Vượt qua bao khó khăn của ngày đầu khi đội mới thành lập, đến nay, Đội SOS phường Dĩ An, TP.Dĩ An đã trở thành điểm tựa cho hàng ngàn hộ nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong và ngoài tỉnh. Dưới sự chỉ huy của người Đội trưởng Kim Ngọc Mỹ, nhiều cây cầu ở miền Tây được xây dựng, hàng chục tấn gạo và hàng chục ngàn chiếc khẩu trang được trao đến tay người lao động nghèo trong mùa dịch bệnh Covid-19. Hàng chục gia đình có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ gạo đến suốt đời…
Anh Kim Ngọc Mỹ giới thiệu về kho hàng nhu yếu phẩm để đội thường xuyên làm thiện nguyện cho người nghèo
Cứu người trong đêm
Văn phòng trú đóng của đội được đặt ngay điểm giao giữa 2 Khu công nghiệp Sóng Thần 1 và 2 trên đại lộ Thống Nhất, nơi có hàng trăm ngàn công nhân đang làm việc. Khoảng 19 giờ hàng đêm, hàng chục xe máy của các thành viên trong đội chia ra các nẻo đường trên khắp địa bàn TP.Dĩ An đi tuần tra, tìm người gặp khó để trợ giúp. Công việc thường kết thúc vào lúc 2 giờ sáng ngày hôm sau, khi mà mọi người đã yên giấc, đường phố thưa vắng bóng người.
Cứ thế, suốt 3 năm qua, hình ảnh các “hiệp sĩ bóng đêm” trở nên thân thiện với người dân trên địa bàn. Chị Nguyễn Phương Nga, công nhân tại Khu công nghiệp Sóng Thần 1, tâm sự: “Mỗi lúc chúng em tăng ca về khuya, không may xe bị thủng lốp, hết xăng hay hư hỏng xe, thì gọi ngay vào số của đội, chừng 5 phút sau là các anh có mặt trợ giúp. Nếu không may quên mang theo tiền hay hết tiền, các anh bỏ tiền túi thay ruột xe hay đổ xăng gì đó, không cần trả lại. Với công nhân chúng em, xem các anh như người nhà, người thân của mình. Nhớ cái ơn của các anh giúp người mà không cần phải đền đáp, nên những lần về quê có nải chuối, mớ khoai hay thùng mì đem tặng các anh ăn khuya lấy sức giúp người”.
Trụ sở của đội được đặt trên đại lộ Thống Nhất để tiện giúp công nhân lao động về khuya
Do phải thường xuyên thức đêm, áp lực công việc, nên người Đội trưởng Kim Ngọc Mỹ trông già hơn rất nhiều so với cái tuổi 53 của mình. Bên cạnh việc chỉ huy, cắt lịch tuần tra cho 36 thành viên trong đội, cứu nạn người đi đường và kiêm luôn việc Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ của phường, gần như anh Mỹ không có thời gian nghỉ. Anh cho biết, nhìn thấy số vụ tai nạn đêm khuya trên địa bàn ngày càng tăng, rất nhiều mảnh đời cần được trợ giúp, vậy là cuối năm 2018, anh và một số anh em trong khu phố Thống Nhất, phường Dĩ An đứng ra thành lập một đội để giúp người. Mãi đến năm 2019, đội chính thức được thành lập, được chính quyền địa phương cấp phép hoạt động. Từ 5 thành viên ban đầu, sau 3 năm hoạt động, đến nay đội có 36 thành viên chính thức và 25 thành viên dự bị. Đội dự tính sẽ tiếp tục tuyển chọn khoảng 34 thành viên nữa, khi đó đội có đủ 70 thành viên chính thức để chia thành 7 tổ, phụ trách 7 phường trên toàn thị xã thì công việc sẽ bớt vất vả hơn.
3 năm qua, trên bước đường tuần tra đêm hôm, anh Mỹ không nhớ rõ bản thân đã cấp cứu bao nhiêu trường hợp bị tai nạn. Trung bình mỗi tháng toàn đội sơ cấp cứu và chuyển viện hơn 20 trường hợp bị tai nạn các loại, nhiều nhất là tai nạn giao thông. “Nhiều trường hợp bị tai nạn giao thông quá nặng, đã chết trên tay của tôi khi chưa đến được bệnh viện. Nhiều mảnh đời như thế có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, khi họ nằm xuống có người thân, không có tiền và không có nơi để lo hậu sự. Vậy là chúng tôi tìm nơi tổ chức tang lễ, sau đó chôn cất hay hỏa thiêu theo yêu cầu của gia đình. Rất nhiều trường hợp chúng tôi còn lo tiền ăn ở, lộ phí cho người thân của người gặp nạn. Chúng tôi đã lo hậu sự như thế cho hơn 20 trường hợp là người ngoài tỉnh. Số tiền này được các nhà hảo tâm trợ giúp, một phần nhỏ anh em trong đội đóng góp thêm. Thường là sau việc tổ chức lo hậu sự một trường hợp như thế, tôi sẽ công khai chi phí thu, chi rõ ràng. Mình làm việc minh bạch, thì mọi người mới an tâm và trợ giúp dài lâu”, anh Mỹ nói.
Điểm tựa cho người nghèo
Sau 3 năm thành lập đội, bản thân anh Mỹ cũng không nhớ rõ mình làm được bao nhiêu việc tốt cho đời. Bên cạnh việc tổ chức tuần tra cứu người đêm hôm, anh đã vận động xây cả chục cây cầu ở miền Tây. Mỗi tuần, anh được các tiểu thương chợ Dĩ An, chợ đầu mối nông sản Tam Bình, quận Thủ Đức (TP.Hồ Chí Minh) tặng hơn 4 tấn rau, củ, quả. Số thực phẩm này được đội phân phát đều cho Hội Chữ thập đỏ trên 7 phường của thành phố để chia cho những gia đình khó khăn, các chùa. Và mỗi tháng, các doanh nghiệp trên địa bàn ủng hộ cả chục tấn quần áo lỗi sai, lỗi mốt để đội phối hợp làm từ thiện cho nhiều tỉnh, thành, đặc biệt là vùng có đồng bào dân tộc thiểu số. Mùa dịch bệnh năm nay, vào khoảng thời gian tháng 3, 4, khi mà thị trường khẩu trang đắt đỏ, không đến được tay người nghèo, toàn đội đã vận động thu gom trên 20.000 chiếc khẩu trang phát cho bà con, công nhân nhà trọ. Sau khoảng thời gian cách ly xã hội, biết hoàn cảnh nhiều gia đình gặp khó, anh Mỹ đã nhanh chóng liên kết, đưa về chiếc máy ATM gạo phát cho bà con trong vùng hàng chục tấn gạo; hàng trăm phần quà có trị giá 300.000 đồng/phần cho người nghèo, khó khăn. Mỗi tuần, anh liên kết với Trung tâm Y tế TP.Dĩ An nấu và phát 300 phần cơm từ thiện; với Bệnh viện Quân đoàn 4 là 450 phần chia làm các ngày thứ hai, tư, sáu. Gần 20 người già trên địa bàn không có con cháu, người thân, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được đội SOS tặng 10 kg gạo/ tháng đến suốt đời…
Có thời gian rảnh, anh Mỹ lại đi tham quan, học tập cách làm hay từ các Đội SOS trên cả nước về cách làm hay để giúp người. Thông qua các đội, anh và các nhà hảo tâm trên địa bàn lại tìm đến các vùng khó khăn trên cả nước để làm việc thiện, phát xe lăn, quần áo, mì gói, chiếu, mùng và các nhu yếu phẩm mà người nghèo, khó đang cần. “Gần như tôi không có thời gian để nghỉ, thậm chí thiếu ngủ trường kỳ, nhưng do trời thương nên sức khỏe vẫn tốt. Mình làm được việc tốt giúp người thì cảm thấy vui, gia đình êm ấm càng thêm có động lực”, anh Mỹ nói.
Tuy nhiên, để làm được một lúc nhiều công việc, được vinh dự nhận lấy nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp trên địa bàn, bản thân anh Mỹ đã vượt qua không ít chông gai. Ngoài việc quần quật thức đêm, thức hôm đi tuần tra, cấp cứu người bị nạn, anh không ngại nắng mưa tìm về các khu chợ để kết nối tiểu thương, các doanh nghiệp trên địa bàn chung tay, chung sức. Đi khảo sát từng hoàn cảnh gia đình, liên hệ từng địa phương để làm từ thiện đúng quy trình. Tối đến khi mọi người đã ngon giấc, anh lại bật đèn, căng mắt vào sổ sách thu, chi để công khai báo cáo với toàn thể mọi người… Rồi nào là theo dõi phương tiện thông tin đại chúng, nghe ngóng thời sự để có cách làm hay, kịp thời giúp bà con đúng lúc. Có khi nhận được phản ánh về “đinh tặc” giữa trời trưa nắng gắt, anh không gọi anh em trong đội mà tự mình kéo xe hút đinh đi làm nhiệm vụ. “Anh em ai cũng có việc, tối lại tuần tra. Mình rảnh được thì cứ đi, phải làm nhiều việc hơn anh em thì mình nói họ mới nghe, mới phục. Nhiều em khi vào đội không có xe máy đi làm, tôi cho mượn tiền mua cho xe mới, trừ dần khi có. Anh em nào không có việc tôi gửi đi đào tạo việc làm miễn phí, như học lái xe nâng, điện… rồi gửi vào làm việc tại các công ty có thu nhập ổn định. 2 năm nay, tôi đã bỏ ra cả trăm triệu đồng từ tiền kinh doanh để giúp các em trong đội, khi họ gặp khó khăn”, anh Mỹ chia sẻ.
Tích cực với công việc, khoan dung với đồng nghiệp, sẻ chia với người nghèo, anh Kim Ngọc Mỹ không chỉ là người anh cả của các “hiệp sĩ bóng đêm” TP.Dĩ An mà còn là người thân, người nhà, điểm tựa cho nhiều người khó khăn, hộ nghèo trong và ngoài tỉnh.
Khoảng hơn năm nay, rất nhiều phụ huynh ở địa phương đã liên hệ với tôi xin đưa con vào đội. Hầu hết là những gia đình có điều kiện, họ muốn con vào đội để trải nghiệm, tôi luyện bản thân, biết yêu thương và sẻ chia với người nghèo. Khi trực tiếp tham gia những việc làm thiện nguyện, nhận thức của các em sẽ đổi thay, biết quý trọng yêu thương gia đình. Bởi cuộc đời không phải lúc nào cũng màu hồng…”. (Đội trưởng KIM NGỌC MỸ) |
QUANG TÁM