Trường Sa, vùng đất thiêng liêng giữa biển khơi bao đời nay hun đúc ý chí, tinh thần Việt Nam cho lớp lớp người ra đảo. Thật tự hào khi chứng kiến lý tưởng cao đẹp của chị Lê Thị Thiên từ những trang sách của cuốn Nhật ký Thế hệ Hồ Chí Minh lan tỏa mãnh liệt ở Trường Sa!
Nhật ký Thế hệ Hồ Chí Minh có sức hút mãnh liệt đối với cán bộ, chiến sĩ tại Trường Sa. Trong ảnh: Chiến sĩ đảo Sơn Ca đọc nhật ký dưới bóng cây mù u trên đảo.
Ảnh: K.VINH
Lay động lòng người
Ngày rời Bình Dương đi công tác ở Trường Sa, điều chúng tôi băn khoăn không phải là chuyện sóng to gió lớn nơi biển đảo hay chuyến hải trình kéo dài giữa biển khơi, mà là làm cách nào để 400 cuốn Nhật ký Thế hệ Hồ Chí Minh đến tận tay cán bộ, chiến sĩ ở Trường Sa. Vì ai cũng biết, toàn thể quần đảo Trường Sa rộng lớn với nhiều đảo chìm, đảo nổi.
Đợt đi Trường Sa lần này, Tổ công tác Bình Dương đi trên tàu 996 theo tuyến bắc với các đảo Song Tử Tây, Đá Nam, Đá Thị, Sơn Ca, Nam Yết… Trên chuyến hải trình dài ra Trường Sa, tâm sự cùng cán bộ, chiến sĩ ở Trường Sa về Nhật ký Thế hệ Hồ Chí Minh ... ai cũng cảm nhận được sức nóng từ Nhật ký Thế hệ Hồ Chí Minh.
Một buổi sáng gặp nhau ở nhà ăn tàu 996, nhà báo Hà Thế Thắng, Phó trưởng phòng Thời sự Đài Phát thanh- Truyền hình Thái Nguyên, xúc động nói: “Đêm qua, tôi đọc một mạch từ đầu đến cuối cuốn Nhật ký Thế hệ Hồ Chí Minh. Cuốn nhật ký này quả là có sức mạnh lay động lòng người. Thế hệ trẻ sống trong hòa bình không hiểu hết được chiến tranh, sự hy sinh, lý tưởng… nhưng đọc những cuốn sách như thế này sẽ giúp họ hiểu thêm về lớp đàn anh, đàn chị đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc”.
Nhật ký Thế hệ Hồ Chí Minh được trung úy Đào Hồng Đông cẩn thận xếp vào Tủ sách thanh niên đảo chìm Đá Thị. Ảnh: K.VINH
Những ngày sau đó, chúng tôi liên tục nhận được những phản hồi của các nhà báo trong đoàn công tác. Rõ ràng, ở cương vị là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, tư tưởng, các nhà báo đã nhiều lần đi Trường Sa tác nghiệp sớm nhận ra sức mạnh tư tưởng của cuốn nhật ký cũng như tiên liệu trước sức tác động lớn của nó đối với cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ đất trời Trường Sa. Đại tá Ngô Duy Đỗ, Phó Chỉ huy trưởng Lữ đoàn 146 Trường Sa xúc động chia sẻ: “Tấm gương hy sinh của chị Lê Thị Thiên thật anh dũng, tuổi trẻ Trường Sa hôm nay cần phải học tập và noi gương chị để vượt qua mọi khó khăn, khắc nghiệt của hoàn cảnh phấn đấu vươn lên”.
Nguồn động viên tinh thần quý giá
Ở Trường Sa, cái vất vả chỉ thêm phần điểm tô vẻ đẹp rạng ngời của người lính hải quân nhân dân Việt Nam nơi đầu sóng ngọn gió. Và ở Trường Sa, sách chính là người bạn thân thiết của người lính đảo. Những năm qua, hàng ngàn cuốn sách đã theo chân các đoàn công tác đến với đảo xa, trở thành món ăn tinh thần bổ ích, nhưng có lẽ không phải cuốn sách nào cũng được đón nhận nhanh và sâu rộng như cuốn Nhật ký Thế hệ Hồ Chí Minh ở Trường Sa.
Trên đảo Song Tử Tây, sau khi chúng tôi hoàn thành trao quà cho đảo buổi sáng thì chiều đã nhận được cái bắt tay nồng nhiệt của anh Lê Xuân Quyết, giáo viên trẻ trên đảo. “Tuổi trẻ chúng tôi thật sự xúc động nghiêng mình trước cuốn sách này. Sau khi nhận quà từ UBND xã, tôi tò mò đọc ngay vào buổi trưa trước giờ lên lớp dạy các cháu và tôi thật sự khâm phục trước những suy nghĩ cao đẹp của chị Lê Thị Thiên”, Quyết nói. Không chỉ có thầy giáo Quyết mà những ngày lưu lại tại Trường Sa, chúng tôi còn nhận được nhiều lời cảm ơn của nhân dân trên đảo và các chiến sĩ vì đã mang sách ra Trường Sa, đem lại một món ăn tinh thần quý cho họ.
Chiến sĩ trẻ Trần Trung Tuấn thuộc Trạm ra đa Phòng không 57, đảo Nam Yết xúc động gặp tôi sau giờ đọc sách ở thư viện của đảo chia sẻ: “Đọc cuốn Nhật ký Thế hệ Hồ Chí Minh, tôi không tài nào dừng lại được. Ở tuổi đẹp nhất cuộc đời mình nữ liệt sĩ Lê Thị Thiên đã cống hiến cho Tổ quốc luôn nhắc nhở mình học tập, trau dồi để hoàn thành công tác. Chúng tôi, những người lính ở đảo tiền tiêu hôm nay cũng như thế, luôn phải vượt lên hoàn cảnh để thực hiện tốt nhiệm vụ mà Tổ quốc, nhân dân giao phó. Và những trang nhật ký của chị chính là lửa sáng soi đường cho chúng tôi noi theo, kiên định với con đường mình đã chọn”.
Chúng tôi kết thúc chuyến công tác dài ngày ở điểm xuất phát Quân cảng Cam Ranh, sau 30 ngày “vác sách ra Trường Sa” cùng đọc, cùng cảm nhận những trang nhật ký, tấm gương chị Lê Thị Thiên cùng cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên đảo. Quân cảng Cam Ranh ngày nắng vàng rực rỡ, chúng tôi nhận cái bắt tay chân tình của trung tá Nguyễn Văn Thịnh, Trưởng ban Tuyên huấn Lữ đoàn 146. Anh chia sẻ: “Lý tưởng toát lên từ Nhật ký Thế hệ Hồ Chí Minh rất đáng để tuổi trẻ Lữ đoàn 146 hôm nay học tập, noi theo. Chị ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ, nhưng tấm gương hy sinh và những dòng nhật ký hun đúc tinh thần yêu nước của chị chắc chắn sẽ có sức lan tỏa lớn như sức sống của những cây phong ba ở Trường Sa”.
Cảm phục trước những trang nhật ký đầy sức sống của chị Lê Thị Thiên và muốn phổ biến rộng rãi nội dung cuốn sách, đưa việc đọc, cảm nhận Nhật ký Thế hệ Hồ Chí Minh trở thành đợt sinh hoạt chính trị trong Lữ đoàn 146 bảo vệ Trường Sa, đại tá Ngô Duy Đỗ, Phó Chỉ huy trưởng Lữ đoàn 146 cùng trung tá Nguyễn Văn Thịnh quyết định có cuộc họp nhanh với Tổ công tác Bình Dương trên tàu 996 trước khi chuyến công tác kết thúc.
Trung tá Nguyễn Văn Thịnh gửi gắm: “Mong rằng khi về Bình Dương, các anh cùng chúng tôi giữ liên lạc, xây dựng kế hoạch nhân rộng, mang thêm sách ra Trường Sa để sao cho tất cả cán bộ, chiến sĩ đều có cơ hội đọc, cảm nhận cuốn nhật ký. Về phần mình, chúng tôi sẽ tham mưu cho lữ đoàn có những bước chuẩn bị nhanh, hợp lý để việc triển khai sách ở các đợt sau được thuận lợi, sức lan tỏa mạnh mẽ hơn”.
LÝ KHÁNH VINH