Tác nghiệp ở Trường Sa

Cập nhật: 28-01-2015 | 10:26:53

Tác nghiệp báo chí ở Trường Sa có nhiều cái khó so với đất liền. Nhưng vượt qua những cơn say sóng, rủi ro khi di chuyển hay kỹ thuật đường truyền, người làm báo vẫn cố gắng tác nghiệp bằng tất cả lòng yêu nghề, nhiệt huyết của mình để chuyển tải những thông tin nóng hổi về đất liền kịp thời.

Phóng viên tranh thủ viết tin, bài gửi về đất liền.  Ảnh: K.VINH

Yêu nghề, vượt lên gian khó

Khi còn ở Bình Dương, nhận công văn đi công tác Trường Sa, dù vui mừng khôn xiết nhưng tôi cũng có băn khoăn, đó là làm thế nào để vượt qua những cơn say sóng, làm thế nào để chống chọi lại thời tiết khắc nghiệt ở đảo… Ngày tập trung ở Nhà khách Hải quân Vùng 4 mới biết nhiều phóng viên khác cũng có chung nỗi lo đó. Buổi sáng trước ngày lên đường, chúng tôi được đại diện Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng 4 “trang bị” kỹ năng chống chọi những cơn say sóng với câu giới thiệu làm nhiều người trong đoàn đi hồi hộp: Đi biển mùa này là mùa đáng sợ nhất của cả năm. Cán bộ, chiến sĩ cũng ngán ngại, mong các nhà báo chuẩn bị tâm lý!

Tác nghiệp ở Trường Sa luôn là cơ hội đặc biệt đối với các phóng viên báo, đài. Trong ảnh: Phóng viên Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương đang phỏng vấn chiến sĩ trên đảo Sơn Ca. Ảnh: K.V

Thật ra thì trước khi đi Trường Sa tôi cũng được học hỏi một số kỹ năng cần thiết để đối phó với sóng biển. Làm theo lời nhà báo Nguyễn Đình Quân (Báo Tiền Phong), có thâm niên 20 năm đi Trường Sa dặn dò, tôi vội chạy ra chợ Mỹ Ca (TP.Cam Ranh, Khánh Hòa) mua gừng và muối ớt. Say sóng, nhiều khi một hộp muối vừng, gừng tươi lại trở thành cứu cánh, vì khi ói không còn gì thì nhai một miếng gừng chấm muối rất hiệu quả.

Tàu vừa rời vịnh Cam Ranh, hết sóng 3G cũng là lúc đầu óc bắt đầu choáng váng những cơn say đầu tiên. Phòng chúng tôi có 8 nhà báo thì đã có đến 5 người nôn ói. Lúc này, tôi cố bấm bụng làm gan, cười tươi chìa vài củ gừng ra: “Các bạn nhai củ gừng chống say sóng đi!”. Không biết gừng tươi của tôi có giúp mọi người vượt qua cơn say sóng hay không, nhưng cả chuyến đi những củ gừng kia và hũ muối ớt trở thành người bạn đồng hành thân thiết của tôi và đồng nghiệp. Trong cơn say sóng nằm nghe đầu óc lắc lư quay cuồng, có gừng tươi chấm muối ớt cột ngay đầu giường, thật quý giá biết bao!

Một đối thủ rất đáng sợ khác đối với phóng viên khi tác nghiệp ở Trường Sa chính là những lần di chuyển từ thuyền lớn qua xuồng nhỏ vào bờ. Đi Trường Sa trong lúc biển động dữ dội, thường xuyên có gió biển cấp 6 - 7 với những cột sóng cao 3 - 4m, việc bước qua xuồng nhỏ là cực kỳ nguy hiểm. Chỉ cần một cái bước chân bị hụt hay lỡ nhịp con sóng nâng thuyền lên là rất dễ xảy ra chuyện. Đã thế, trong chuyến công tác lần này chúng tôi phải ra vào đảo tổng cộng 20 lượt.

Khó khăn là thế nhưng vượt qua tất cả, mỗi người đều ý thức được rằng đi Trường Sa là cơ hội có một không hai khi làm nghề trong cuộc đời, nên mỗi khi tàu hú vang báo hiệu đến đảo là các phóng viên lại nhanh chóng quên đi cơn say sóng, kiểm tra phương tiện, chuẩn bị sẵn sàng tác nghiệp. Nhờ thế, các thành viên trong đoàn đều có những tác phẩm tâm đắc, kịp thời chuyển tải thông tin về đất liền.

Lưu luyến Trường Sa!

Vì điều kiện ở đảo nên chất lượng đường truyền qua mạng không được tốt so với đất liền. Việc truyền tin, bài về đất liền phải tranh thủ mọi lúc, mọi nơi kể cả khi ăn lẫn khi… đi ngủ. Vì thế, mỗi tác phẩm được hoàn thành, một bài báo được đăng tải trên mạng hay phóng sự chiếu trên truyền hình trở thành niềm vui khôn xiết của cả đoàn công tác.

Phóng viên các báo, đài trong một lần tác nghiệp ở Trường Sa.  Ảnh: N.T

Đi Trường Sa luôn có cảm xúc cực kỳ đặc biệt đối với mỗi phóng viên, dù là đi tác nghiệp lần đầu hay đã đi nhiều lần. Ở mỗi điểm đảo đi qua chúng tôi không chỉ là khách quý mà còn là hơi ấm tình cảm chan chứa từ đất liền. Chính vì thế, ngoài nhiệm vụ tác nghiệp, đoàn công tác đi Trường Sa còn đảm nhận nhiều nhiệm vụ khác. Chẳng hạn, Tổ công tác Bình Dương ngoài việc tác nghiệp còn mang trọng trách trao quà, thăm hỏi, động viên cán bộ, chiến sĩ ở Trường Sa. Hay nhóm của Đài Phát thanh - Truyền hình Thái Nguyên chuyển thư, tranh của học sinh tỉnh nhà cùng chè xanh đặc sản làm quà; Đài Phát thanh - Truyền hình Gia Lai, Báo Gia Lai lại chuyển mật ong rừng… Trên các đảo nổi, phóng viên lại hóa thân thành… ca sĩ cho những đêm giao lưu văn nghệ đượm nghĩa tình ở đảo xa.

Trường Sa xa mà gần. Điều ấy thật đúng với chúng tôi. Đã không ra đảo, biết đảo thì thôi chứ đã đi rồi, phút chia tay sao mà lưu luyến. Phóng viên Nguyễn Thành Nam, Báo Đồng Tháp trầm ngâm giữa sóng gió Trường Sa: “Quả là một chuyến đi ý nghĩa của đời tôi. Ra đảo cảm nhận được cái hào sảng, khí khái của lính đảo, bà con trên đảo mới thấy Trường Sa thiêng liêng như thế nào. Nhất định sau này tôi sẽ còn trở lại Trường Sa!”.

 LÝ KHÁNH VINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1375
Quay lên trên