ đám tang. Để học nghề này chỉ mất 3 tháng, nhưng để làm nên một tác phẩm đẹp đòi hỏi sự tỉ mỉ, công phu của người nghệ nhân mà có khi học cả đời cũng chưa chắc có được. Vì thế, ngoài việc yêu thích, môn nghệ thuật này còn đòi hỏi sự đam mê. “Đối với tôi thì cây kiểng, hoa trái luôn là niềm đam mê cháy bỏng, nó thôi thúc tôi phải làm ra nhiều tác phẩm đẹp và giá trị hơn. Mặc dù thu nhập từ nghề này không cao (khoảng 5 - 6 triệu đồng/tháng), nhưng tôi vẫn quyết không bỏ nghề”, ông Tấn chia sẻ.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Tấn bên một tác phẩm của mình
Một trong những tác phẩm để đời của ông Tấn chính là “Trường Sa - chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc” đoạt huy chương vàng tại Lễ hội trái cây Nam bộ 2012 vừa được tổ chức tại Khu du lịch văn hóa Suối Tiên. Tác phẩm có chiều dài 5m, cao 3,4m. Ông Tấn chia sẻ: Đây là món quà mà ông muốn gửi đến những chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ biển đảo quê hương. Với những loại hoa trái quen thuộc và kinh nghiệm lâu năm gắn bó với nghề, ông đã truyền vào đó tình yêu quê hương đất nước nồng nàn, niềm tự hào và tự tôn dân tộc cùng sự đồng cảm, chia sẻ những khó khăn, thiếu thốn của những chiến sĩ và người dân huyện đảo Trường Sa.
Hiện tại, bên cạnh những khách hàng thường xuyên, số lượng khách lẻ đặt hàng để trưng bày đám cưới, khai trương nhà xưởng tương đối nhiều, nên nghề này cũng sống được. Kể về cái duyên đến với nghề, ông nói: “Có lẽ tôi có năng khiếu với nghệ thuật nên học nghề khá nhanh. Năm 20 tuổi tôi bắt đầu vào nghề thì không lâu sau tôi đã có thể “ăn tiền” thiên hạ”. Với sự khéo léo, cộng với ý tưởng sáng tạo độc đáo, ông Tấn đã thổi hồn vào cây trái, hoa quả vô tri, biến chúng thành những linh vật, gởi đến người thưởng lãm những thông điệp về những điều giản dị trong cuộc sống.
NGỌC NHƯ