Chuyện trồng rau xanh ở đảo xa

Cập nhật: 23-01-2015 | 10:25:56

Có đến Trường Sa, hiểu hết cái khắc nghiệt của thời tiết, sự khô cằn của đất mới thấy hết được nỗ lực, cố gắng không ngừng của người lính ở đảo xa trong việc tăng gia rau xanh, cải thiện bữa ăn hàng ngày để vững vàng tay súng bảo vệ Trường Sa thân yêu của Tổ quốc.

Các chiến sĩ thu hoạch rau cải thiện bữa ăn trên đảo Song Tử Tây.  Ảnh: K.VINH

Quý rau như máu thịt

 Những ngày đi khắp các đảo nổi, đảo chìm ở Trường Sa, ấn tượng không thể phai mờ trong chúng tôi chính là hình ảnh các chiến sĩ yêu rau như yêu con, quý rau như máu của mình. Trung tá Nguyễn Văn Thịnh, Trưởng ban Tuyên huấn Lữ đoàn 146 bảo vệ huyện đảo Trường Sa trầm ngâm bên sóng biển vỗ bờ cho biết: “Rau ở đất liền có thể không quý, người ta thường nói “rẻ như mua bó rau ngoài chợ” nhưng đối với dân đảo, lính đảo thì rau xanh còn quý hơn cả cơm thịt. Nếu không có những luống rau xanh tươi tốt, không chỉ cơ thể người lính chúng tôi bị thiếu chất trầm trọng mà còn khiến cuộc sống trên đảo trở nên buồn tẻ”.

Trồng rau xanh không chỉ để cải thiện bữa ăn mà còn là nhiệm vụ quan trọng của bộ đội trên đảo. Trong ảnh: Cải tạo đất chuẩn bị trồng rau vụ mới ở đảo Sơn Ca.
Ảnh: K.VINH

Chúng tôi đi Trường Sa lần này đúng vào mùa gió Đông Bắc tràn về. Ở Trường Sa, mùa này được xem là mùa khắc nghiệt nhất trong năm, không chỉ vì những con sóng cao 3 - 5m ầm ầm giữa biển khơi mà còn vì cái mặn chát của biển liên tục gây hại cây xanh, rau xanh trên đảo. Mùa này, rau xanh quả là thứ vô cùng quý hiếm ở Trường Sa. Do thời tiết đặc trưng của đảo rất khắc nghiệt, cộng với sự khô cằn của đất tự nhiên nên muốn trồng rau xanh tăng gia ở đảo các chiến sĩ phải mang đất từ đất liền ra. Ngoài ra, trong những năm gần đây, nhờ trồng được khá nhiều cây xanh như bàng vuông, dừa, tra, mù u, chuối… nên các loại lá sau khi cắt tỉa xuống trở thành phân xanh, cải tạo đất, góp phần cung cấp dinh dưỡng cho vườn rau.

Có đất chưa hẳn đã xong, cách trồng rau xanh ở đảo cũng phải mang đặc trưng riêng tùy theo yếu tố “chìm, nổi” của đảo. Ở các đảo nổi, việc canh tác rau xanh có nhiều thuận lợi hơn. Hầu như các đơn vị chiến đấu, đơn vị phối thuộc trên đảo nổi đều có “công trình cây xanh” riêng. Tuy nhiên, tại các đảo chìm, trồng được vườn rau để cung cấp cho cán bộ, chiến sĩ ở đây quả là kỳ công. Tại các đảo chìm, rau được trồng trong các khay, thùng xốp, chậu, túi ni-lông…

Theo các chiến sĩ ở đảo Đá Chìm, việc trồng rau ở đây rất công phu, các anh phải chắt chiu từng nhúm đất, ca nước, từng hạt phân vi sinh để cho rau sinh trưởng, phát triển bình thường. Bởi, nếu không có rau xanh, bộ đội trên đảo sẽ rất khó khăn trong việc ăn uống, sinh hoạt. Hơn nữa, khi có tàu tiếp tế rau không còn xanh tươi nữa. Để che chắn cho rau, các anh tận dụng thùng, bạt làm bờ rào. Vì nguồn nước ngọt khan hiếm nên nước tưới rau được tận dụng tối đa từ nước tắm giặt, rửa rau, nấu cơm… Các chiến sĩ phải dùng những tấm màn cũ bảo vệ rau khỏi ánh nắng chói chang của mùa hè.

Với tinh thần vượt khó, yêu thương những cọng rau như chính bản thân mình, những vườn rau muống, mùng tơi, cải mầm… được hình thành, cải thiện bữa cơm cho cán bộ, chiến sĩ trên đảo.

Thêm “màu xanh” cho Trường Sa

Ở đảo, tiền bạc chưa phải là thứ đáng giá, đáng quý nhất mà chính các… vườn rau. Chúng tôi được anh Phạm Nhật Giang, Bí thư Xã đoàn Song Tử Tây dắt đi xem vườn rau “đẹp nhất đảo”. Giữa những cơn gió biển xao xác, mặn chát mùi nước biển, từng khóm xà lách, cải… mọc lên tốt tươi. Ngoài ra, vườn rau xanh của UBND xã còn có cả mướp, bí đao… Anh Giang hồ hởi nói với chúng tôi: “Đó là tâm huyết, công sức hàng tháng liền của anh em trên đảo. Phải ở đảo mới biết, rau xanh, cây xanh quý giá như thế nào”.

Việc sản xuất rau trên đảo không dễ dàng nên khi thu hoạch cũng theo phương châm tiết kiệm. Nếu như màu xanh của biển trời là màu của tạo hóa dành cho Trường Sa thì màu xanh của cây lá là kết quả từ công sức và mồ hôi của cán bộ, chiến sĩ trên đảo. Những ngày đi Trường Sa, đặt chân lên các đảo chìm, đảo nổi nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc, chúng tôi mới thấu hiểu hết những công lao chăm sóc, vun trồng của cán bộ, chiến sĩ nơi đây.

Những mầm xanh ở Trường Sa có sức sống thật kỳ diệu, cứ vươn lên không ngừng giữa mưa gió bão bùng, như một sự thách thức với thiên nhiên khắc nghiệt. Đằng sau sức sống mãnh liệt ấy là biết bao tâm huyết, mồ hôi của cán bộ, chiến sĩ nơi đây nhằm khắc phục khó khăn, thử thách khắc nghiệt của thiên nhiên. Việc tăng gia rau xanh ở đảo không chỉ là công việc giúp chiến sĩ thảnh thơi đầu óc sau những giờ làm việc, mà đó còn là công tác thi đua quyết liệt giữa các đơn vị nhằm bảo đảm bữa ăn cho bộ đội ở Trường Sa, cùng nhau kiên cường bám đảo, gìn giữ chủ quyền Tổ quốc. 

Theo đại tá Ngô Duy Đỗ, Phó Chỉ huy trưởng Lữ đoàn 146 bảo vệ huyện đảo Trường Sa, trong những năm qua màu xanh của cây cối, của rau xanh ngày càng nhiều ở Trường Sa. Đó là những nỗ lực, cố gắng rất lớn của toàn huyện. Bằng sự cố gắng của quân dân trên đảo trong quá trình chăm sóc, bảo vệ nơi đây, cùng với sự tiếp tế từ đất liền, lượng cây xanh trên các đảo ngày càng tăng. Sau hơn 10 năm triển khai, các đảo đã trồng được gần 3.400 cây bóng mát, gồm các giống tra biển, bàng thường, bàng vuông và 1.400 cây che chắn có tên gọi “cây bão táp”. Nhờ vậy, từ chỗ chỉ toàn cát trắng nay độ che phủ bình quân các đảo đạt từ 30 - 40%, trong đó đảo cao nhất đạt tỷ lệ 80%

  LÝ KHÁNH VINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=2984
Quay lên trên