Cho rằng khu phố mình đang sinh sống là một “khu phố đặc biệt”, vì có cư dân của 64 tỉnh, thành trong cả nước hiện đang sinh sống và làm việc, ông Trần Hoài Tâm, Trưởng Ban điều hành KP Tân Phú 1, phường Tân Bình, TX.Dĩ An đã có những cách gắn kết người dân để khu phố trở thành một “pháo đài” trong công tác tấn công tội phạm.
Ông Trần Hoài Tâm nhiệt tình giúp đỡ người dân khi cần. Ảnh: Q.ĐIỀN
Nói dân hiểu, dân nghe
Trong văn phòng KP Tân Phú 1 chật kín bằng khen, giấy khen; có cái của tập thể và có cái là của cá nhân ông Tâm, tuy nhiên ông rất khiêm tốn khi nói về những thành tích của mình. 15 năm làm Trưởng Ban điều hành khu phố (BĐHKP), điều làm ông hài lòng nhất là việc tình làng nghĩa xóm được thắt chặt, hơn 2.000 hộ dân được bảo vệ không xảy ra trộm cắp, cướp giật. “Ở khu phố này có một tổ chỉ chưa đầy 70 hộ, nhưng có đủ người dân của 64 tỉnh, thành và họ đang chung sống chan hòa, đoàn kết. Chắc có lẽ ít khu dân cư nào đặc biệt như nơi mà tôi đang quản lý”, ông Tâm cười vui mở đầu câu chuyện.
Dù nay đã gần 60 tuổi, nhưng đêm đêm ông vẫn chạy xe máy cùng lực lượng tuần tra đến từng con hẻm, nhắc nhở từng nhà khi quên đóng cửa, để xe cộ hớ hênh. Nơi đâu có người tụ tập đêm khuya, lập tức ông cho lực lượng giải tán ngay. Với vai trò là Trưởng BĐHKP, ông tích cực vận động, tuyên truyền pháp luật đến từng nhà. Đặc biệt với phương châm “gần dân, hiểu dân”, ông tiếp cận từng hộ gia đình, qua đó nắm bắt tình hình, tâm tư nguyện vọng của người dân để làm sao “nói dân hiểu, dân nghe”. Chính vì luôn gần gũi với bà con trong khu phố nên nhiều gia đình đã xem ông Tâm như người nhà.
Ông Tâm quê Tiền Giang. Có cả cha và mẹ đều tham gia kháng chiến chống Mỹ nên từ nhỏ ông đã theo hoạt động cách mạng ở quê nhà. Năm 1978, ông trực tiếp cầm súng tham gia chiến đấu tại chiến trường Campuchia.
Cuộc đời quân ngũ với muôn vàn khó khăn, thử thách và cả những mất mát, hy sinh đã khiến ông nhận thức rõ hơn về giá trị của cuộc sống bình yên. Cũng vì thế mà những năm 1980, khi chọn Bình Dương làm quê hương thứ hai, ông luôn hoàn thành xuất sắc mọi công việc địa phương giao phó. Nhờ uy tín và cái tâm của người lính, ông xây dựng tình làng nghĩa xóm tại địa phương, biến một khu phố đông dân, khó quản lý thành một khu phố nề nếp, nhiều năm liền đạt danh hiệu khu phố văn hóa. Ông “bật mí” kinh nghiệm: “Tôi không có 3 đầu 6 tay để biết rõ mọi chuyện diễn ra, tất cả phải dựa vào người dân. Tôi thấy mọi gia đình trong khu phố ai cũng tốt, mình phải tìm hiểu thì mới biết được điểm tốt của người ta, chứ thờ ơ cho qua chuyện thì khó mà hiểu được lòng nhau”.
Cũng nhờ nhiệt tình với công việc, ông đã cảm hóa được nhiều thanh niên một thời lầm lỡ. Như trường hợp anh Nguyễn Đắc Thắng là một điển hình. Trước đây, anh Thắng nghiện ma túy nặng, nhưng được ông Tâm vận động, khuyên nhủ, cảm hóa từng ngày nên anh đã giã từ được “cái chết trắng”, trở thành người có ích cho gia đình. Ngày cuối năm, khi chúng tôi ghé thăm, anh Thắng chia sẻ: “Để có được hôm nay, bản thân tôi vàgia đình rất biết ơn chú Tâm. Bây giờ tôi luôn coi chú ấy như người ruột thịt trong nhà vậy...!”.
“Khắc tinh” của tội phạm
Trong công việc hàng ngày, ông được người dân tín nhiệm, tin yêu. Còn với tội phạm, ông thực sự là một “khắc tinh”. Với chút “ngón nghề” học được trong quân ngũ, ông chỉ đạo lực lượng an ninh trong khu phố vây bắt thành công nhiều vụ trộm, cướp ở địa bàn giáp ranh với các xã, phường khác. Bản thân không ngại nguy hiểm, nhiều lần ông trực tiếp đối đầu với bọn tội phạm nguy hiểm. Cách đây khoảng 3 năm, khi trời đã nhá nhem tối, ông nhận được điện thoại báo tin từ BĐHKP Chiêu Liêu, phường Tân Đông Hiệp, TX.Dĩ An có 2 đối tượng trộm xe máy đang tẩu thoát sang địa bàn phường Tân Bình. Ông liền phóng xe ra đến ngã tư Chiêu Liêu thì giáp mặt 2 tên tội phạm. Tên ngồi sau liền móc súng chĩa thẳng vào người ông siết cò. Bằng kinh nghiệm dày dạn của một người lính, ông Tâm không lách mình né đạn mà dũng cảm đâm xe trực tiếp vào 2 đối tượng. Trước hành vi táo bạo của ông, tên cầm lái lách xe tránh nên viên đạn đã bắn trượt qua người ông. Ông quay xe rồ ga phóng theo xe chúng nhưng do đường quá đông người và trời tối nên bọn chúng mới có cơ hội tẩu thoát. Ông Tâm quả quyết: “Nếu mình lách xe né tránh thì bọn chúng rất dễ cho mình “ăn” đạn. Cũng may lần đó chúng chỉ dùng súng bắn đạn hơi cay, chứ đạn thật thì người đi đường đã gặp nguy!”.
Cách đây không lâu, khi cầm trên tay lệnh truy nã của Công an tỉnh Tiền Giang đối tượng tên D. từng gây tai nạn chết người tại TP.HCM, sau đó bỏ trốn và bị truy nã suốt 15 năm qua, ông Tâm ngờ ngợ nhớ ra một nhân viên làm việc tại lò bánh mì ở KP Chiêu Liêu. Hàng ngày, ngoài việc chạy xe máy đi bỏ mối bánh mì, D. rất ít khi ra đường. Lần đó để bắt cho được đối tượng này ông đã phải “hóa thân” thành một bợm nhậu ngồi canh trước lò bánh mì nhiều ngày để nắm được quy luật đi lại, rồi báo công an bắt gọn kẻ bị truy nã.
Với những đóng góp thầm lặng, quên mình vì công việc, ông Tâm đã góp một phần công sức của mình vào sự bình yên của khu phố, cũng như thắt chặt tình đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng dân cư. Sống chất phác, thật thà, ông không những được người dân trong khu phố tin yêu, mà còn là tấm gương cho thế hệ trẻ học tập.
Tiền không mua được ông Tâm
Một buổi chiều cuối năm 2013, khi ông Tâm đang ở ngoài ruộng thì nhận được tin báo của người dân trong khu phố: “Chú Tâm ơi, không biết trong Công ty Cơ nhiệt Sài Gòn mới chở thứ gì về mà thối quá, không ai chịu nổi!”. Ông điện thoại báo tin cho lãnh đạo phường. Sau đó ông cùng một đồng chí an ninh khu phố đến công ty này để kiểm tra. Để ông bỏ qua chuyện này, một nhân viên tại đây đã đưa cho ông số tiền khoảng 50 triệu đồng. Ông cương quyết từ chối và báo tin cho công an địa phương. Khi lãnh đạo phường đến và khui 2 container hàng ra thì đúng lô hàng này toàn là nhượng, lòng và đuôi bò đã mốc xanh. Sau khi làm rõ mọi chuyện, ngành chức năng phải điều đến 6 xe tải mới chở hết số hàng này đi tiêu hủy.
Với thành tích này, ông Trần Hoài Tâm đã được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen để động viên và ghi nhận những đóng góp của ông cho phong trào bảo vệ an ninh trật tự ở địa phương.
QUẢNG ĐIỀN