Nghiêm trị những hành vi vi phạm về phòng, chống dịch COVID-19

Cập nhật: 13-04-2020 | 14:47:00

 Đối tượng Lê Quang Huy có hành vi cướp máy đo thân nhiệt. (Ảnh: TTXVN)

Những ngày qua, bên cạnh nhiều nghĩa cử cao đẹp của nhân dân cả nước trong cuộc chiến chống lại dịch COVID-19, dư luận không khỏi thất vọng, thậm chí bức xúc trước những hành vi tiêu cực, đối phó, lăng mạ, thách thức, hành hung cán bộ đang làm nhiệm vụ khi bị yêu cầu thực hiện các biện pháp phòng dịch.

Đây không chỉ là hành vi lệch chuẩn, thiếu văn hóa mà còn có dấu hiệu vi phạm pháp luật cần phải lên án, xử lý thích đáng với mục tiêu tuyệt đối không để những đối tượng xấu phá hoại công sức và thành quả phòng, chống dịch của toàn dân trong nhiều ngày qua.

Thực hiện nghiêm quy định phòng dịch

Trong cuộc chiến đấu với "kẻ thù vô hình" mang tên virus SARS-CoV-2, Việt Nam đã nỗ lực hết mình để kiểm soát, ngăn ngừa dịch bệnh. Tính đến sáng 13/4, Việt Nam chỉ ghi nhận 262 ca mắc COVID-19. Kết quả đó có được là nhờ vào sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương... và quan trọng nhất là tinh thần đoàn kết, đồng lòng, quyết tâm của toàn dân.

Có thể thấy, kịch bản mà Chính phủ đưa ra để đối phó với dịch bệnh ngày càng được nâng mức độ nhằm phù hợp với từng giai đoạn, điều kiện thực tế với mục tiêu hạn chế tối đa sự lây lan trong cộng đồng nhưng vẫn đảm bảo nhu cầu sinh hoạt và làm việc của người dân, không để xảy ra gãy đổ về kinh tế.

Để chặn đứng nguy cơ lây lan của dịch bệnh, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, cách ly toàn xã hội (giãn cách xã hội) từ ngày 1/4 trên phạm vi toàn quốc.

Hơn 10 ngày thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng, số ca nhiễm mới đã giảm đi nhiều so với giai đoạn trước đó cho thấy những bước đi đúng đắn của Chính phủ trên con đường đẩy lùi dịch bệnh.

Người dân hạn chế ra ngoài và ở nhà nhiều hơn đã dần trở thành thói quen; hàng nghìn hộ kinh doanh trên cả nước tạm thời đóng cửa, dừng hoạt động trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Họ chấp nhận gánh chịu những tổn thất trước mắt khi vẫn phải trả tiền thuê mặt bằng nhưng không thể mở cửa kinh doanh để tuân thủ quy định phòng dịch của chính quyền.

Theo thống kê của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, chỉ trong 3 tháng đầu của năm 2020, cả nước đã có tới gần 35.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, cũng là lần đầu tiên sau hàng thập kỷ, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường lớn hơn số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Số người thất nghiệp đến nộp hồ sơ để hưởng bảo hiểm thất nghiệp trong tháng 2/2020 là hơn 47.000 người, tăng 70% so với cùng kỳ năm trước.

Trong số những doanh nghiệp đang cố gắng trụ vững, nhiều nơi chấp nhận bù lỗ bằng cách cho công nhân tạm thời nghỉ việc nhưng vẫn thanh toán lương theo mức cơ bản, chờ ngày hết dịch.

Đó là những ảnh hưởng về mặt kinh tế mà đến nay cơ quan chức năng vẫn chưa thể dự báo con số thiệt hại cuối cùng.

Xét về mặt tinh thần và sức lực, rất nhiều người đã phải "ăn nằm" trong vùng dịch, không được về nhà trong thời gian dài để đảm bảo an toàn cho cộng đồng. Đó là lực lượng công an, quân đội làm nhiệm vụ trong khu vực cách ly, đó là đội ngũ y bác sỹ đang ngày đêm thầm lặng với trọng trách cứu người...

Hiểu và tin vào sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, chấp hành các yêu cầu của cơ quan chức năng, hàng chục nghìn người tiếp xúc gần với bệnh nhân hoặc nhập cảnh từ vùng dịch trở về nghiêm chỉnh tuân thủ việc cách ly tập trung hay tự giác theo dõi tại nhà...

Có thể nhiều người sẽ cảm thấy gò bó, khó chịu nhưng đứng trước lựa chọn sống theo sở thích, thói quen hay chấp hành các khuyến cáo trong phòng, chống dịch để giữ được sức khỏe, họ sẵn sàng đánh đổi để có được sự an toàn cho bản thân, gia đình và xã hội.

Những ngày qua, đồng lòng chống dịch, cả xã với hàng nghìn hộ dân chấp nhận không ra khỏi địa bàn, hay một bệnh viện Trung ương lớn nhất, nhì cả nước sẵn sàng chấp hành lệnh phong tỏa "nội bất xuất, ngoại bất nhập" để ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh. Tất cả điều đó cho thấy lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết đã trở thành truyền thống của toàn dân khi phải đối mặt và chiến đấu với "giặc dịch." Con đường chiến thắng đang dần mở trước sức mạnh của toàn dân tộc.

Tuy nhiên, con đường ấy có thể sẽ dài hơn nếu gặp phải những "chướng ngại vật" cố tình đi ngược lại những cố gắng chung của toàn xã hội.

Thời gian qua, khi cả bộ máy công quyền cùng nhân dân đang nỗ lực "gồng mình" chống dịch thì xuất hiện nhiều cá nhân ích kỷ, sẵn sàng có những hành động phá hoại, gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phòng, chống dịch bệnh, thành quả của cả hệ thống chính trị có thể "đổ sông, đổ biển" chỉ vì những "con sâu làm rầu nồi canh."

Nghiêm trị những đối tượng vi phạm pháp luật

Những ngày gần đây, dư luận bức xúc lên án hành vi lăng mạ, thậm chí tấn công lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ của một số đối tượng thiếu hiểu biết và tự cho mình cái quyền đứng trên pháp luật. Chỉ vì lực lượng chức năng nhắc nhở cần đóng cửa hàng, thực hiện đúng quy định cách ly xã hội mà Nguyễn Văn Thiện, chủ một quán cà phê ở huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định đã chửi bới, vác mã tấu đuổi đánh các thành viên trong tổ công tác phòng, chống dịch COVID-19. 

Người dân ở Khu dân cư Phú Mỹ, phường Phú Mỹ, Quận 7 (Thành phố Hồ Chí Minh) búc xúc khi đối tượng Bùi Anh Huân chạy bộ tập thể dục nhưng không đeo khẩu trang và đã hành hung một bảo vệ đang làm nhiệm vụ ở nơi này chỉ vì nhắc nhở Huân đeo khẩu trang.

Ngày 11/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh đã tống đạt các Quyết định khởi tố vụ án, Quyết định khởi tố bị can, Lệnh cấm bị can đi khỏi nơi cư trú, Quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với Bùi Anh Huân (sinh năm 1997, thường trú quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh) để điều tra về tội "Chống người thi hành công vụ" theo Điều 330 Bộ Luật Hình sự năm 2015.

Quang cảnh phiên tòa đầu tiên xét xử hành vi vi phạm trong phòng, chống dịch ở Quảng Ninh. (Nguồn: TTXVN)

Nhiều người dân bức xúc cho rằng, hành vi của các đối tượng trên không chỉ dừng lại ở việc thiếu ý thức, gây nguy hiểm cho xã hội khi dùng vũ lực tấn công những người đang thực hiện nhiệm vụ ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh tại địa phương.

Thực tế cho thấy trước đó đã có rất nhiều trường hợp bị cơ quan có thẩm quyền xử phạt vì vi phạm các quy định trong phòng chống dịch bệnh, nhưng các cá nhân này vẫn có những hành động vô pháp thì không thể coi đó là sự vô tình, hay thiếu hiểu biết nữa mà là cố tình thể hiện tư tưởng chống đối, phá hoại nhằm mất trật tự trị an tại địa phương, gây tâm lý hoang mang, lo lắng trong nhân dân.

Điều đáng buồn là trong số những đối tượng “ngang ngược” ấy lại có cả lãnh đạo chủ chốt của địa phương.

Ngày 12/4 vừa qua, người dân cả nước “sửng sốt” khi trên mạng xã hội xuất hiện một đoạn clip ghi lại cảnh một người đàn ông không đeo khẩu trang, có thái độ chống đối, lăng mạ và từ chối đo thân nhiệt tại một chốt kiểm dịch COVID-19 trên địa bàn thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước.

Mặc dù chẳng ai muốn tin nhưng sau khi thông tin kiểm chứng, người đàn ông được xác định tên là Lưu Văn Thanh, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân huyện Hớn Quảng, tỉnh Bình Phước.

Ngay sau khi sự việc xảy ra và bị cả xã hội lên án, lãnh đạo tỉnh Bình Phước đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác với vị “quan huyện” coi trời bằng vung này, đồng thời khẳng định sẽ xử lý thật nghiêm minh theo quy định của pháp luật và có thông báo công khai trong ngày 13/4.

Nhiều người cho rằng dù hình thức kỷ luật dành cho lãnh đạo này có ở mức nào, thì hành động “phản cảm” đó đã gây ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng đến uy tín của Đảng, cũng như niềm tin của nhân dân...

Theo Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh), cuộc chiến chống dịch COVID-19 đang ở giai đoạn quyết liệt nhất, rất cần sự tin tưởng đồng lòng, chung sức của toàn dân.

Trong khi hàng ngàn cán bộ, y bác sĩ, nhân viên y tế, lực lượng vũ trang ngày đêm cứu chữa người bệnh, thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch thì cũng không ít các tổ chức, cá nhân tỏ ra thờ ơ, vô cảm, kiếm tiền trên nỗi lo cho sức khỏe của đồng bào khi đầu cơ hoặc làm giả khẩu trang, chống người thi hành công vụ, tụ tập hát karaoke, đua xe trái phép...

Luật sư Diệp Năng Bình cho rằng những hành vi này rất đáng lên án và cần được xử lý thật nghiêm minh.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh cũng như xuất hiện tư tưởng chủ quan, chống đối của một số đối tượng, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu xử lý vi phạm liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19.

Thủ tướng nhấn mạnh những cơ quan có thẩm quyền cần phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh các hành vi không khai báo y tế hoặc khai báo không trung thực, kịp thời; từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly; không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân cũng như các biện pháp khác về phòng, chống bệnh dịch truyền nhiễm.

Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền khẩn trương xác minh, điều tra, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống dịch COVID-19 có đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm...

Đại dịch vẫn đang hoành hành khắp nơi và âm thầm tấn công sức khỏe của con người từ mọi hướng. Con đường đi đến chiến thắng chỉ có thể rút ngắn nếu toàn dân đồng lòng, ủng hộ và làm theo sự hướng dẫn của các cơ quan chức năng.

Tất cả những hành vi lệch chuẩn, đi ngược lại sự tuân thủ nghiêm túc của đa số người dân cần phải nghiêm trị để đảm bảo tính răn đe, làm gương cho người khác. Đồng tâm, hiệp lực, chúng ta nhất định đi đến thắng lợi cuối cùng, chiến thắng đại dịch, bảo toàn sức khỏe cho toàn dân./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=522
Quay lên trên