Nghị định mới về quản lý và phát triển chợ

Cập nhật: 22-06-2024 | 11:34:12

Ngày 5-6-2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định 60/2024/NĐ-CP về việc phát triển và quản lý chợ (gọi tắt là Nghị định 60), trong đó có một số nội dung đáng chú ý như:

Về đầu tư xây dựng chợ, Nghị định 60 quy định:

- Chợ được đầu tư xây dựng phải phù hợp với quy hoạch tỉnh, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh, các quy hoạch, kế hoạch khác có liên quan.

- Nguồn vốn đầu tư xây dựng chợ bao gồm: Vốn ngân sách Nhà nước, vốn ngoài ngân sách Nhà nước (bao gồm các nguồn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật).

- Vốn ngân sách Nhà nước được sử dụng để hỗ trợ đầu tư xây dựng các dự án chợ dân sinh, chợ đầu mối theo quy định của pháp luật về đầu tư công và ngân sách Nhà nước. Việc hỗ trợ giải phóng mặt bằng từ ngân sách Nhà nước đối với chợ đầu mối theo quy định của pháp luật về đầu tư công và các quy định pháp luật có liên quan.

- Địa phương chủ động cân đối nguồn vốn ngân sách Nhà nước để đầu tư hoặc hỗ trợ vốn đầu tư phát triển chợ trên địa bàn căn cứ vào tình hình thực tiễn, tính cấp thiết, phù hợp với các quy định của pháp luật về đầu tư công, ngân sách Nhà nước và các quy định pháp luật khác có liên quan.

- Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân và các thương nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư xây dựng chợ.

- Dự án đầu tư chợ được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư, chính sách tín dụng đầu tư của Nhà nước, chính sách xã hội hóa đầu tư theo các quy định của pháp luật.

- Tùy thuộc vào nguồn vốn đầu tư, điều kiện sử dụng đất, dự án đầu tư xây dựng chợ được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành tương ứng.

Về quyền và nghĩa vụ của thương nhân kinh doanh tại chợ:

Thứ nhất, quyền của thương nhân kinh doanh tại chợ: Thương nhân có hợp đồng sử dụng hoặc hợp đồng thuê điểm kinh doanh tại chợ được quyền hoạt động kinh doanh theo hợp đồng đã ký; thương nhân được sang nhượng điểm kinh doanh hoặc cho thương nhân khác thuê lại điểm kinh doanh đang còn trong thời hạn hợp đồng khi được tổ chức quản lý chợ chấp thuận bằng văn bản; những người kinh doanh không thường xuyên được bố trí bán hàng trong chợ ở khu vực riêng và phải chấp hành nội quy chợ.

Thứ hai, nghĩa vụ của thương nhân kinh doanh tại chợ: Thương nhân kinh doanh tại chợ phải thực hiện theo phương án bố trí, sắp xếp khu vực kinh doanh của tổ chức quản lý chợ; thương nhân kinh doanh tại chợ ngoài việc chấp hành các quy định của pháp luật, phải thực hiện nội quy chợ và chịu sự quản lý của tổ chức quản lý chợ; hàng hóa, dịch vụ của thương nhân kinh doanh tại chợ không thuộc trường hợp pháp luật cấm kinh doanh và đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật đối với hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện; ngành nghề kinh doanh của thương nhân kinh doanh tại chợ không thuộc ngành, nghề pháp luật cấm đầu tư kinh doanh và đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Bên cạnh đó, Nghị định 60 quy định cụ thể về nhiều nội dung, như: Phân loại chợ; kế hoạch phát triển chợ; đầu tư xây dựng chợ; quyền và nghĩa vụ của chủ đầu tư xây dựng chợ; nội quy chợ; chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ…

Nghị định 60 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-8-2024.

SỞ TƯ PHÁP TỈNH BÌNH DƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=676
Quay lên trên