Hội ngộ tại Trường Sa

Cập nhật: 21-01-2015 | 10:29:04

Là người cùng quê đi xa, gặp nhau đã là một điều đáng quý, huống chi là gặp ở Trường Sa. Trong chuyến đi lần này, chúng tôi có những cuộc hội ngộ thật đặc biệt cùng các chiến sĩ Bình Dương đi thực hiện nhiệm vụ giữa ngàn khơi sóng vỗ.

Chiến sĩ Võ Văn Tâm trên đảo Sơn Ca luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, bảo vệ chủ quyền đất nước. Ảnh: K.VINH

Nỗi da diết nhớ biển…

Ngày rời Quân cảng Cam Ranh lên đường đi Trường Sa, chúng tôi tất bật sắp xếp hành lý lên con tàu 996 anh hùng, hòa mình vào không khí tiễn đưa chiến sĩ mới ra làm nhiệm vụ ở đảo. Đang loay hoay tìm một chỗ trên tàu cho chuyến hải trình xa xôi, tôi giật mình vì cái vỗ vai thật mạnh từ đằng sau: “Chào anh, có phải anh là người Bình Dương không? Lúc nãy em thấy các anh chị gói các bọc sách bằng báo Bình Dương…”. Tôi quay lại nhìn anh chiến sĩ trẻ, dáng người dong dỏng cao và đôi mắt ánh lên niềm vui khôn xiết. Hỏi ra mới biết, anh là chiến sĩ Trần Trung Kiên, là người xã An Lập, huyện Dầu Tiếng, Bình Dương.

Sóng gió Trường Sa đã giúp chiến sĩ Đặng Hoàng Bạo có thêm bản lĩnh và ý chí để sau này tiếp tục cống hiến nhiều hơn cho quê hương Bình Dương. Ảnh: K.VINH

Kiên sinh ra và lớn lên ở quê hương Dầu Tiếng anh hùng, bố mẹ làm công nhân nông trường cao su. Học xong lớp 12, anh lên đường nhập ngũ, ngạch công an bảo vệ tại TP.Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Những ngày làm công an bảo vệ mục tiêu ở đây, anh được một người quen rủ đi chơi một số đảo ven bờ trong đợt nghỉ phép dài ngày. Kiên xúc động: “Tôi sinh ra ở Bình Dương nên biển cả đối với tôi thật lạ lẫm, dù chỉ đi các đảo ven bờ nhưng trong tôi đã trào dâng lên tình cảm yêu quê hương, biển đảo vô cùng”.

Cũng vì tình yêu biển vô bờ ấy mà Kiên cảm thấy bứt rứt, nhớ nhung khi rời quân ngũ về Bình Dương làm việc. Những ngày nhớ biển, chàng trai trẻ tuổi 24 lại lấy những vật dụng kỷ niệm đã được các anh lính hải quân ở Cam Ranh trao tặng mỗi chuyến vào bờ ra xem. Tình yêu biển lớn mạnh mẽ thôi thúc Kiên đến mức, anh quyết định viết đơn tình nguyện gia nhập hải quân vào tháng 9-2013, chỉ sau 2 tháng rời quân ngũ.

Từ Quân cảng Cam Ranh, Trần Trung Kiên được cho đi học lớp kỹ thuật cơ điện máy tàu 6 tháng, tốt nghiệp loại giỏi, được phong quân hàm trung sĩ rồi lên công tác chính thức tại tàu 996 anh hùng. Đây là một vinh dự rất lớn đối với chiến sĩ trẻ như Kiên. Thuyền trưởng tàu 996, thiếu tá Lê Minh Phúc nhận xét về người lính trẻ của mình: “Kiên rất chăm chỉ và sáng dạ. Em luôn hoàn thành tốt các công việc được giao. Hình như trong lòng chiến sĩ trẻ này luôn có một động lực rất lớn để ra biển, ra với Trường Sa mỗi chuyến công tác”.

Người Bình Dương ở đảo

Đi Trường Sa công tác lần này chúng tôi may mắn hội ngộ khá nhiều cán bộ, chiến sĩ ra đi từ quê hương Bình Dương. Mỗi một cuộc hội ngộ, chúng tôi lại được nghe một câu chuyện xúc động về tình yêu biển đảo, yêu Trường Sa lên đường đi làm nhiệm vụ của các anh.

Trên đảo Nam Yết, chúng tôi gần như không có thông tin gì khi lần hỏi tung tích về những chiến sĩ có quê Bình Dương. Rất may, chúng tôi đã được trung tá Nguyễn Văn Dũng, chính trị viên của đảo cười tươi tiết lộ: “Trên đảo Nam Yết chúng tôi có đồng chí Đặng Hoàng Bạo, là chiến sĩ trẻ tiêu biểu của Phân đội pháo 85. Bạo là chiến sĩ có ý chí phấn đấu tốt, trung thực, luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao”.

Tôi được chính trị viên của đảo Nguyễn Văn Dũng dắt đến đơn vị của Bạo vào lúc chàng chiến sĩ trẻ đang làm nhiệm vụ tăng gia sản xuất cho đơn vị. Bạo cao dong dỏng, người rám nắng, đúng cái chất rắn rỏi, kiên cường của người lính hải quân. Bạo vui mừng cho biết, sau một thời gian cố gắng công tác, hoàn thành các nhiệm vụ được giao, anh đã được đơn vị cử đi học cảm tình Đảng. “Ở đảo, cái gì cũng lạ lẫm nhưng tôi luôn cố gắng công tác tốt, cùng anh em canh giữ đất trời Tổ quốc và rèn luyện ý chí, bản lĩnh để sau này trở về Bình Dương có nhiều cống hiến cho quê hương”.

Cố gắng rèn luyện tốt, hoàn thành nhiệm vụ được giao để trở về phục vụ nhiều hơn cho quê hương Bình Dương cũng là tâm nguyện của Võ Văn Tâm, chiến sĩ pháo binh của đảo Sơn Ca. Sau khi viết đơn tình nguyện, từ vị trí một anh dân quân của xã An Lập (Dầu Tiếng), sau đó được kết nạp vào Đảng, Tâm khăn gói lên đường ra Trường Sa thực hiện nhiệm vụ mà Tổ quốc và nhân dân giao phó. Ở đảo, dù gặp nhiều khó khăn nhưng Tâm vẫn cố gắng khắc phục, phát huy bản lĩnh và ý chí một người đảng viên để hoàn thành mọi công tác được giao. Tâm cho biết, sau này khi trở về quê hương Bình Dương nhất định anh sẽ viết đơn xin đi bộ đội chuyên nghiệp để tiếp tục góp phần bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.

Đi qua những đảo ở Trường Sa, chúng tôi luôn được nghe những câu chuyện xúc động về các cán bộ, chiến sĩ người Bình Dương ở Trường Sa. Có người chúng tôi được gặp, trò chuyện và cảm được tinh thần, ý chí của họ. Nhưng cũng có người, chúng tôi chỉ được “gặp” qua những câu chuyện kể xúc động, đầy tự hào từ đồng đội cũ. Bởi họ đã chuyển đi đảo khác hoặc rời quân ngũ về Bình Dương. Nổi bật lên trên những câu chuyện về họ là cái tính chịu khó, sự kiên cường nơi đảo xa.

Cái chất khí khái, rộng rãi của đất và người Bình Dương là nhận xét chung của đồng đội, chỉ huy khi nói về các chiến sĩ trẻ người đất Thủ ở Trường Sa. Nghĩ về họ, tôi chợt có một niềm tin chắc nịch: Trường Sa sẽ trui rèn người chiến sĩ Bình Dương, đưa họ thành những con người rắn rỏi, kiên cường và bản lĩnh hơn khi trở về cống hiến cho quê hương hoặc tiếp tục bước đi trên con đường binh nghiệp để bảo vệ sự vẹn toàn cho chủ quyền đất nước.

Quân cảng Cam Ranh ngày chuyển quân ra Trường Sa có rất đông người đưa tiễn thân nhân. Trần Trung Kiên chạy lại con tàu 936 neo cạnh nơi chúng tôi đứng. Kiên đi tìm chiến sĩ trẻ Lê Vương Linh, cũng là em của một người bạn học thời phổ thông của anh để đưa tiễn. Giữa trời nắng tại quân cảng, họ chẳng khác gì hai anh em ruột thịt chia tay nhau. Hỏi ra mới biết, những lần ngắn ngủi về Bình Dương chơi, Kiên đã hun đúc tình yêu Trường Sa cho Lê Vương Linh qua những câu chuyện dài về biển đảo. Từ đó, Linh đã viết đơn tình nguyện đi Trường Sa khi cócơ hội. Giờ thì họ lại lên những chuyến tàu khác nhau, cũng ra đảo tiền tiêu sóng vỗ để bảo vệ Tổ quốc. Lê Vương Linh là tân binh duy nhất từ xãAn Lập, huyện Dầu Tiếng ra đảo Sinh Tồn Đông làm nhiệm vụ lần này.

LÝ KHÁNH VINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1284
Quay lên trên